Chỉ còn ít ngày nữa (27-28/6), kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ diễn tra trên phạm vi toàn quốc, đến thời điểm này, mọi công tác chuẩn bị cho kỳ thi đang được các địa phương gấp rút hoàn thành.

Tại TP Hà Nội, kỳ thi năm nay có hơn 109.000 thí sinh đăng ký dự thi, chiếm 1/10 tổng số thí sinh đăng ký dự thi của cả nước, trong đó có gần 5.600 thí sinh tự do. Sở GD&ĐT Hà Nội dự kiến bố trí khoảng 200 điểm thi với hơn 4.800 phòng thi.

Với số lượng thí sinh dự thi lớn nhất cả nước, Sở GD&ĐT Hà Nội chú trọng công tác tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ tham gia tổ chức kỳ thi cũng như lựa chọn các trường học làm điểm thi, rà soát trang thiết bị tổ chức kỳ thi đảm bảo an toàn, thuận lợi cho thí sinh.

Ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội chia sẻ, là địa phương có số lượng thí sinh đăng ký dự thi rất lớn nên đòi hỏi công tác tổ chức phải kỹ càng từng khâu, từng việc.

TP tổ chức nhiều điểm thi nên lực lượng cán bộ, giáo viên huy động coi thi cũng rất nhiều. Khâu in ấn đề thi với số lượng giấy khổng lồ diễn ra nhiều ngày với yêu cầu không để xảy ra sai sót, lỗi đề nên lực lượng tham gia khâu này rất áp lực.

Năm nay là kỳ thi cuối cùng kết thúc chương trình giáo dục phổ thông năm 2006. Kỳ thi vừa để xét công nhận tốt nghiệp THPT vừa được dùng để xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng, trường dạy nghề. Do đó, công tác thi phải được tổ chức một cách nghiêm túc, không lơ là, chủ quan.

Để kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, công bằng, đúng quy chế, Hà Nội đặc biệt lưu ý đến công tác thanh tra, kiểm tra vì đây là khâu vô cùng quan trọng đảm bảo tính nghiêm túc, mang lại sự công bằng cho thí sinh.

Bên cạnh đoàn thanh tra, kiểm tra của Bộ GD&ĐT, các đoàn thanh tra, kiểm tra của Sở GD&ĐT Hà Nội cũng sẽ thực hiện thanh tra, kiểm tra công tác tổ chức thi của hội đồng thi, các ban của hội đồng thi và điểm thi.

Các đoàn thanh tra, kiểm tra sẽ tiến hành thanh tra tất cả các khâu của kỳ thi. Trong công tác chuẩn bị thi, sẽ đặc biệt chú ý tới tiêu chuẩn, điều kiện đối với những người tham gia tổ chức kỳ thi; công tác chuẩn bị cơ sở vật chất, phương tiện thông tin liên lạc tại các điểm in sao đề thi, hội đồng thi, điểm thi phương án vận chuyển đề thi, bài thi; phương án bố trí các phòng tại điểm thi; việc thực hiện quy định về đăng ký dự thi, đối tượng dự thi, xếp phòng thi.

Đối với công tác coi thi, sẽ tập trung thanh tra, kiểm tra phương án xử lý tình huống bất thường, bảo đảm an ninh, an toàn tại điểm thi, việc bố trí, sử dụng thiết bị, cơ sở vật chất tại điểm thi; bảo quản đề thi, bài thi tại điểm thi, vận chuyển và ban giao bài thi.

Đặc biệt, Sở GD&ĐT chú ý tới công tác chấm thi. Với bài thi tự luận, sẽ chú trọng thanh tra, kiểm tra khu vực chấm thi, khu làm phách, bảo quản bài thi; thực hiện quy trình làm phách; phương án xử lý tình huống bất thường, bảo đảm an ninh, an toàn tại khu vực làm phách, chấm thi và bảo quản bài thi; việc thực hiện quy trình giao nhận bài thi, quy trình chấm thi, thống nhất điểm, chấm kiểm tra; việc ghép phách, nhập điểm bài thi...

Với bài thi tự trắc nghiệm, sẽ thanh tra, kiểm tra quy trình chấm thi của trưởng ban chấm thi, tổ trưởng và các thành viên làm nhiệm vụ chấm thi, xử lý kết quả chấm thi, thực hiện quy trình về xử lý bài thi trắc nghiệm, chấm điểm, nhập điểm bài thi trắc nghiệm.

Công tác thanh tra, kiểm tra phúc khảo bài thi cũng được chú trọng, trong đó, tập trung vào việc chuẩn bị cơ sở vật chất, bảo đảm an ninh an toàn khu vực phúc khảo, việc thực hiện quy trình phúc khảo bài thi...

Trong công tác xét công nhận tốt nghiệp THPT, đoàn sẽ tiến hành thanh tra, kiểm tra đối tượng miễn thi, đặc cách tốt nghiệp, cộng điểm ưu tiên, điểm khuyến khích.

Sở GD&ĐT giao Thanh tra Sở chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thành lập đoàn thanh tra, kiểm tra hoặc tham mưu Giám đốc Sở thành lập các đoàn kiểm tra tất cả các khâu của kỳ thi.

Ở khâu chuẩn bị thi, thành lập đoàn thanh tra hoặc đoàn kiểm tra công tác chuẩn bị thi đối với các đơn vị có thí sinh đăng ký dự thi, các địa điểm dự kiến điểm thi, khu vực dự kiến in sao đề thi.

Trong công tác coi thi, việc thành lập đoàn thanh tra gồm có trưởng đoàn, thư ký và các tổ thanh tra; bố trí số lượng cán bộ tối thiểu của tổ thanh tra tại một điểm thi theo nguyên tắc: Dưới 20 phòng thi 2 người; từ 20 đến 30 phòng thi 3 người; từ 31 đến 40 phòng thi 4 người; từ 41 phòng thi trở lên 5 người.

Đối với các điểm thi có các phòng thi bố trí phân tán hoặc nhiều tầng khác nhau thì số lượng thành viên của 1 tổ thanh tra tại một điểm thi có thể lớn hơn tùy theo tình hình thực tế do Chánh Thanh tra, trưởng đoàn thanh tra thống nhất quyết định.

Đặc biệt, Sở cũng sẽ thành lập 1 đoàn thanh tra công tác tổ chức chấm thi, bảo đảm đoàn thanh tra có đủ số lượng thành viên để thực hiện nhiệm vụ tại ban làm phách bài thi tự luận, ban chấm thi tự luận, ban chấm thi trắc nghiệm.

Bên cạnh đó, thành lập 1 đoàn thanh tra công tác tổ chức phúc khảo bài thi và 1 đoàn thanh tra, kiểm tra công tác xét công nhận tốt nghiệp.

Ngoài các đoàn trên, Sở GD&ĐT cũng thành lập tổ trực thanh tra thi tại Sở để theo dõi, nắm thông tin về hoạt động thanh tra, kiểm tra thi; chuẩn bị lực lượng để kịp thời thành lập đoàn thanh tra, kiểm tra đột xuất và xử lý những tình huống bất thường (nếu có)…

Ban Chỉ đạo TP Hà Nội, Thanh tra TP, Sở GD&ĐT, Thanh tra Sở GD&ĐT cùng lãnh đạo hội đồng thi, trưởng điểm thi sẽ tiếp nhận thông tin kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo về kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Hải Hà