Vào cuối năm ngoái, Quốc hội Hungary đã thông qua Luật Bảo vệ chủ quyền quốc gia, theo đó thành lập một cơ quan có tên Văn phòng Bảo vệ chủ quyền để giám sát, phát hiện và giải quyết các nguy cơ có thể xảy ra do ảnh hưởng của nước ngoài đối với chính trị.

Nhiệm vụ của Văn phòng Bảo vệ chủ quyền là phát hiện những thông tin sai lệch được lan truyền có lợi cho các quốc gia nước ngoài hoặc các tổ chức nước ngoài và những nỗ lực nhằm gây ảnh hưởng đến các quyết định của các tổ chức công. Cơ quan này cũng có nhiệm vụ chịu trách nhiệm vạch trần và điều tra các tổ chức nhận tiền từ nước ngoài để gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử.

Đạo luật này được cho là sẽ ngăn chặn mọi hành vi gian lận bầu cử và đưa ra hình phạt lên tới 3 năm tù đối với bất kỳ ai sử dụng tiền từ nước ngoài trong một chiến dịch tranh cử.

TI đã công bố tin tức về cuộc điều tra trên trang web của mình, trích dẫn một lá thư từ Văn phòng Bảo vệ chủ quyền.

Phía Văn phòng sau đó xác nhận rằng họ đã gửi bức thư và bắt đầu một cuộc điều tra.

Trong thư, Văn phòng Bảo vệ chủ quyền cho biết, cuộc điều tra của họ dựa trên cáo buộc rằng TI Hungary đã tham gia vào các hoạt động được tài trợ bởi "trợ cấp từ nước ngoài" và "ảnh hưởng đến các quyết định của cử tri".

Trong khi đó, TI Hungary chỉ trích Luật Bảo vệ chủ quyền, cho rằng luật được ban hành nhằm mục đích đe dọa các tổ chức dân sự chỉ trích Chính phủ.

Bên cạnh TI Hungary, một trung tâm báo chí điều tra phi lợi nhuận, Atlatszo.hu ngày 25/6 cũng cho biết, Văn phòng Bảo vệ chủ quyền đã thông báo cho họ về việc bắt đầu một cuộc điều tra về tài chính và mối quan hệ của họ với TI.

Atlasszo.hu là tổ chức báo chí điều tra tham nhũng, đã cùng với một số cơ quan báo chí khác chỉ trích Luật Bảo vệ chủ quyền.

Hồi tháng 2, Ủy ban châu Âu cho biết luật này của Hungary vi phạm luật của Liên minh châu Âu (EU) về dân chủ, quyền bình đẳng của công dân, luật bảo vệ dữ liệu và một số quy định áp dụng với thị trường nội địa.

"Quyết định thành lập cơ quan mới với quyền lực lớn cùng khả năng giám sát, thực thi và xử phạt nghiêm ngặt cũng có nguy cơ gây tổn hại nghiêm trọng nền dân chủ", theo Ủy ban châu Âu.

Hungary, thành viên của EU và NATO, được xem là thuộc nhóm quốc gia tham nhũng nhất ở EU.

Vào cuối tháng 3/2024, hàng nghìn người Hungary đã biểu tình ở Budapest để yêu cầu Thủ tướng Viktor Orban từ chức, sau khi trợ lý cấp cao của ông bị cáo buộc can thiệp vụ án hối lộ.

Cuộc biểu tình diễn ra sau khi Peter Magyar, luật sư thân cận với Chính phủ và dự định thành lập đảng mới thách thức ông Orban, công bố đoạn ghi âm cuộc trò chuyện với vợ cũ của Magyar là bà Judit Varga, cựu Bộ trưởng Tư pháp Hungary. Trong băng ghi âm, bà Varga tiết lộ các trợ lý của Thủ tướng Orban đã nỗ lực xóa bỏ một số tài liệu của vụ án hối lộ nghiêm trọng.

Vụ án liên quan tới cựu Thứ trưởng Tư pháp Pal Volner, người năm 2022 bị cáo buộc nhận hối lộ từ người đứng đầu Văn phòng Tư pháp Gyorgy Schadl. Cả hai đều không nhận tội và công tố viên đang đề nghị án tù với họ.

Hồi tháng 5, cuộc biểu tình của khoảng 10.000 người dân Hungary phản đối Chính phủ tiếp tục diễn ra.

Các cơ quan giám sát quốc tế cho biết, ông Orban đã chuyển các quỹ của EU cho doanh nhân thân cận với Đảng Fidesz để củng cố quyền lực. Tuy nhiên, Thủ tướng nói Hungary không tham nhũng nhiều hơn các nước khác.
Ngọc Anh