Luật Thanh tra số 11/2022/QH15 được xây dựng theo hướng sắp xếp, tổ chức lại các cơ quan thanh tra cho phù hợp với yêu cầu quản lý của từng lĩnh vực, bảo đảm thu gọn đầu mối các cơ quan thanh tra nhưng vẫn bảo đảm hoạt động quản lý Nhà nước trong tất cả các lĩnh vực đều được thanh tra, kiểm tra một cách có hiệu quả.

Các hoạt động thanh tra được tăng cường theo hướng chuyên nghiệp, vừa bảo đảm tính chủ động và tự chịu trách nhiệm của các cơ quan thanh tra, vừa bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo của thủ trưởng các cơ quan quản lý Nhà nước.

Luật Thanh tra số 11/2022/QH15 đã phân định thẩm quyền và xử lý chồng chéo, trùng lặp giữa các cơ quan thanh tra, giữa hoạt động thanh tra và hoạt động kiểm toán và hoạt động thanh tra với hoạt động kiểm tra thường xuyên của cơ quan quản lý…

Tuy nhiên, theo ông Đinh Quang Tuấn, Phó Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng, sau gần một năm thực hiện, Luật Thanh tra số 11/2022/QH15 đã bộc lộ một số “điểm vướng” cần được xem xét như:

Khoản 3, Điều 8 Luật Thanh tra số 11/2022/QH15 (quy định các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động thanh tra): 3. Cố ý không ra quyết định thanh tra khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật mà theo quy định của pháp luật phải tiến hành thanh tra; bao che cho đối tượng thanh tra; cố ý kết luận sai sự thật; kết luận, quyết định, xử lý trái pháp luật; không kiến nghị khởi tố và chuyển hồ sơ vụ việc có dấu hiệu tội phạm được phát hiện qua thanh tra đến cơ quan điều tra để xem xét, quyết định việc khởi tố vụ án hình sự theo quy định của pháp luật.

Ông Tuấn đề nghị giải thích, hướng dẫn rõ cụm từ “bao che cho đối tượng thanh tra” được quy định tại khoản 3, Điều 8 Luật Thanh tra số 11/2022/QH15.

Khoản 2, Điều 54 Luật Thanh tra số 11/2022/QH15 (quy định xử lý hành vi vi phạm pháp luật của người tiến hành thanh tra) “2. Trường hợp sau khi kết thúc thanh tra mà cơ quan có thẩm quyền khác phát hiện vụ việc có vi phạm pháp luật xảy ra tại cơ quan, tổ chức, đơn vị đã được thanh tra về cùng một nội dung mà Trưởng đoàn thanh tra, thành viên khác của đoàn thanh tra có lỗi thì phải chịu trách nhiệm”.

Về nội dung này, ông Đinh Quang Tuấn đề nghị giải thích, hướng dẫn rõ về hành vi “có lỗi” nêu trong khoản 2, Điều 54 Luật Thanh tra số 11/2022/QH15.  

Đối với hướng dẫn chi tiết việc thực hiện theo khoản 3, Điều 59 Luật Thanh tra số 11/2022/QH15. Tại khoản 11, Điều 2 Luật Thanh tra số 11/2022/QH15, quy định: “11. Thời hạn thanh tra là khoảng thời gian được tính từ ngày công bố quyết định thanh tra đến ngày kết thúc việc tiến hành thanh tra trực tiếp.”

Tuy nhiên, tại khoản 3, Điều 59 Luật Thanh tra số 11/2022/QH15, quy định: “3. Đối với cuộc thanh tra theo kế hoạch, quyết định thanh tra phải được gửi đến đối tượng thanh tra và công bố chậm nhất là 15 ngày trước ngày tiến hành thanh tra trực tiếp”.

Như vậy, theo ông Đinh Quang Tuấn, theo quy định tại khoản 3, Điều 59 nêu trên thì sau khi công bố quyết định thanh tra 15 ngày mới tiến hành thanh tra trực tiếp, vì vậy thời hạn cuộc thanh tra sẽ giảm 15 ngày so với quy định tại khoản 11, Điều 2 Luật Thanh tra số 11/2022/QH15.

“Nếu cuộc thanh tra bị giảm đi 15 ngày làm việc sẽ gây khó khăn cho đoàn thanh tra và khó hoàn thành cuộc thanh tra theo quy định” - ông Tuấn cho biết.

Liên quan đến việc thực hiện Luật Thanh tra số 11/2022/QH15 và Nghị định số 43/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thanh tra số 11/2022/QH15, theo ông Tuấn hiện nay chưa quy định các biểu mẫu thực hiện trong hoạt động thanh tra.

Phó Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng đề xuất đưa các biểu mẫu từ Thông tư 06/2021/TT-TTCP ngày 1/10/2021 vào nội dung Thông tư mới.

Trần Quý