Theo thông cáo báo chí đăng trên trang web chính thức của Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) ngày 26/6, IACC lần thứ 21 sẽ diễn ra từ 18 - 21/6/2024 tại Thủ đô Vilnius của Litva.

Thông cáo cho biết: Hội đồng IACC đã chọn tổ chức hội nghị tiếp theo tại Litva vì tầm quan trọng chiến lược và cam kết chống tham nhũng của quốc gia này kể từ khi giành được độc lập chỉ hơn 30 năm trước.

IACC 2024 sẽ rút ra bài học từ những thành công của Litva để thế giới hiểu rõ hơn về cách duy trì các nguyên tắc chống tham nhũng, dân chủ và tự do.

Theo bà Delia Ferreira Rubio, Chủ tịch TI: “Ngay bây giờ thế giới phải đối mặt với vô số mối đe dọa về nhân quyền và trật tự toàn cầu - từ sự trỗi dậy của chế độ chính trị tham nhũng (kleptocracy) và chủ nghĩa độc đoán, đến biến đổi khí hậu - và tham nhũng thúc đẩy từng thách thức này. IACC mang đến cơ hội vô giá cho các nhà lãnh đạo thế giới tập trung vào việc chống tham nhũng, học hỏi lẫn nhau và tạo dựng các mối quan hệ đối tác mới trong tương lai”.

Kể từ năm 1983, IACC đã trở thành nơi tập hợp các nhà hoạch định chính sách, lãnh đạo doanh nghiệp, tổ chức xã hội dân sự và nhà báo từ hơn 140 quốc gia để nêu bật tác động toàn cầu của tham nhũng và cách chúng ta có thể hợp tác để chống lại nó.

Hội nghị gần đây nhất do Chính phủ Mỹ đồng tổ chức tại Thủ đô Washington bao gồm các nhà lãnh đạo từ mọi lĩnh vực và tầng lớp xã hội thảo luận nhằm giải quyết các vấn đề chính từ ngăn chặn dòng tiền bẩn đến bảo vệ nền dân chủ và an ninh toàn cầu.

IACC lần thứ 20 có sự góp mặt của các diễn giả từ Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, tới Tổng thống Moldova Maia Sandu và Trưởng Cơ quan điều tra tại Quỹ Chống Tham nhũng Maria Pevchikh.

Bà Huguette Labelle, Chủ tịch Hội đồng IACC, cho biết: “Chúng tôi đã kết thúc IACC 2022 bằng cách kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới biến những lời hứa chống tham nhũng thành hành động cụ thể - bởi vì tương lai chung của chúng ta phụ thuộc vào điều đó. Hội nghị năm 2024 tại Litva sẽ là thời điểm quan trọng để các nhà hoạch định chính sách, xã hội dân sự và khu vực tư nhân đánh giá những nỗ lực của họ và xác định các chiến lược mới để giải quyết các mối đe dọa và thách thức toàn cầu đang nổi lên”.

IACC được tổ chức 2 năm một lần. Bên cạnh hội nghị định kỳ 6 tháng một lần, chuỗi sự kiện IACC còn bao gồm các sáng kiến như: Nhà báo vì sự minh bạch, Âm nhạc chống tham nhũng, Phim vì sự minh bạch và Giám sát IACC.

Tháng 12/2020, diễn đàn chống tham nhũng lớn nhất thế giới IACC lần đầu tiên được tổ chức trực tuyến với hơn 100 hội thảo, phiên họp toàn thể và các phiên họp đặc biệt để thảo luận về các vấn đề bức xúc, các giải pháp đổi mới trong phòng, chống tham nhũng. IACC lần thứ 19 nhấn mạnh tầm quan trọng của tính minh bạch, liêm chính và trách nhiệm giải trình đối với sự phục hồi bền vững từ đại dịch COVID-19.

Tại hội nghị lần thứ 20, diễn ra từ ngày 6-10/12/2022 tại Washington, Mỹ, với chủ đề “Nhổ tận gốc tham nhũng, bảo vệ các giá trị dân chủ” (Uprooting corruption, defending democratic values), đã thu hút hơn 2.000 người tham gia trực tiếp và hơn 1.000 người dự trực tuyến từ 126 quốc gia, bao gồm tất cả lĩnh vực và tầng lớp xã hội, để chia sẻ sự cấp bách và quyết tâm chống tham nhũng.

IACC 20 đã nhấn mạnh sự đoàn kết và các hành động tập thể là rất quan trọng để đối phó với những thách thức toàn cầu mà chúng ta phải đối mặt, vì tương lai mà chúng ta mong muốn. “Chìa khóa thành công là hành động tập thể. Không có trở ngại nào không thể vượt qua đối với cộng đồng chống tham nhũng dũng cảm và tận tâm”, Tuyên bố Washington, IACC 2022 khẳng định.

Ngọc Anh