Các hoạt động thanh tra được tăng cường theo hướng chuyên nghiệp, vừa bảo đảm tính chủ động và tự chịu trách nhiệm của các cơ quan thanh tra, vừa bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo của thủ trưởng các cơ quan quản lý Nhà nước.

Ngay sau khi luật có hiệu lực chính thức, Thanh tra Bộ Công Thương đã tổ chức nghiên cứu, triển khai toàn bộ nội dung và tổ chức các buổi tập huấn, thảo luận các quy định của Luật Thanh tra cũng như các nghị định hướng dẫn thi hành.

Quá trình tổ chức triển khai thực hiện Luật Thanh tra năm 2022, Nghị định số 43/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thanh tra và và Nghị định số 03/2024/NĐ-CP ngày 11/1/2024 của Chính phủ quy định về cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động của cơ quan được giao chức năng thanh tra chuyên ngành, còn có một số vướng mắc cần được tháo gỡ.

Khoản 1 Điều 60 Luật Thanh tra năm 2022 nêu, đoàn thanh tra được thành lập để thực hiện nhiệm vụ thanh tra và tự giải thể sau khi trưởng đoàn thanh tra bàn giao hồ sơ thanh tra cho cơ quan tiến hành thanh tra.

Tuy nhiên, tại khoản 2 Điều 57 cũng Luật Thanh tra năm 2022 về hồ sơ thanh tra lại quy định, người ra quyết định thanh tra có trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện lập, bàn giao hồ sơ thanh tra. Việc mở hồ sơ thanh tra bắt đầu từ ngày người có thẩm quyền ký quyết định thanh tra và kết thúc hồ sơ thanh tra vào ngày người có thẩm quyền ban hành văn bản tổ chức thực hiện kết luận thanh tra. 

“Điều đó có nghĩa, phải chờ đến ngày công bố thực hiện kết luận thanh tra mới kết thúc hồ sơ thanh tra. Song trên thực tế, có những kết luận kéo dài đến vài năm sau vẫn chưa tổ chức thực hiện hoặc có những nội dung thực hiện được, có những nội dung chưa thực hiện được thì đến bao giờ mới kết thúc hồ sơ thanh tra?”, ông Long băn khoăn.

Về quy định thẩm định dự thảo kết luận thanh tra, khoản 1 Điều 77 Luật Thanh tra quy định, dự thảo kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ, dự thảo kết luận thanh tra hành chính của thanh tra bộ và thanh tra tỉnh phải được thẩm định trước khi ký ban hành. Việc thẩm định dự thảo kết luận thanh tra chuyên ngành của thanh tra bộ và thanh tra tỉnh, dự thảo kết luận thanh tra của các cơ quan thanh tra khác được thực hiện khi cần thiết.

Theo ông Long, luật không quy định phạm vi thẩm định là gì? Thẩm định quy trình hay thẩm định về nội dung? Trong lúc thanh tra các bộ, ngành chủ yếu mang tính chất chuyên ngành, một cuộc thanh tra có rất nhiều mảng, nhiều chuyên ngành, từ đầu tư xây dựng, dự án ngân sách cho tới đề tài khoa học... nếu giao cho một tổ tiến hành thẩm định thì thẩm định ở phạm vi nào?

Về hoạt động thanh tra chuyên ngành Công Thương, theo ông Long, trong những năm qua, công tác thanh tra chuyên ngành luôn được Thanh tra Bộ Công Thương chú trọng thực hiện một cách toàn diện, đảm bảo hiệu quả, đóng vai trò quan trọng trong việc phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng.

Ngày 11/1/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 03/2024/NĐ-CP quy định về cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành.

Nghị định này được ban hành nhằm quy định chi tiết một số điều khoản của Luật Thanh tra năm 2022, như: Thanh tra tổng cục, cục được thành lập tại tổng cục, cục thuộc bộ; thanh tra sở; cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành...

Đối với Bộ Công Thương, Nghị định này quy định cụ thể về cơ quan được giao chức năng thanh tra chuyên ngành, phù hợp với cơ cấu tổ chức mới theo quy định tại Nghị định số 96/2022/NĐ-CP ngày 29/11/2022 của Chính phủ quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương.

