Luật PCTN năm 2018 xác định, định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với CBCCVC là một trong những biện pháp phòng ngừa tham nhũng. Đối tượng chuyển đổi được quy định là người có chức vụ, quyền hạn làm việc tại một số vị trí liên quan đến công tác tổ chức CB, quản lý tài chính công, tài sản công, đầu tư công, trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân khác phải được chuyển đổi vị trí công tác. Căn cứ vào quy định này, Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 1/7/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật PCTN đã quy định các vị trí công tác cụ thể phải chuyển đổi trong 18 ngành, lĩnh vực.

"Mỗi nơi một kiểu"

Tại thành phố Vinh, với mục đích tạo môi trường để rèn luyện, bồi dưỡng, đạo tạo và thử thách cho CBCCVC trong công tác và thực tiễn, đáp ứng yêu cầu trước mắt và lâu dài, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền đã quan tâm thực hiện, làm tốt công tác chuyển đổi vị trí công tác gắn với điều động, biệt phái.

Ngay từ đầu, thành phố đã ban hành Kế hoạch 212/KH-UBND ngày 9/9/2020 về điều động, biệt phái CBCCVC. Đối tượng thực hiện theo kế hoạch này là CC UBND TP Vinh, VC các đơn vị sự nghiệp, CC cấp xã phải thực hiện định kỳ chuyển đổi trong các lĩnh vực, ngành, nghề theo quy định và có thời gian công tác tại đơn vị từ 5 năm trở lên.

Ngày 3/12/2020, thành phố đã ban hành Kế hoạch 221/KH-UBND về thực hiện chuyển đổi vị trí công tác cho CBCCVC tại các phường, xã và đơn vị sự nghiệp.

Nghệ An có 21 cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính Nhà nước khác thuộc UBND cấp tỉnh; 21 đơn vị hành chính cấp huyện với 260 phòng chuyên môn và tương đương; 460 đơn vị hành chính cấp xã; 1.687 đơn vị sự nghiệp công lập.

Đến nay, toàn thành phố đã ra quyết định chuyển đổi cho 44 người là kế toán trường học, CC cấp xã, trong đó 2 trường hợp CC văn phòng - thống kê, 5 CC tư pháp - hộ tịch, 6 CC tài chính - kế toán, 8 CC phụ trách công tác đô thị - địa chính, 5 CC văn hóa - xã hội và 21 VC kế toán tại các trường học thuộc UBND thành phố.

Ông Nguyễn Thanh Tùng - Trưởng phòng Nội vụ, UBND TP Vinh cho biết: Thành phố đã xây dựng kế hoạch chuyển đổi sau đó thông báo các phường, xã trước 3- 4 tháng, rồi lấy ý kiến tham mưu các phòng chuyên môn, nghiệp vụ như Phòng Tài chính - Kế hoạch, Phòng Tài nguyên - Môi trường trước khi trình lãnh đạo thành phố phê duyệt danh sách, ra quyết định chuyển đổi cho từng vị trí. Với cách làm bài bản, thận trọng, thành phố đã chú trọng tăng cường cho các đơn vị khó khăn, yếu kém gắn với việc bồi dưỡng CB trẻ có triển vọng, đưa vào nguồn quy hoạch CBCCVC quản lý; đồng thời bố trí lại những người năng lực hạn chế, hiệu quả công tác thấp. Qua đó từng bước điều chỉnh, bố trí đội ngũ CC, VC các cơ quan, đơn vị khoa học, hợp lý, hài hòa, ngăn ngừa khuynh hướng cục bộ, bản vị, khép kín trong từng ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương.

leftcenterrightdel
CC địa chính - nông nghiệp - xây dựng và môi trường, UBND xã Mường Nọc, huyện Quế Phong đang thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Ảnh: Xuân Thống 

Ở huyện Quỳnh Lưu, nhằm chủ động phòng ngừa tham nhũng trong đội ngũ CC, VC, địa phương đã thực hiện định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với CC, VC không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý đang công tác trong các lĩnh vực, ngành nghề quy định phải chuyển đổi với yêu cầu bảo đảm phù hợp, chuyên môn, nghiệp vụ được đào tạo và nhu cầu thực tế, có tính khả thi từng cơ quan, đơn vị; đồng thời góp phần bảo vệ nội bộ, phòng ngừa vi phạm nội quy, kỷ luận và vi phạm pháp luật trong thực thi nhiệm công vụ.

