Bị cáo Trầm Bê khóc tại tòa

Trong phần xét hỏi, bị cáo Trầm Bê, nguyên Phó Chủ tịch HĐQT, Chủ tịch Hội đồng Tín dụng Sacombank khai khi bị cáo Phạm Công Danh đặt vấn đề vay tối đa 2.000 tỷ đồng, bị cáo cho rằng đó là việc bình thường và coi bị cáo Danh như một khách hàng. Bị cáo Trầm Bê đồng ý cho vay với điều kiện đảm bảo như tài sản bất động sản giá trị lớn hoặc sổ tiết kiệm, chứng thư bảo lãnh của ngân hàng.

Theo nhận thức của bị cáo Trầm Bê, việc cho vay chỉ cần có tài sản đảm bảo, ngân hàng thu hồi được vốn và có lãi là vay được tiền, không nói tới các vấn đề khác như phương án sử dụng vốn, phương án thu hồi vốn.

Mặc dù bị cáo Danh muốn vay 2.000 tỷ đồng nhưng bị cáo chỉ duyệt cho vay 1.800 tỷ đồng. Bởi lẽ, đây là số tiền có thể cho vay trong thẩm quyền của Chủ tịch Hội đồng Tín dụng. Nếu con số vượt quá, bị cáo sẽ phải họp Hội đồng và sẽ mất thời gian hơn trong cho vay.

Tại tòa, bị cáo Trầm Bê cho rằng, giám định của Ngân hàng Nhà nước chưa thuyết phục, chưa rõ ràng nên bị cáo chưa phục. Pháp luật không cấm việc cho vay và thế chấp tài sản đảm bảo cho khoản vay, bị cáo làm vậy chỉ với mục đích cho vay và có lãi. Vụ việc này Sacombank cũng không bị thiệt hại gì nên đề nghị Hội đồng Xét xử (HĐXX) xem xét lại trách nhiệm của bị cáo.

Nghẹn ngào khóc tại phiên tòa, bị cáo Trầm Bê nói từng đứng đầu doanh nghiệp lớn, có kinh nghiệm nhiều năm trong ngành Ngân hàng, giờ tới nước bị truy tố tội cố ý làm trái, bị cáo không phục. Đây là cái giá quá đắt cho bị cáo, trong khi bị cáo không hề tư lợi.

Bị cáo Trầm Bê cũng xin HĐXX trả lại căn nhà tại An Dương Vương, quận 5 vì đó là căn nhà của người chị gái, bị cáo đã kê khai nhầm tài sản.

Phan Thành Mai xin xem xét cho nhóm Sacombank

Bị cáo Phan Thành Mai, nguyên Tổng Giám đốc Ngân hàng Xây dựng (VNCB) đồng ý với các nội dung nêu trong bản cáo trạng. Tuy nhiên, bị cáo nhấn mạnh tiền VNCB gửi sang Sacombank được gọi là hợp đồng tiền gửi thị trường 2 liên ngân hàng, thời hạn 3 tháng. Đây là thời gian quy định tại Thông tư 21. Còn việc có được dùng tiền thị trường 2 bảo lãnh khoản vay không, bị cáo nói pháp luật không cấm thì vẫn được làm.

Việc VNCB thông qua 6 công ty lập khống để vay tiền Sacombank, bị cáo Mai cho rằng Sacombank đã cấp tín dụng cho Phạm Công Danh nhưng phía Sacombank không biết chủ đích này. Bị cáo Mai xin HĐXX xem xét cho phía Sacombank vì họ không hề hay biết mục đích thực sự của khoản vay.

Đồng thời, bị cáo Mai cũng mong HĐXX xem xét con số thiệt hại 6.126 tỷ đồng tại VNCB vì có nhiều tài sản và tiền đang nằm tại ngân hàng nhưng không được tính đến.

Trong đó có 4.500 tỷ đồng nâng vốn điều lệ tại VNCB nhưng chưa được ghi nhận. Phạm Công Danh cũng chưa được tạo điều kiện khắc phục trước khi xem xét kết quả cuối cùng.

Tuy nhiên, chủ tọa dẫn kết luận giám định của Ngân hàng Nhà nước tại năm 2016, toàn bộ số tiền này không còn mặc dù VNCB không tăng vốn điều lệ. Nói tổng thể 4.500 tỷ đồng tăng vốn điều lệ tính đến ngày khởi tố không còn, nợ của VNCB còn âm quá vốn điều lệ ngân hàng.

Bị cáo Mai cũng đề nghị HĐXX xem xét lại số tiền chi lãi ngoài cho nhóm Trần Ngọc Bích, Trần Quý Thanh và thu hồi lại, phục vụ cho quá trình khắc phục vụ án nhưng chủ tọa phiên tòa khẳng định trong giai đoạn 2, HĐXX không có thẩm quyền thu hồi bất cứ cái gì ngoài phạm vi...

 

Tuấn Nhật