“Khoảng trống” trong sử dụng, quản lý công chức

Những nhiệm vụ, quyền hạn CB, CC không giữ chức vụ (theo danh mục đối tượng vị trí chuyển đổi) được giao không mang tính quyết định, không trực tiếp làm thay đổi, tác động đến đối tượng quản lý, tuy vậy với sự phát triển của nền kinh tế thị trường nên đã tác động tới một bộ phận CB, CC do thiếu tu dưỡng, rèn luyện cùng với trình độ am hiểu pháp luật đã lợi dụng sự sơ hở của pháp luật để thực hiện những hành vi tham nhũng đến mức phải xem xét thi hành kỷ luật, khai trừ khỏi Đảng, bị khởi tố, bắt giam để điều tra... đã gây ảnh hưởng đến uy tín của bộ máy Nhà nước ở cơ sở đối với nhân dân. 

Trong quá trình tổ chức thực hiện, nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa thật sự coi trọng công tác này nên chưa xây dựng danh mục cụ thể và kế hoạch chuyển đổi vị trí công tác của cơ quan, đơn vị mình đo đó số lượng CC, VC định kỳ chuyển đổi vị trí công tác chưa nhiều, chưa đều.

Còn xảy ra nhầm lẫn giữa luân chuyển CB với việc chuyển đổi vị trí công tác của CBCCVC tại các đơn vị dẫn đến số liệu thống kê về kết quả thực hiện Nghị định 59/2019 chưa thống nhất. 

Điều 18 Nghị định 59/2019 về “tiêu chí đánh giá việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng” xác định có 8 tiêu chí thành phần, trong đó kết quả thực hiện chuyển đổi vị trí công tác là 5/8 tiêu chí phải thực hiện.

Theo Nghị định 59/2019, định kỳ chuyển đổi vị trí công tác là việc người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện bằng văn bản điều động, bố trí, phân công nhiệm vụ đối với CB, CC không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý và VC trong cơ quan, tổ chức, đơn vị mình nhằm phòng ngừa tham nhũng (CB, CC giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý thực hiện theo quy định về luân chuyển CB).

Vị trí công tác và thời hạn phải định kỳ chuyển đổi là người có chức vụ, quyền hạn làm việc tại một số vị trí liên quan đến công tác tổ chức CB, quản lý tài chính công, tài sản công, đầu tư công, trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân; thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác là từ đủ 2 năm đến 5 năm theo đặc thù của từng ngành, lĩnh vực.

leftcenterrightdel
Người dân đến làm thủ tục tại "Bộ phận một cửa", UBND phường Hưng Dũng, TP Vinh. Ảnh: Xuân Thống 

Thực tế sau gần 3 năm triển khai thực hiện đã gặp phải một số khó khăn, vướng mắc và lúng túng trong tổ chức thực hiện về đối tượng, vị trí công tác, thời hạn chuyển đổi.

Theo Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) 2018 và Nghị định số 59/2019, đối tượng phải chuyển đổi là CB, CC, VC không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý, nghĩa là chuyển đổi để tránh việc CB, CC, VC làm lâu ở một vị trí sẽ phát sinh tiêu cực, tham nhũng.

Ông Phạm Ngọc Dương- Trưởng phòng Nội vụ thị xã Cửa Lò cho rằng, bên cạnh quá trình thực hiện các bộ, ngành cần có hướng dẫn cụ thể danh mục các vị trí theo ngành dọc của mình phải chuyển đổi thì cần phân biệt giữa “chuyển đổi vị trí” và “luân chuyển cán bộ”. Do đó, mỗi CB, CC trong hệ thống chính quyền cần xác định nghề nghiệp của mình, tránh tư tưởng “ngại chuyển đổi” khi đến thời hạn đảm nhiệm các vị trí đủ 3 năm đến 5 năm.

Để việc chuyển đổi vị trí công tác được thực hiện công khai, minh bạch, khoa học và hợp lý, không gây xáo trộn hoạt động và ảnh hưởng đến việc tăng thêm biên chế, thị xã Cửa Lò đã yêu cầu các đơn vị căn cứ vào quy định phân công nhiệm vụ của từng đơn vị để tổ chức phân công lại nhiệm vụ chuyên môn cho những người đến thời hạn chuyển đổi. Biên bản phân công nhiệm vụ phải thể hiện rõ mảng chuyên môn, lĩnh vực, địa bàn phụ trách và thời gian thực hiện nhiệm vụ của từng người đang đảm nhiệm và mảng chuyên môn, lĩnh vực, địa bàn phụ trách mới được phân công đảm nhiệm.