Theo ông Nguyễn Hữu Bộ - Trưởng phòng Nội vụ, UBND huyện Quỳnh Lưu, sau khi có kế hoạch của UBND huyện, phòng đã rà soát số CC cấp xã thuộc diện luân chuyển vị trí công tác, sau đó thực hiện các quy trình chuyển đổi, tham mưu lãnh đạo UBND huyện ra thông báo để UBND các xã và CC liên quan biết, đồng thời yêu cầu chủ tịch UBND các xã có CC chuyển đổi thực hiện tốt việc bàn giao, tiếp nhận CC khi có quyết định luân chuyển vị trí công tác của Chủ tịch UBND huyện.

“Ngay khi Nghị định 59/2019 có hiệu lực, UBND huyện đã ban hành kế hoạch thực hiện với quy trình chuyển đổi qua 5 bước. Trong năm 2021 đã có 11 CC cấp xã gồm 5 CC địa chính - xây dựng ở các xã Tiến Thủy, Quỳnh Bảng, Quỳnh Nghĩa, Quỳnh Giang và Quỳnh Hồng lần lượt được luân chuyển về các xã Quỳnh Bảng, Quỳnh Nghĩa, Tiến Thủy, Quỳnh Hồng và Quỳnh Giang; và 6 CC tài chính - kế toán ở các xã Quỳnh Thuận, Quỳnh Long, Quỳnh Diễn, Quỳnh Giang, Quỳnh Thắng và Tân Thắng được luân chuyển về các xã Quỳnh Long, Quỳnh Thuận, Quỳnh Giang, Quỳnh Diễn, Tân Thắng và Quỳnh Thắng.

Sau kết quả thực tiễn từ các xã, trong năm 2022, huyện Quỳnh Lưu đã ban hành quyết định chuyển đổi cho 23 vị trí VC kế toán trong các đơn vị trường học trên địa bàn”, ông Nguyễn Hữu Bộ cho biết thêm.

Đối với huyện miền núi Qùy Châu, để chuyển đổi, luân chuyển và điều động CB CCVC theo danh mục vị trí công tác phải định kỳ chuyển đổi đối với những trường hợp có thời gian công tác lâu năm, UBND huyện đã ban hành Kế hoạch 952 ngày 10/2/2022 về kế hoạch chuyển đổi đối với CC, VC của UBND huyện, các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc huyện và UBND các xã, thị trấn.

Ông Nguyễn Thanh Hoài, Chủ tịch UBND huyện Qùy Châu cho biết, huyện đã giao cho Phòng Nội vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu trình cấp thẩm quyền xem xét, tổ chức thực hiện; Phòng Giáo dục và Đào tạo, Phòng Kế hoạch- Tài chính phối hợp Phòng Nội vụ tham mưu UBND huyện thực hiện luân chuyển vị trí công tác đối với chức danh kế toán thuộc ngành mình phụ trách; đồng thời các phòng chuyên môn liên quan và chủ tịch UBND các xã, thị trấn thực hiện chuyển đổi tại đơn vị mình.

Theo báo cáo của Phòng Nội vụ huyện, trong năm 2022 huyện dự kiến chuyển đổi vị trí công tác từ bộ phận này sang bộ phận khác cùng chuyên môn, nghiệp vụ trong từng phòng, cơ quan đơn vị; luân chuyển, điều động 3 CB, CC giữa các phòng thuộc UBND huyện; luân chuyển, điều động 8 CC xã, thị trấn và luân chuyển, điều động 8 VC phụ trách kế toán các đơn vị sự nghiệp, trường học. Tuy nhiên, đến tháng 9/2022 mới có 7 trường hợp được chuyển đổi. Đây là số kế toán trường học trên tổng số 23 VC nằm trong danh sách danh mục vị trí công tác chuyển đổi của ngành Giáo dục.

