Trước đó, Singapore từng chiếm vị trí đầu bảng vào năm 2020, sau đó tụt xuống vị trí thứ năm, thứ ba và thứ tư trong những năm tiếp theo. Năm nay, Singapore đã có thành tích tốt trên cả bốn hạng mục bao gồm hiệu quả kinh tế, hiệu quả của chính phủ, hiệu quả kinh doanh và cơ sở hạ tầng.

Singapore là quốc gia nổi tiếng với sự minh bạch, trong sạch. Đây cũng là quốc gia châu Á duy nhất lọt vào top 10 chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI) của Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) kể từ khi chỉ số này được công bố lần đầu năm 1995.

Singapore đứng thứ 3 (trong số 180 quốc gia) vào năm 2018 và 2020; đứng thứ 4 vào năm 2019, 2021 và thứ 5 vào các năm 2022, 2023.

Theo bảng xếp hạng cạnh tranh toàn cầu 2024 gồm 67 quốc gia khảo sát, đứng sau Singapore là Thụy Sỹ và Đan Mạch.

Mỹ đứng ở vị trí thứ 12 trong khi Trung Quốc đứng ở vị trí thứ 14.

Một trường hợp đáng chú ý là Malaysia - quốc gia có mức độ cạnh tranh cao thứ 34 trên thế giới, đã bị tụt 7 bậc so với năm ngoái (vị trí thứ 27). Theo học giả John Antony Xavier, một trong những chiến lược quan trọng để Malaysia cải thiện vị trí cạnh tranh là cần sự ổn định chính trị, bất chấp tranh chấp chính trị, và quản trị tốt, đảm bảo môi trường kinh doanh thuận lợi để nâng cao khả năng cạnh tranh.

Mặc dù theo bảng xếp hạng CPI của TI đánh giá mức độ tham nhũng khu vực công, Malaysia đã cải thiện từ vị trí thứ 61 vào năm 2018 lên vị trí thứ 57 hiện nay và Ủy ban Chống tham nhũng của Malaysia đang trong cuộc chiến chống tham nhũng nhưng quốc gia này vẫn cần phải hành động nhiều hơn nữa.
Đức Anh