Theo Hãng tin Benar News, ông Nawawi Pomolango nắm quyền điều hành KPK sau khi cảnh sát xác định cựu Chủ tịch Firli Bahuri là nghi phạm trong vụ án tham nhũng liên quan đến cựu Bộ trưởng Nông nghiệp Syahrul Yasin Limpo - người đã bị giam giữ vì cáo buộc hối lộ vào tháng trước.

Các nhà điều tra nghi ngờ rằng, Firli đã đòi tiền từ cựu Bộ trưởng Nông nghiệp để đổi lấy sự khoan hồng trong vụ án tham nhũng của ông ta. Cảnh sát cho biết, đã có "đủ bằng chứng để chỉ đích danh người đứng đầu KPK là nghi can trong một vụ tham nhũng dưới hình thức tống tiền".

Sau các vụ khám xét, giới chức Indonesia cũng đã tịch thu một số tài liệu về các giao dịch giữa hai bên, với số tiền lên tới 7,4 tỉ rupiah (477.730 USD).

Ông Firli đã phủ nhận mọi hành vi sai trái.

Đây là lần đầu tiên, một "tư lệnh" cơ quan chống tham nhũng bị điều tra về cáo buộc tham nhũng, kể từ khi KPK được thành lập vào năm 2002.

Bê bối tống tiền, cũng như sự thay đổi nhân sự lãnh đạo KPK là một "đòn" giáng mạnh vào uy tín của cơ quan vốn được coi là một trong những tổ chức độc lập và hoạt động hiệu quả nhất ở quốc gia từ lâu đã phải vật lộn với nạn tham nhũng.

Khôi phục lòng tin

Ông Nawawi Pomolango (61 tuổi), giữ chức Phó Chủ tịch KPK từ năm 2019 cho đến ngày 24/11/2023.

Ngày 27/11, tại Cung điện Nhà nước, Jakarta, Tổng thống Joko Widodo đã trao quyết định bổ nhiệm ông Nawawi Pomolango làm Chủ tịch lâm thời của Ủy ban.

Tuyên thệ nhậm chức, ông Nawawi cho biết sẽ tập trung vào việc cải thiện quản trị nội bộ của KPK và khôi phục lòng tin của người dân vào cơ quan giám sát chống tham nhũng.

“Tôi hy vọng rằng tất cả cán bộ nhân viên KPK có thể cùng nhau thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn của Ủy ban... Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc chăm chỉ để xóa bỏ nạn tham nhũng ở trong nước”.

leftcenterrightdel
 Tổng thống Joko Widodo chứng kiến lễ tuyên thệ nhậm chức của Chủ tịch lâm thời KPK Nawawi Pomolango tại Cung điện Nhà nước, Jakarta, ngày 27/11/2023. Ảnh: ANTARA/Rangga Pandu Asmara Jingga

Những năm gần đây, uy tín và tính độc lập của KPK đã bị lung lay, sau khi luật cải cách cơ quan này được thông qua năm 2019.

Đạo luật bao gồm việc thành lập một ban giám sát nhằm hạn chế quyền điều tra của Ủy ban.

Vào năm 2021, hàng chục cán bộ nhân viên và điều tra viên cấp cao của KPK đã bị sa thải sau khi không vượt qua bài kiểm tra bắt buộc. Các nhà phê bình cho rằng, đây là một kỳ kiểm tra sự trong sạch về mặt tư tưởng, được thiết kế để loại bỏ những nhà điều tra tham nhũng... kỳ cựu nhất của Ủy ban.

KPK cũng phải đối mặt với sự chỉ trích từ một số chính trị gia và quan chức Chính phủ - những người cáo buộc Ủy ban thiên vị và bị chính trị hóa.

leftcenterrightdel
Ông Firli Bahuri, cựu Chủ tịch Ủy ban Bài trừ tham nhũng (KPK), ở Jakarta, Indonesia, ngày 20/11/2023. Ảnh: Antara Foto/ Reuters

Ông Firli Bahuri từng bị cáo buộc về một số hành vi vi phạm đạo đức, kỷ luật trước và trong nhiệm kỳ Chủ tịch KPK, bao gồm việc sử dụng trực thăng cho những chuyến đi cá nhân và gặp gỡ các nghi phạm tham nhũng.

Việc đình chỉ chức vụ đối với ông làm dấy lên hy vọng trong số những người ủng hộ chống tham nhũng rằng, KPK có thể lấy lại uy tín và tính độc lập của mình.

Trong đó, ông Nawawi được kỳ vọng là người phù hợp để lãnh đạo Ủy ban.

Yudi Purnomo, một nhà hoạt động chống tham nhũng từng làm việc cho KPK cho đến năm 2021 nói với Benar News: “Ông Nawawi có năng lực cao và được tất cả các bên chấp nhận, tin tưởng. Ông ấy không phải là một nhân vật gây tranh cãi”, nhưng Nawawi còn rất nhiều việc phải làm, đặc biệt là củng cố nội bộ KPK, đồng thời giải đáp những nghi ngờ cũng như sự suy giảm lòng tin của người dân.

Tham nhũng hiện vẫn là một vấn đề đối với Indonesia, đất nước xếp thứ 110/180 quốc gia theo đánh giá chỉ số cảm nhận tham nhũng năm 2022 của Tổ chức Minh bạch Quốc tế, đo lường mức độ tham nhũng trong khu vực công.

Ngọc Anh