Qua ghi nhận thực tế trên địa bàn các huyện, sở, ngành và các đơn vị trực thuộc, số vị trí được chuyển đổi theo danh mục quy định còn thấp. Ngoài số đơn vị chưa đến thời hạn chuyển đổi thì có không ít đơn vị trong các năm chưa thực hiện và thực hiện tỷ lệ thấp như Sở Tư pháp, Sở Ngoại vụ, Sở Tài chính, Ban Dân tộc, Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam, Đại học Y khoa Vinh, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Thông tin và Truyền thông; các huyện Tân Kỳ, Anh Sơn, Kỳ Sơn, Nghĩa Đàn, Qùy Châu, Quế Phong, thị xã Hoàng Mai, thị xã Thái Hòa...

leftcenterrightdel
Kết quả thực hiện chuyển đổi vị trí công tác theo Nghị định 59/2019/NĐ-CP ở Nghệ An (tính đến 9/2022). Ảnh: Xuân Thống

Vướng mắc, chưa đồng bộ

Theo báo cáo của Sở Nội vụ Nghệ An về kết quả thực hiện chuyển đổi vị trí công tác của người có chức vụ, quyền hạn theo Nghị định 59/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định danh mục các vị trí công tác phải định kỳ chuyển đổi từ tháng 7/2019 đến tháng 7/2022, toàn tỉnh đã có 60 lượt cơ quan, đơn vị xây dựng kế hoạch chuyển đổi vị trí công tác và 1.001 lượt CBCCVC được ban hành quyết định chuyển đổi vị trí công tác, trong đó: Cấp sở đã có 26 cơ quan, đơn vị xây dựng kế hoạch chuyển đổi và ban hành quyết định chuyển đổi vị trí công tác đối với 216 lượt CC, VC; cấp huyện đã đã có 34 cơ quan, đơn vị xây dựng kế hoạch chuyển đổi và ban hành quyết định chuyển đổi vị trí công tác đối với 781 lượt CC, VC.

Trong năm 2022 đối với cấp sở, ban, ngành có 11 đơn vị đã ban hành quyết định chuyển đổi vị trí công tác cho 94 lượt CC, VC; các đơn vị còn lại đang triển khai rà soát, chưa thực hiện chuyên đổi. Ở cấp huyện có 14 đơn vị đã ban hành quyết định chuyển đổi vị trí công tác cho 327 lượt CC, VC của nhóm đối tượng cấp xã và kế toán trường học; các đơn vị còn lại đang trong giai đoạn triển khai.

Cụ thể, trong tổng số 21 đơn vị là các sở, ban, ngành cấp tỉnh chỉ có 5 đơn vị triển khai thực hiện đã ra quyết định chuyển đổi 63 trường hợp (trong đó, Văn phòng UBND tỉnh 5 người, Sở Nội vụ 2 người, Sở Văn hóa- Thể thao 4 người, Sở Tài nguyên và Môi trường 15 người, Sở Thông tin và Truyền thông 1 người, Sở Giao thông Vận tải 36 người), 3 đơn vị chưa thực hiện chuyển đổi (Sở Tư pháp, Ban Dân tộc và Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam), còn lại đang triển khai và chưa đến thời hạn chuyển đổi; 8 đơn vị sự nghiệp trực thuộc tỉnh có 5 đơn vị đã thực hiện 31 trường hợp (Trường Đại học Y khoa Vinh 1 người, Trường Cao đẳng nghề Việt - Đức 3 người, Trường Cao đẳng Kỹ thuật công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc 3 người, Trường Cao đẳng Văn hóa- Nghệ thuật 2 người và Vườn Quốc gia Pù Mát 22 người) và 21 huyện, thành, thị đã chuyển đổi 327 trường hợp, trong đó 14 địa phương đã triển khai, 6 huyện, thị đang triển khai thực hiện và 1 địa phương (huyện Kỳ Sơn) chưa triển khai.

