Nhằm triển khai hiệu quả công tác CĐS, ngày 14/7/2022, Tỉnh ủy Cà Mau đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU về CĐS tỉnh Cà Mau đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, công tác CĐS được chỉ đạo triển khai trong cả hệ thống chính trị của tỉnh.

Triển khai thực hiện nghị quyết của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Cà Mau đã có Quyết định số 1929/QĐ-UBND ngày 01/8/2022 ban hành Đề án CĐS tỉnh Cà Mau đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đồng thời, được cụ thể hóa bằng kế hoạch hàng năm với những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể nhằm thực hiện đạt các mục tiêu theo lộ trình đề ra...

Theo số liệu thống kê mới nhất về kết quả triển khai, thực hiện CĐS năm 2023 và 06 tháng đầu năm 2024, UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành 79 văn bản để chỉ đạo, triển khai thực hiện các nhiệm vụ CĐS trên địa bàn tỉnh. 

Để triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ CĐS theo chương trình, kế hoạch đề ra, Ban Chỉ đạo CĐS tỉnh được thành lập, do Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban. Trên cơ sở đó, tất cả 09 huyện, thành phố và 101 đơn vị cấp xã thành lập Ban Chỉ đạo CĐS để tham mưu, triển khai thực hiện công tác CĐS tại địa phương, đơn vị mình...

Nhằm thực hiện có hiệu quả Đề án “Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh đã cụ thể hóa bằng Kế hoạch số 165/KH-UBND để triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh và đã đạt được một số kết quả nổi bật như: Tổ chức khảo sát trực tuyến kiến thức CĐS của cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh. Kết quả, có 5.040 lượt cán bộ, công chức, viên chức tham gia. Qua đó, đã góp phần tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, quy định của Đảng, Nhà nước và của địa phương về CĐS; đồng thời, nâng cao tinh thần, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong tham mưu, thực hiện các nhiệm vụ CĐS tại cơ quan, đơn vị.

Cùng với đó, đã thành lập tổ công nghệ số cộng đồng tại 883/883 số ấp/khóm, với 4.518 thành viên. Tổ đã thực hiện làm mẫu, hướng dẫn cho hơn 210.000 hộ gia đình cài đặt, sử dụng các nền tảng số, chiếm 65% số hộ gia đình trên toàn tỉnh.

Đồng thời, đã tổ chức đào tạo, tập huấn cho trên 49.000 lượt người về CĐS và Đề án 06 với những nội dung như: Tập huấn kỹ năng cho tổ công nghệ số cộng đồng; đào tạo kỹ năng thương mại điện tử cho doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh; nâng cao kỹ năng số trong các giao dịch dịch vụ công, sử dụng kho dữ liệu điện tử cho công chức, viên chức bộ phận một cửa các cấp; tập huấn vận hành website cho 101 xã, phường, thị trấn; tập huấn cho giáo viên tại các cơ sở giáo dục từ tiểu học đến trung học phổ thông về dịch vụ công trực tuyến...

Ngoài ra, đã xây dựng được các kênh truyền thông phục vụ cho công tác tuyên truyền về CĐS như: Chuyên trang CĐS trên cổng thông tin điện tử tỉnh; chuyên mục “IT-Today” của Đài Phát thanh - Truyền hình Cà Mau; “dịch vụ công trực tuyến tỉnh Cà Mau” trên zalo; “trang thông tin tỉnh Cà Mau” trên facebook để hỗ trợ cho việc tuyên truyền, quảng bá các hình ảnh, sự kiện CĐS nổi bật của tỉnh. Kết quả, đã có 398.768 lượt truy cập và tương tác thông qua các kênh nêu trên; riêng chuyên mục “IT-Today” đã phát 36 kỳ với tổng thời lượng 5 giờ 40 phút.

Bên cạnh đó, có nhiều sáng kiến, cách làm hay về CĐS. Điểm hình, chiến dịch cao điểm 69 ngày đêm “nâng cao hiệu quả sử dụng dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn tỉnh Cà Mau”. Chiến dịch tập trung vào việc hỗ trợ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến; khắc phục, xử lý kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, tạo điều kiện thuận tiện nhất cho người dân, doanh nghiệp khi đến thực hiện thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa… Với sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành, chiến dịch đã thực hiện đạt và vượt tất cả các mục tiêu đề ra, góp phần đưa Cà Mau lên vị trí đứng đầu cả nước về chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử (trước chiến dịch, Cà Mau xếp hạng 21/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương).

Tỉnh Cà Mau cũng đã triển khai thực hiện hiệu quả thí điểm Mô hình “Khu dân cư điện tử” trên tuyến đường Lý Văn Lâm, khóm 6, phường 1, thành phố Cà Mau. Kết quả, có 100% số hộ dân trong khu dân cư tiếp cận nền tảng số (186 hộ, 945 nhân khẩu); 71% người dân có tài khoản dịch vụ công trực tuyến; 100% người dân sử dụng ít nhất một ứng dụng công nghệ như: cài đặt ứng dụng CaMau-G, VNPT Money, Viettel Pay hoặc MoMo, app ngân hàng... để thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt.

Chưa hết, tỉnh Cà Mau cũng đã triển khai hiệu quả “hệ thống nhận diện hình ảnh và thông tin dữ liệu công dân” tại bộ phận một cửa các cấp. Với hệ thống này, người dân, doanh nghiệp khi đến giao dịch tại bộ phận một cửa chỉ cần dùng thẻ căn cước công dân quét mã QR, chụp khuôn mặt ở lần giao dịch lần đầu; khi người dân đến giao dịch các lần tiếp theo tại bất kỳ bộ phận một cửa nào trên địa bàn tỉnh, thiết bị tại bộ phận một cửa sẽ tự động nhận dạng mà không cần phải xuất trình giấy tờ tùy thân hoặc khai báo thông tin. Kết quả, đã có trên 24.000 người dân, doanh nghiệp đến thực hiện TTHC sử dụng Hệ thống nêu trên…

Chu Tuấn