Trong báo cáo, FATF đã đánh giá Ấn Độ đạt mức "trung bình" về "điều tra và truy tố rửa tiền" dù Ấn Độ đã được FATF công nhận “tuân thủ”, “đa phần tuân thủ” 37/40 khuyến nghị trong Bộ Chuẩn mực quốc tế chung về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí.

Báo cáo kêu gọi Ấn Độ áp dụng hạn mức đối với các giao dịch tiền mặt liên quan đến kim loại quý và đá quý bởi các giao dịch này khó kiểm soát rửa tiền.

FATF là cơ quan ban hành Bộ Chuẩn mực quốc tế chung về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí nhằm trấn áp các nguồn tiền bất hợp pháp có được thông qua buôn bán ma túy, buôn bán vũ khí bất hợp pháp, gian lận mạng và các tội phạm nghiêm trọng khác.

Ngày 19/9, FATF cho biết, một lượng lớn các vụ án rửa tiền, hối lộ, tham nhũng đang bị tồn đọng, bỏ dở trong hệ thống tòa án Ấn Độ, đặc biệt trong 5 năm gần đây.

Vivek Aggarwal, thư ký Bộ Tài chính cho biết: “Chính phủ hiện đã có hệ thống thông báo cho các tòa án và đang cử thêm nhiều công tố viên để xúc tiến các phiên tòa và đẩy nhanh quá trình xét xử”.

Theo báo cáo của Cục Thực thi pháp luật, Cơ quan Chống rửa tiền của Ấn Độ, tài sản tịch thu của tội phạm tài chính lên tới 10,4 tỷ đô la Mỹ trong năm năm qua, nhưng số tiền tịch thu từ xử án chỉ dưới 5 triệu đô la Mỹ.

"Tòa án cần xét xử các vụ án để kết thúc quá trình truy tố", báo cáo cho biết.

Ba lĩnh vực tuân thủ một phần, theo FATF là việc giám sát nguồn tài sản của các nhân vật chính trị; giám sát tài chính của các tổ chức phi lợi nhuận; giám sát tài chính của doanh nghiệp và chuyên gia phi tài chính.

Cũng theo FATF, Ấn Độ phải thực hiện các biện pháp để ngăn chặn khu vực phi lợi nhuận bị lợi dụng sai mục đích cho tài trợ khủng bố từ các nhóm hoạt động ở khu vực Jammu & Kashmir, hay các hoạt động bất hợp pháp liên quan đến hối lộ, tham nhũng, buôn bán ma túy và tội phạm mạng.

 FATF đưa Ấn Độ  vào diện "theo dõi thường xuyên" và yêu cầu báo cáo tiến độ trong vòng ba năm.

Minh Quân