Thúc đẩy phát triển kinh tế của 3 nước 

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) Nguyễn Chí Dũng cho biết, mối quan hệ giữa ba nước Campuchia-Lào-Việt Nam là di sản quý báu đối với cả ba dân tộc, có ý nghĩa chiến lược trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển của ba nước. Việt Nam luôn coi đây là nhiệm vụ chiến lược và dành ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Việt Nam. Năm 2024, ba nước đánh dấu 25 năm thành lập khu vực Tam giác phát triển Campuchia-Lào- Việt Nam.

Trong 25 năm qua, ba nước đã xây dựng khu vực tam giác phát triển kinh tế-xã hội, giảm nghèo và tăng cường sự kết nối với khu vực mà còn thúc đẩy sự giao lưu, trao đổi giữa 3 Quốc hội, 3 Chính phủ, các tổ chức và người dân của 3 nước thông qua sự hợp tác toàn diện ở các lĩnh vực gồm giao thông vận tải, viễn thông, năng lượng, thương mại, đầu tư, công nghiệp, tài chính ngân hàng, nông nghiệp, du lịch, y tế, văn hóa, lao động, giáo dục, môi trường, khoa học và công nghệ.

Sự phát triển của 3 nước Campuchia- Lào-Việt Nam, là nhờ vào cơ chế chính sách thông thoáng thúc đẩy đầu tư, thương mại trong khu vực. Các dự án đầu tư lớn đã và đang được triển khai trong các lĩnh vực thủy điện, hợp tác tìm kiếm, khai thác và chế biến khoáng sản, trồng, chế biến sản phẩm cây công nghiệp có giá trị cao. Hệ thống cơ sở hạ tầng dần được hình thành và phát triển, nhất là trong lĩnh vực giao thông, thủy điện.

Đến nay, các doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư 110 dự án với tổng vốn đầu tư 3,7 tỷ USD vào khu vực tam giác phát triển tại Lào và Campuchia.

Quy mô kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Lào không ngừng được mở rộng từ mức 823,4 triệu USD năm 2016 lên 1,63 tỷ USD năm 2023 (gấp 2,1 lần). Quy mô thương mại Việt Nam-Campuchia tăng gấp gần 3 lần; từ mức 2,92 tỷ USD năm 2016 lên tới 8,56 tỷ USD vào năm 2023.

Hợp tác trong các lĩnh vực ngoại giao, an ninh, giao thông, nông nghiệp, y tế, du lịch... cũng được các bộ, ngành và địa phương 3 nước triển khai tích cực và hiệu quả.

Có thể nói, với những cơ chế chính sách thuận lợi của cả 3 nước Campuchia-Lào-Việt Nam dành cho khu vực tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam cùng với sự nỗ lực hợp tác của 3 nước thời gian qua đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng và phát triển cho khu vực tam giác phát triển Campuchia- Lào-Việt Nam.

leftcenterrightdel
 Toàn cảnh hội nghị

Đề xuất những giải pháp mang tính đột phá

Tại hội nghị lần thứ 13 này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng lạc quan vào những kết quả của khu vực đã đạt được. Tuy nhiên, vẫn còn một vài kết quả chưa đáp ứng được kỳ vọng đặt ra, chưa thực sự tạo được bước đột phá trong khu vực.

Bộ trưởng dẫn chứng một số nguyên nhân như: Do hạn chế, bất cập về cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực và thể chế. Một số cơ chế, thoả thuận trong khu vực đã được thông qua nhưng chưa thực sự được tích cực triển khai; các chính sách thuế, hải quan, thủ tục đầu tư chưa được nhất quán…

Từ đó, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề ra những giải pháp đột phá về phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực và cải cách thể chế như: Việt Nam sẽ ưu tiên xây dựng tuyến đường cao tốc Ngọc Hồi - Quy Nhơn phục vụ nhu cầu xuất khẩu hàng hóa của khu vực tam giác phát triển. Các nước Lào và Campuchia chủ động ưu tiên nguồn lực để cải tạo, nâng cấp các tuyến giao thông kết nối với cao tốc Ngọc Hồi-Quy Nhơn của Việt Nam.

Ba nước cần có giải pháp đồng bộ phát triển nguồn nhân lực nhằm thu hút đầu tư, đặc biệt là trong các lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, năng lượng tái tạo, khai khoáng, du lịch...

Mỗi nước cần chủ động rà soát các cơ chế hiện hành, các vướng mắc đối với phát triển kinh doanh, thu hút đầu tư...

Đồng thời, Bộ trưởng cũng kiến nghị ba nước cần tiếp tục thực hiện các chương trình hợp tác thuộc 4 lĩnh vực.    

Thứ nhất, về hợp tác kinh tế: Cần tiếp tục phổ biến và xây dựng Kế hoạch hành động thúc đẩy triển khai hiệu quả các hiệp định, thỏa thuận đã thống nhất và ký kết trong khuôn khổ hợp tác của khu vực tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam bao gồm cả các hiệp định, thỏa thuận hợp tác song phương đã được ký kết giữa các nước.

Thông qua các cơ chế, chính sách đặc thù, khuyến khích thương mại-đầu tư, trong đó chú trọng thương mại biên giới và phát triển kinh tế cửa khẩu trên đất liền giữa ba nước, xây dựng hạ tầng cơ sở biên giới. Đơn giản hóa thủ tục vận chuyển hàng hóa, góp phần giảm chi phí về lao động, phương tiện đi lại…

Tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án trong các lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, điện mặt trời, điện gió, công nghiệp khai thác, chế biến được triển khai trong khu vực.

Thứ hai, tăng cường hợp tác về an ninh-đối ngoại, xã hội, môi trường: Đó chia sẻ thông tin, tham vấn giữa các cơ quan chức năng của ba bên nhằm đấu tranh các loại tội phạm xuyên biên giới, đảm bảo an ninh, quốc phòng trong khu vực; phát triển các lĩnh vực y tế, giáo dục - đào tạo, xóa đói giảm nghèo. Đẩy mạnh bảo vệ môi trường, nguồn nước và tài nguyên rừng.

Thứ ba, hợp tác giữa các tỉnh trong khu vực: Cần tăng cường trao đổi các đoàn, giao lưu nhân dân, thanh niên, tăng cường hoạt động trao đổi sinh viên, giảng viên các chương trình đào tạo nghề giữa các tỉnh biên giới. Đề xuất giải pháp, tạo thuận lợi cho việc đi lại của người dân, di chuyển lao động giữa các địa phương. Các tỉnh trong khu vực tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam kết nối với bên ngoài để tìm kiếm cơ hội, thu hút sự quan tâm của các nhà tài trợ quốc tế.

Thứ tư, về nguồn lực để triển khai: Trong quá trình thực hiện, cần nghiên cứu, lồng ghép các mục tiêu phát triển khu vực tam giác phát triển Campuchia-Lào- Việt Nam vào các kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của quốc gia và địa phương. Ưu tiên phân bổ nguồn lực ngân sách quốc gia (đầu tư công) để triển khai thực hiện các dự án trong khu vực. Khuyến khích, có cơ chế thu hút nguồn lực của khu vực tư nhân.

Nguyễn Điểm