Đồng quan điểm này, Trưởng phòng Nội vụ huyện Hưng Nguyên Hoàng Nghĩa An cho hay, quá trình chuyển đổi vị trí công tác trên địa bàn huyện đã phát huy hiệu quả, nhiều CC sau khi chuyển đổi từ xã này sang xã khác đã có chuyển biến rõ nét trong công tác chuyên môn cũng như tham mưu mà lĩnh vực mình phụ trách.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện cũng gặp những khó khăn, đó là thực tế một số vị trí công tác cần có kiến thức, kỹ năng, chuyên môn sâu, nhiều kinh nghiệm thì ít có người phù hợp để chuyển đổi; hoặc đối với cấp cơ sở, các phòng, ban chuyên môn cấp huyện, một số lĩnh vực theo danh mục vị trí như kế toán, kế hoạch- tài chính, tư pháp, địa chính... chỉ có một người đảm nhiệm, cho nên chỉ có thể phân công lại nhiệm vụ của họ, không có nguồn CB để thay thế, chuyển đổi kịp thời.

Đó chưa nói đến ảnh hưởng quyền lợi của họ khi chuyển đổi trong khi tại địa phương đã được quy hoạch vào các vị trí, chức danh, khi chuyển đổi đến địa phương khác, địa bàn khác lại thay đổi quyền lợi, phụ thuộc ở cơ sở mới.

Qua thực tiễn thực hiện tại các huyện miền núi, biên giới cũng kiến nghị khi Nghị định 158 trước kia và Nghị định 59 hiện nay chưa có chính sách khuyến khích, động viên CB, CC, nhất là CC xã, VC trường học… công tác ở vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn khi thuộc đối tượng, thời hạn chuyển đổi như về nhà ở công vụ, các chế độ phụ cấp khác, trong khi chế độ tiền lương, sinh hoạt phí, tiền tăng thêm của đội ngũ này còn quá thấp, khó đảm bảo điều kiện sống, phương tiện đi lại và thúc đầy kinh tế gia đình để yên tâm công tác sau chuyển đổi.

"Phát hiện sớm, xử lý từ đầu" trong PCTN

 Thực tế việc phát hiện và xử lý tham nhũng trong thời gian qua cho thấy, những vụ án liên tham nhũng xảy ra đều do người có chức vụ, quyền hạn thực hiện còn công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý chủ yếu thực hiện hành vi “tham nhũng vặt”. 

Những nhiệm vụ, quyền hạn CB, CC không giữ chức vụ (theo danh mục đối tượng vị trí chuyển đổi) được giao không mang tính quyết định, không trực tiếp làm thay đổi, tác động đến đối tượng quản lý, tuy vậy với sự phát triển của nền kinh tế thị trường nên đã tác động tới một bộ phận CB, CC do thiếu tu dưỡng, rèn luyện cùng với trình độ am hiểu pháp luật đã lợi dụng sự sơ hở của pháp luật để thực hiện những hành vi tham nhũng đến mức phải xem xét thi hành kỷ luật, khai trừ khỏi đảng, bị khởi tố, bắt giam để điều tra... đã gây ảnh hưởng đến uy tín của bộ máy nhà nước ở cơ sở đối với nhân dân. 

 Báo cáo tình hình tham nhũng và những dự báo trên địa bàn tỉnh Nghệ An cũng chỉ ra còn diễn biến phức tạp, tình trạng CB, CC lạm dụng chức vụ, quyền hạn để vụ lợi cho bản thân, cho lợi ích nhóm vẫn còn, đặc biệt là vấn đề tham nhũng vặt đang diễn biến len lỏi tại các cơ quan, đơn vị làm cho nhân dân vẫn còn bức xúc, bất bình. Tập trung xảy ra trên một số lĩnh vực nhạy cảm như: Đầu tư xây dựng, quản lý đất đai, thương mại, tài chính... Nhóm hành vi tham nhũng dễ xảy ra cần tập trung các giải pháp phòng, ngừa và đấu tranh là hành vi: Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; nhũng nhiễu vì vụ lợi.

Triển khai các giải pháp PCTN, cùng với việc tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về PCTN để nâng cao ý thức, trách nhiệm của CC, VC, các cấp, ngành và lực lượng chức năng đã phát hiện và xử lý nhiều vụ việc tham nhũng qua công tác thanh tra, công tác điều tra, truy tố, xét xử. Việc xử lý tham nhũng bảo đảm nghiêm minh, đúng người, đúng tội.

Luật PCTN định nghĩa đối tượng tham nhũng là người có chức vụ, quyền hạn. Người có chức vụ, quyền hạn bao gồm tất cả CB, CC, trong đó có cả người là lãnh đạo, quản lý và người không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý. 

Tính riêng từ 15/12/2020 đến 15/12/2021 đã có 14 vụ tham nhũng được phát hiện. Tiêu biểu là các vụ án tham nhũng “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, xảy ra tại xã Nghi Tiến, huyện Nghi Lộc do Phòng PC03, Công an tỉnh Nghệ An thụ lý, giải quyết.

