Tháng 7/2012, UBND phường Kỳ Bá lập biên bản xử phạt, yêu cầu vợ chồng này phải trả lại hiện trạng như trong giấy phép đã cấp, thời hạn là 60 ngày kể từ ngày đưa ra quyết định, nếu không sẽ bị cưỡng chế.

Thời điểm đó, căn nhà này đang trong quá trình xây dựng và bị phát hiện có sai phạm thì lập tức bị lập biên bản xử phạt 5 triệu đồng và yêu cầu tháo dỡ. Bên cạnh đó, UBND phường giao Trưởng Công an phường tổ chức lực lượng cấm các phương tiện chuyên chở vật tư, vật liệu và người lao động vào thi công.

Tuy nhiên, Đường “Nhuệ” không những không chấp hành mà còn ngang nhiên chỉ đạo thợ tiếp tục xây dựng. UBND phường đã có văn bản đề nghị UBND TP Thái Bình xử lý theo quy định, nhưng không hiểu sao không có quyết định nào được đưa ra. Phần sai phạm này vẫn tồn tại từ đó cho đến nay. Hiện tại, vợ chồng Đường “Nhuệ” đang cho xây dựng một căn nhà 7 tầng ngay bên cạnh trụ sở Công ty Bất động sản Đường Dương.

Được biết, căn nhà này được vợ chồng Đường "Nhuệ" xây từ tháng 4/2019. Giấy phép xây dựng thể hiện căn nhà này được phép xây 7 tầng. Thế nhưng, trong quá trình xây dựng, Đường “Nhuệ” tiếp tục cố tình xây sai so với giấy phép được cấp.

Ngày 20/2/2020, công trình này bị UBND phường Kỳ Bá lập biên bản do xây dựng tum thang máy sai so với giấy phép, xây dựng bọc ban công sai quy định. Phía dưới tầng 1, công trình này xây bằng với các lô nhà cùng dãy phố, nhưng càng lên các tầng trên, ban công càng đua ra vượt quá giới hạn cho phép, và được xây bọc.

Cơ quan chức năng yêu cầu Đường “Nhuệ” làm thủ tục xin giấy phép xây dựng bổ sung, tháo dỡ phần bọc ban công sai. Tuy nhiên, công trình này vẫn tiếp tục được thi công. UBND phường chưa kịp có động thái tiếp theo thì vợ chồng Đường “Nhuệ” bị bắt.

Ý kiến của chúng tôi

Tình huống nêu trên cho thấy hành vi vi phạm của Đường “Nhuệ”: Xây sai so với giấy phép xây dựng xảy ra ở 2 công trình xây dựng vào các thời điểm khác nhau: Năm 2012 xây dựng nhà 7 tầng là nơi ở, đồng thời cũng là trụ sở Công ty Bất động sản Đường Dương; năm 2019 xây dựng nhà ở 7 tầng.

1. Đối với hành vi xảy ra năm 2012, việc xử lý vi phạm được áp dụng theo Nghị định số 180/2007/NĐ-CP của Chính phủ. Theo đó, việc ra quyết định cưỡng chế phá dỡ thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND TP Thái Bình theo quy định tại khoản 1 Điều 18 Nghị định này: “Quyết định cưỡng chế phá dỡ đối với công trình xây dựng vi phạm do UBND cấp huyện cấp giấy phép xây dựng hoặc Sở Xây dựng cấp giấy phép xây dựng mà công trình xây dựng đó đã bị UBND cấp xã quyết định đình chỉ thi công xây dựng”. Như vậy, để cho công trình sai phép ngang nhiêu tồn tại suốt từ năm 2012 đến nay trách nhiệm chính thuộc về Chủ tịch UBND TP Thái Bình tại thời điểm xảy ra vi phạm.

Về trách nhiệm của UBND và công an phường: UBND phường giao Trưởng Công an phường tổ chức lực lượng cấm các phương tiện chuyên chở vật tư, vật liệu và người lao động vào thi công nhưng thực tế việc “giao” này không có hiệu lực đối với cơ quan công an chứng tỏ sự yếu kém trong hoạt động quản lý Nhà nước của chính quyền sở tại. Bởi, tại khoản 1 Điều 9 Nghị định  số 180/2007/NĐ-CP, Chính phủ đã quy định rất rõ về trách nhiệm của Trưởng Công an phường: “Thực hiện nghiêm chỉnh các yêu cầu trong quyết định đình chỉ thi công xây dựng, quyết định cưỡng chế phá dỡ của cấp có thẩm quyền; trường hợp không thực hiện hoặc dung túng cho hành vi vi phạm để công trình tiếp tục xây dựng thì bị xử lý theo quy định hoặc có thể bị xử lý theo quy định của pháp luật hình sự khi để xảy ra hậu quả nghiêm trọng”.

2. Đối với hành vi xảy ra năm 2019, việc xử lý vi phạm được thực hiện theo Nghị định số 139/2017/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng. Theo đó, việc xử phạt thực hiện theo khoản 4 Điều 15 Nghị định này “xử phạt đối với hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình sai nội dung giấy phép xây dựng được cấp”. Cụ thể, ngoài việc bị phạt tiền, người thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả: “Buộc tháo dỡ công trình, phần công trình vi phạm” theo điểm d khoản 11 Điều 15 Nghị định số 139/2017/NĐ-CP.

Luật gia, nhà báo Nguyễn Chấn