Đó là một số kết quả tích cực trong việc thực hiện Đề án "Ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030" của Chính phủ (Đề án 06) tại tỉnh Cà Mau.

Theo UBND tỉnh Cà Mau, trong tháng 9/2024, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản trọng tâm để thực hiện Đề án 06. Điển hình, đăng ký triển khai, thực hiện cấp phiếu lý lịch tư pháp qua ứng dụng VNeID; triển khai Thông báo số 6693/TBTCTTKĐA của tổ công tác triển khai Đề án 06/CP và Công văn số 2761/BCAQLHCTTXH của Bộ Công an về Đề án 06; đôn đốc thực hiện các nhiệm vụ của Đề án 06; triển khai kế hoạch của Bộ Công an về thu nhận mẫu ADN cho thân nhân của liệt sĩ chưa xác định được danh tính; phát động tháng cao điểm thực hiện chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Cà Mau; tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2024…

Đồng thời, nhằm kiểm tra công tác đảm bảo an ninh, an toàn thông tin và quy trình tra cứu, xác thực thông tin công dân từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo đạo Sở Thông tin và Truyền thông ban hành kế hoạch kiểm tra định kỳ đối với quy trình nghiệp vụ, thao tác của cán bộ tại các cơ quan, đơn vị trong việc tra cứu, xác thực thông tin công dân từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, phục vụ giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Sở Y tế đã đăng ký triển khai miễn phí giải pháp KIOSK y tế thông minh phục vụ khám chữa bệnh do Ngân hàng HDBank cung cấp cho 6 cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh.

Đặc biệt, tỉnh Cà Mau đã hoàn thành kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh với phần mềm dịch vụ công liên thông, phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử, cơ sở dữ liệu ngành lao động, thương binh và xã hội, cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm và Cổng Dịch vụ công quốc gia theo quy định tại Nghị định số 63/2024/NĐ-CP ngày 10/6/2024 của Chính phủ.

Đến nay, tỉnh đã hoàn thành 30/37 nhiệm vụ của Đề án 06 trong năm 2024 đúng thời hạn quy định, đạt 81,08%, còn 7 nhiệm vụ đang thực hiện trong hạn.

UBND tỉnh Cà Mau cho biết, trong việc triển khai dịch vụ công, tỉnh đã hoàn thành triển khai 25/25 dịch vụ công trực tuyến thiết yếu trên môi trường điện tử; đã tổ chức triển khai 15/20 dịch vụ công thuộc thẩm quyền của địa phương; còn lại 5 dịch vụ công chưa triển khai (đang chờ hướng dẫn từ các bộ, ngành Trung ương); đã thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình đối với 1.075 thủ tục, dịch vụ công trực tuyến một phần đối với 428 thủ tục, tất cả đã được tích hợp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Về cơ sở hạ tầng, đến nay 100% cán bộ, công chức, viên chức giải quyết thủ tục hành chính đều được được trang bị máy tính. Trung tâm giải quyết thủ tục hành chính tỉnh và 100% bộ phận một cửa cấp huyện, cấp xã đã bố trí máy tính kết nối mạng để người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến. 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã triển khai hệ thống cáp quang internet và phủ sóng mạng di động 3G/4G (đến ấp, khóm), không có vùng lõm (chưa có sóng internet); 100% cơ quan, đơn vị Nhà nước cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã có hệ thống mạng LAN, kết nối internet tốc độ cao; 100% dân số được phủ sóng di động (3G, 4G, 5G); 100% số ấp, khóm (883/883) và 100% xã, phường, thị trấn; 100% trường học, bệnh viện được kết nối cáp quang và sẵn sàng cung cấp dịch vụ truy nhập Internet băng rộng…

Về việc triển khai thanh toán không dùng tiền mặt, trong lĩnh vực y tế, đã có 6 ngân hàng liên kết cung cấp dịch vụ cho 16 cơ sở y tế, khám chữa bệnh để triển khai áp dụng thanh toán viện phí không dùng tiền mặt. Còn trong lĩnh vực giáo dục, đã có 4 ngân hàng liên kết cung cấp dịch vụ cho 99 cơ sở giáo dục, đào tạo.

Trong việc triển khai khám chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng thẻ căn cước, đến nay đã có 125/125 cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh đã triển khai tiếp nhận công dân đi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng thẻ căn cước, đạt 100%.

Các ngân hàng trên địa bàn tỉnh tiếp tục triển khai cập nhật thông tin khách hàng từ CMND sang thẻ căn cước/CCCD gắn chíp, cập nhật thông tin sinh trắc học của khách hàng; phục vụ triển khai các sản phẩm, dịch vụ xác thực thông tin khách hàng thông qua thẻ căn cước/CCCD gắn chíp và VNeID…

Đến nay, đã có 8 tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh (BIDV, Vietcombank, Vietinbank, PVCombank, VPBank, VIB, NCB, FECredit) đã triển khai cho vay tín chấp (dưới 100 triệu đồng) trên cơ sở đánh giá khả tín khách hàng vay trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư giúp người dân có cơ hội tiếp cận với nguồn vốn chính thống, không cần thế chấp tài sản, chứng minh thu nhập, hạn chế vay “tín dụng đen”…

Đánh giá về kết quả đã đặt được, UBND tỉnh Cà Mau thông tin, tỉnh đã hoàn thành đúng hạn việc rà soát, phê duyệt đề xuất cấp độ an toàn thông tin đối với 100% hệ thống thông tin của tỉnh theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 33/CĐ-TTg ngày 7/4/2024. Cùng với đó, tỉnh đã hoàn thành kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh với phần mềm dịch vụ công liên thông để thực hiện 2 nhóm thủ tục hành chính liên thông điện tử theo quy định tại Nghị định số 63/2024/NĐ-CP của Chính phủ, để tạo thuận lợi cho người dân trong thực hiện dịch vụ công.  Đồng thời, tỉnh Cà Mau cũng đã hoàn thành các điều kiện cần thiết và đăng ký với tổ công tác triển khai Đề án 06/CP để triển khai cấp phiếu lý lịch tư pháp qua ứng dụng VNeID trên địa bàn tỉnh từ ngày 1/10/2024… 

Chu Tuấn