Trong thời gian từ 2014 đến 2018, lãnh đạo chủ chốt lúc bấy giờ là ông Lưu Quang Thượng, Trần Công Oanh (nguyên là Chủ tịch UBND xã Nghi Tiến) và ông Nguyễn Văn Hồng (SN 1980) là công chức địa chính của UBND xã đã có hành vi lập khống hồ sơ trong việc thực hiện chế độ hỗ trợ cho người dân có diện tích cây trồng, diện tích nuôi trồng thùy sản bị thiệt hại do thiên tai xảy ra, để rút tiền của ngân sách Nhà nước hơn 720 triệu đồng.

Cũng tại xã Nghi Tiến, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an huyện thụ lý, giải quyết tố cáo của công dân đối với Phó Chủ tịch UBND xã, CC địa chính và Chủ tịch Uỷ ban MTTQ xã lợi dụng chức vụ, quyền hạn để nhận tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng đường DD4 sai quy định.

Công an tỉnh Nghệ An thụ ý vụ án “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại xã Hợp Thành, huyện Yên Thành. Từ 2015 đến 2018, cựu Chủ tịch UBND xã chỉ đạo kế toán trưởng, thủ quỹ, công chức địa chính lập hồ sơ khống công trình xây dựng khu vui chơi thể thao của xã để lấy tiền ngân sách chi đối ngoại, giao dịch, chi nội bộ trái quy định, gây thiệt hại Nhà nước hơn 300 triệu đồng.

Cơ quan CSĐT Công an huyện Quỳnh Lưu thụ lý, giải quyết vụ án “giả mạo trong công tác” xảy ra tại xã Quỳnh Châu đối với bà Lê Thị Hương Giang là CC địa chính xã đã lạm dụng quyền hạn, giả mạo hồ sơ, sử dụng thông tin liên quan đến hoạt động công vụ của lĩnh vực mình phụ trách để nhận hối lộ số tiền 200 triệu đồng và chiếm đoạt trên 28 triệu đồng của công dân để làm sai lệch hồ sơ và làm các thủ tục để được UBND huyện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các công dân. 

leftcenterrightdel
Qúa trình thực hiện nhiệm vụ tại cơ sở, nhiều CC đã vi phạm quy trình công tác đến mức bị kỷ luật, khởi tố, bắt tạm giam. Ảnh: CANA 

Báo cáo của Thanh tra tỉnh Nghệ An về các vụ tham nhũng được phát hiện từ 15/12/2021 đến 15/9/2022 cũng đề cập, trong kỳ có 20 vụ tham nhũng được các cơ quan thụ lý, giải quyết.

Không chỉ CC cấp xã, thời gian qua, lực lượng chức năng tỉnh Nghệ An đã điều tra làm rõ nhiều CC, VC cấp huyện, sở, ngành khi được giao nhiệm vụ đã lợi dụng sơ hở của pháp luật, thực hiện các hành vi phạm tội.

Trong đó phải kể đến vụ án “lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất UBND thị xã Thái Hòa khi 3 CB Chi nhánh văn phòng đất đai thị xã đã móc nối với 3 CB địa chính một số phường, xã, thông đồng với nhau, sử dụng nhiều thủ đoạn để vòi vĩnh, nhận tiền của người dân trong quá trình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Vụ án “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Sở Kế hoạch và Đầu tư được Phòng PC03, Công an tỉnh đã khởi tố, bắt tạm giam 3 bị can là CC vì đã có dấu hiệu làm trái công vụ để trục lợi. Hành vi phạm tội của các đối tượng đã ảnh hưởng trực tiếp đến hình ảnh CB, CC được giao nhiệm vụ và đạo đức công vụ của các cá nhân, tổ chức, tác động trực tiếp đến môi trường đầu tư của tỉnh.

Hay các vụ án xảy ra mới đây tại Sở Xây dựng và Chi cục Thủy sản thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nghệ An cũng được dư luận quan tâm, khi CC của các đơn vị này có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong lúc thi hành công vụ.

Quá trình mở rộng điều tra, Công an thành phố Vinh đã khởi tố vụ án, khởi tố, bắt tạm giam 3 bị can và PC03, Công an tỉnh khởi tố vụ án, khởi tố 3 bị can để điều tra, xử lý theo điều 356, Bộ luật Hình sự.

leftcenterrightdel
Công chức địa chính - môi trường xã Hưng Yên Nam, huyện Hưng Nguyên hướng dẫn công dân làm thủ tục đất đai. Ảnh: Xuân Thống 

Có thể khẳng định, kết quả các cấp, các ngành tỉnh Nghệ An đạt được trong công tác PCTN là tích cực, rõ nét. Bên cạnh phát hiện, xử lý được nhiều vụ việc tham nhũng qua công tác điều tra, truy tố, xét xử thì nhiều vụ việc được phát hiện, xử lý thông qua sự tăng cường hoạt động giám sát, kiểm tra và tự kiểm điểm nội bộ của các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý cũng như hoạt động thanh tra, nhất là thanh, kiểm tra trách nhiệm việc thực hiện các quy định của pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, PCTN.

Xuân Thống