Nội dung này được nêu trong Kết luận số 83 của Bộ Chính trị về cải cách tiền lương; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ 1/7, do Thường trực Ban Bí thư Lương Cường ký ban hành.

Khẩn trương hoàn thiện hệ thống danh mục vị trí việc làm

Tại kết luận này, Bộ Chính trị yêu cầu Ban Tổ chức Trung ương tiếp tục chủ trì, phối hợp với các ban, bộ, ngành có liên quan hoàn thiện, báo cáo Bộ Chính trị thông qua hệ thống danh mục vị trí việc làm của cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị.

Ban Kinh tế Trung ương được giao chủ trì sơ kết việc thực hiện Nghị quyết số 27 của Trung ương khóa XII về cải cách tiền lương.

Trong đó, Bộ Chính trị lưu ý, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Ban cán sự đảng Bộ Nội vụ và các ban, bộ, ngành có liên quan nghiên cứu đánh giá sự phù hợp, tính khả thi; đề xuất việc thực hiện 5 bảng lương và 9 chế độ phụ cấp mới của khu vực công cho phù hợp để trình Trung ương xem xét sau năm 2026 khi Bộ Chính trị ban hành và triển khai thực hiện hệ thống Danh mục vị trí việc làm trong hệ thống chính trị.

Ban Cán sự đảng Chính phủ chủ trì, phối hợp với Đảng đoàn Quốc hội xác định những nội dung cần sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật, nhất là các chính sách, chế độ gắn với mức lương cơ sở và hệ số lương để bảo đảm thống nhất, đồng bộ với lộ trình cải cách tiền lương khu vực công.

Bộ Chính trị cũng yêu cầu Ban Cán sự đảng Chính phủ lãnh đạo, chỉ đạo Chính phủ thực hiện việc điều chỉnh mức lương cơ sở với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và thực hiện các nội dung của Nghị quyết số 27 tại kết luận này.

Đồng thời, chỉ đạo các bộ, cơ quan liên quan triển khai thực hiện các nội dung theo chức năng, nhiệm vụ được giao; kịp thời báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị những vấn đề phát sinh vượt thẩm quyền.

Vấn đề khó tiếp tục rà soát kỹ lưỡng, không nóng vội

Xây dựng và triển khai thực hiện các nội dung cụ thể của chế độ tiền lương mới; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội, theo đánh của của Bộ Chính trị, là vấn đề lớn, phức tạp, liên quan đến nhiều cơ chế, chính sách, ảnh hưởng đến nhiều đối tượng trong xã hội.

Vì vậy, khi triển khai cần bám sát chủ trương của Đảng và các quy định hiện hành của pháp luật để thực hiện theo lộ trình phù hợp, từng bước, thận trọng, chắc chắn, bảo đảm tính khả thi, hiệu quả, khả năng chi trả của ngân sách Nhà nước.

leftcenterrightdel
 Thường trực Ban Bí thư Lương Cường. Ảnh: P.Thắng

Bộ Chính trị quán triệt nguyên tắc phải bảo đảm tương quan cân đối, công bằng, bình đẳng giữa các đối tượng hưởng lương và trợ cấp; giải quyết hài hoà các quan hệ xã hội, kiểm soát phân hoá xã hội, bảo đảm an sinh cho Nhân dân trong quá trình phát triển.

“Những nội dung trong các nghị quyết của Trung ương đã rõ, đủ điều kiện để thực hiện thì triển khai ngay; những vấn đề còn khó khăn, bất cập thì tiếp tục nghiên cứu, rà soát kỹ lưỡng, đánh giá sự phù hợp và bảo đảm tính khả thi, hoàn thiện dần, không nóng vội khi thực hiện nhằm tạo được đồng thuận xã hội, tránh xáo trộn lớn”, kết luận của Bộ Chính trị nêu.

Việc thực hiện chế độ tiền lương mới; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội cũng phải bảo đảm cải thiện đời sống người hưởng.

Từ đó, tạo động lực nâng cao năng suất và hiệu quả làm việc, góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội.

Kinh phí cải cách tiền lương tích luỹ qua các năm

Từ hôm qua (1/7), mức lương cơ sở tăng lên lên 2,34 triệu đồng/tháng. Mức lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội hiện hưởng cũng tăng 15% so với tháng 6/2024.

Với người đang hưởng lương hưu trước năm 1995, nếu sau khi điều chỉnh mà có mức hưởng thấp hơn 3,2 triệu đồng/tháng thì điều chỉnh tăng 300.000 đồng/tháng; có mức hưởng từ 3,2 triệu đồng/tháng đến dưới 3,5 triệu đồng/tháng thì điều chỉnh để bằng 3,5 triệu đồng/tháng.

Cùng với đó, trợ cấp ưu đãi người có công cũng được điều chỉnh theo mức chuẩn trợ cấp từ 2.055.000 đồng lên 2.789.000 đồng/tháng (tăng 35,7%), giữ nguyên tương quan hiện hưởng các mức trợ cấp ưu đãi người có công so với mức chuẩn trợ cấp; điều chỉnh trợ cấp xã hội theo mức chuẩn trợ giúp xã hội từ 360.000 đồng lên 500.000 đồng/tháng (tăng 38,9%).

Theo báo cáo Chính phủ, tổng nhu cầu kinh phí dành cho đợt tăng lương lần này trong 3 năm (năm 2024 - 2026) là hơn 913 nghìn tỷ đồng. Con số này tăng thêm so với phương án báo cáo Quốc hội tại kỳ 6 (tháng 10/2023) là 127 nghìn tỷ đồng.

Chính phủ đã chủ động với lộ trình tăng lương, nguồn kinh phí cải cách tiền lương được tích luỹ từ các khoản tăng thu của các năm, đến nay đã tích lũy được khoảng 706 nghìn tỷ đồng.

Tới đây, Chính phủ sẽ đề xuất bổ sung nguồn cho cải cách tiền lương và các chính sách liên quan của năm 2024 và các năm tiếp theo. Bộ trưởng Bộ Nội vụ khẳng định, Chính phủ đảm bảo được nguồn tiền để tăng lương đến 2026.

Về hoàn thiện cơ chế quản lý tiền lương và thu nhập, Bộ Chính trị yêu cầu quy định và hướng dẫn rõ 4 nội dung:

- Thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức, viên chức để trả lương, thưởng và kết quả thực thi nhiệm vụ.

- Thẩm quyền của người đứng đầu được sử dụng quỹ tiền lương và kinh phí chi thường xuyên để thuê chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị và được quyết định mức chi trả thu nhập gắn với nhiệm vụ được giao.

- Mở rộng áp dụng thí điểm tiền lương tăng thêm đối với một số địa phương khi đủ điều kiện theo chủ trương tại Nghị quyết số 27.

- Cơ chế quản lý tiền lương và thu nhập phù hợp với nguồn kinh phí ngân sách nhà nước cấp và nguồn thu của đơn vị sự nghiệp công lập.

Bộ Chính trị cũng giao Ban cán sự đảng Chính phủ lãnh đạo, chỉ đạo nghiên cứu và quyết định việc sửa đổi, bổ sung chế độ phụ cấp và chế độ đặc thù của lực lượng vũ trang, chế độ phụ cấp của cán bộ, công chức, viên chức một số chuyên ngành, nhất là phụ cấp theo nghề mà trong quá trình thực hiện có phát sinh bất hợp lý. 

Hương Giang