Lãnh đạo Phòng Thanh tra Sở Nội vụ Nghệ An cho biết, quá trình thực hiện Luật PCTN cũng như Nghị định 59/2019 trên địa bàn được tỉnh tập trung triển khai. Tuy nhiên, qua rà soát cho thấy số trường hợp được chuyển đổi chưa nhiều, nguyên nhân chính là có sự thay đổi quy định về đối tượng cũng như thời hạn, danh mục vị trí chuyển đổi so với Nghị định 158/2007 của Chính phủ trước kia.

Ngoài một thực tế là nhận thức, quan điểm chưa đầy đủ của lãnh đạo cấp ủy, chính quyền các cấp trong thực hiện đôn đốc, kiểm tra công tác PCTN và sự quan tâm thực hiện nghị định, thì hiện tại số bộ, ngành liên quan có văn bản hướng dân thực hiện nghị định này còn rất ít. Vì theo quy định danh mục vị trí chuyển đổi của ngành nào thì ngành đó hướng dẫn, trong khi đến nay mới chỉ có 4 bộ, cơ quan ngang bộ có thông tư hướng dẫn (Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ và Thanh tra Chính phủ; riêng Bộ Tư pháp mới chỉ hướng dẫn trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc, trực thuộc bộ), do đó gặp khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện.

leftcenterrightdel
Lãnh đạo và công chức UBND thị trấn Thanh Chương, huyện Thanh Chương kiểm tra đời sống nhân dân và sản xuất nông nghiệp sau lũ lụt. Ảnh: Xuân Thống  

Ông Nguyễn Viết Hưng - Giám đốc Sở Nội vụ cho rằng, quá trình thực hiện Nghị định 59 có những thuận lợi và cả những khó khăn. Thực tiễn thực hiện chuyển đổi nếu người làm đó lâu thì một mặt sẽ tạo sức ì, họ sẽ vận dụng chính chuyên môn và phát sinh tiêu cực, do đó cần phải chuyển đổi. Tuy vậy, có những vị trí cần có thời gian để họ có điều kiện tiếp cận, từ đó tham mưu hiệu quả cho lãnh đạo cơ sở, vì vậy, yêu cầu đặt ra trong công tác CB là cần những người am hiểu chuyên môn, gắn việc đào tạo đội ngũ kế cận, với phương châm CB "làm một việc nhưng biết nhiều việc", để luôn tâm thế sẵn sàng khi đến định kỳ thực hiện chuyển đổi, đảm bảo yêu cầu nhiệm vụ công tác. 

Báo cáo công tác PCTN của tỉnh Nghệ An, những năm gần đây cũng đánh giá, một số nhóm giải pháp phòng ngừa tham nhũng tuy đã đặt được kết quả bước đầu nhưng chưa mang lại hiệu quả trong công tác PCTN, trong đó có việc chuyển đổi vị trí công tác thực hiện còn lúng túng do thiếu văn bản hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương.

Bên cạnh nguyên nhân khách quan thì còn có các nguyên nhân chủ quan, đó là: Tại một số cơ quan, đơn vị người đứng đầu chưa quyết liệt trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác PCTN; công tác quản lý Nhà nước trên một số lĩnh vực vẫn còn sở hở, thủ tục hành chính còn rườm rà, dễ phát sinh các hành vi tham nhũng. Một số ít CB, CC thiếu tu dưỡng, rèn luyện, lợi dụng sơ hở trong quản lý, cơ chế, chính sách, lợi dụng nhiệm vụ được giao để nhũng nhiễu, vụ lợi.

Bài 2: Những "khoảng trống"

Xuân Thống