Theo đó, Nghị định quy định cụ thể hơn về nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành được quy định tại Điều 23 Nghị định này và Nghị định số 43/2023/NĐ-CP.

Về nhiệm vụ, quyền hạn của người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành khi tham gia đoàn thanh tra có nhiệm vụ, quyền hạn như thanh tra viên theo quy định của Luật Thanh tra, Nghị định số 43/2023/NĐ-CP, Nghị định này và quy định khác của pháp luật có liên quan và phải bảo đảm các điều kiện, tiêu chuẩn được quy định tại khoản 3 Điều 38 của Luật Thanh tra và các điều kiện được quy định khác tùy theo đặc thù của ngành, lĩnh vực.

Người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành được hưởng chế độ bồi dưỡng tính theo ngày thực tế thực hiện nhiệm vụ thanh tra.

Về nguyên tắc tiến hành hoạt động thanh tra của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành do đoàn thanh tra thực hiện theo trình tự, thủ tục quy định của Luật Thanh tra, Nghị định số 43/2023/NĐ-CP, Nghị định này và quy định khác của pháp luật có liên quan và phải gắn với việc thực hiện nhiệm vụ về chuyên môn - kỹ thuật, quy tắc quản lý ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý theo ngành, lĩnh vực nhằm phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật.

Về việc xây dựng kế hoạch thanh tra, ông Long cho biết, tại Điều 27 quy định, chậm nhất ngày 1/11 hằng năm, cục thuộc tổng cục gửi dự thảo kế hoạch thanh tra của cơ quan mình gửi đến tổng cục để tổng hợp; chậm nhất vào ngày 10/11 hằng năm, tổng cục gửi dự thảo kế hoạch thanh tra của cơ quan mình đến thanh tra bộ để tổng hợp vào kế hoạch thanh tra của bộ.

Thời hạn thanh tra, cuộc thanh tra do tổng cục tiến hành không quá 45 ngày; trường hợp phức tạp thì có thể gia hạn một lần không quá 30 ngày; cuộc thanh tra do cục thuộc tổng cục tiến hành không quá 30 ngày; trường hợp phức tạp hoặc ở miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì có thể gia hạn một lần không quá 15 ngày.

Về xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và các cơ quan thanh tra khác, ông Long cho biết, chồng chéo, trùng lặp với hoạt động của Thanh tra Chính phủ thì Thanh tra Chính phủ tiến hành thanh tra. Chồng chéo, trùng lặp với hoạt động của thanh tra bộ thì trao đổi với thanh tra bộ để xử lý. Còn chồng chéo, trùng lặp giữa hoạt động thanh tra của các tổng cục, cục thuộc bộ thì tổng cục trưởng, cục trưởng cục thuộc bộ trao đổi để xử lý…

Để Luật Thanh tra 2022, Nghị định số 43/2023/NĐ-CP và Nghị định số 03/2024/NĐ-CP thực sự đi vào đời sống, thời gian tới, Thanh tra Bộ Công Thương tiếp tục chỉ đạo các đơn vị tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc các nội dung của Luật Thanh tra năm 2022 và các văn bản hướng dẫn thi hành, đồng thời rà soát về tổ chức bộ máy các đơn vị, bảo đảm về cơ cấu tổ chức, biên chế, nhân lực; củng cố đội ngũ cán bộ thực hiện công tác chuyên môn, công tác quản lý, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ theo Luật Thanh tra năm 2022 và các quy định pháp luật có liên quan.

Bên cạnh đó, Thanh tra Bộ Công Thương cũng kiến nghị Thanh tra Chính phủ thường xuyên tổ chức tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, nhất là về kỹ năng tác nghiệp thanh tra, kỹ năng tham mưu kết luận và kiến nghị xử lý vi phạm được phát hiện qua thanh tra.

Đồng thời, tăng cường công tác sơ kết, tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm trong thực hiện thanh tra chuyên ngành làm cơ sở khoa học và thực tiễn cho việc điều chỉnh, khắc phục hạn chế, thiếu sót, phát huy ưu điểm, nâng cao hiệu quả trong thanh tra chuyên ngành và kiểm tra thực hiện kết luận thanh tra sau thanh tra.

Phương Hiếu