Ngày 10/10/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 41-NQ/TW về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới. Nghị quyết này nêu rõ quan điểm, đội ngũ doanh nhân có vị trí, vai trò quan trọng, là một trong những lực lượng nòng cốt góp phần xây dựng sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế; xây dựng và phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Tăng cường liên kết, hợp tác trong đội ngũ doanh nhân, giữa doanh nhân với công nhân, nông dân, trí thức cùng thực hiện mục tiêu phát triển đất nước.

Nghị quyết số 41 của Bộ Chính trị nêu rõ, phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh về số lượng, chất lượng, cơ cấu hợp lý, có tầm nhìn, trí tuệ, đạo đức, tinh thần kinh doanh, làm giàu chính đáng, năng động, sáng tạo, năng lực quản trị tiên tiến, tuân thủ pháp luật, có đạo đức, văn hoá kinh doanh mang bản sắc dân tộc; có trách nhiệm xã hội, ý thức bảo vệ môi trường, đóng góp xứng đáng cho các mục tiêu phát triển đất nước.

Mục tiêu đến năm 2030 sẽ phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam có quy mô, năng lực và trình độ đáp ứng mục tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Phấn đấu ngày càng có nhiều doanh nghiệp đạt tầm khu vực, một số doanh nghiệp đạt tầm thế giới; một số doanh nghiệp lớn có vai trò dẫn dắt trong các ngành, lĩnh vực then chốt; một số doanh nghiệp có vị thế, vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu, làm chủ một số chuỗi giá trị công nghiệp, nông nghiệp, có năng lực cạnh tranh quốc tế trong các ngành công nghiệp nền tảng, ưu tiên, mũi nhọn…

leftcenterrightdel
 Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chụp ảnh cùng các đại biểu tham dự buổi gặp mặt đại diện giới doanh nhân Việt Nam năm 2023. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Hiện nay, nước ta có hơn 930.000 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó 98% là doanh nghiệp nhỏ và vừa, khoảng 14.400 hợp tác xã và hơn 5 triệu hộ kinh doanh. Năm 2023, khu vực kinh tế tư nhân đóng góp khoảng 46% GDP, tạo ra khoảng 30% nguồn thu ngân sách Nhà nước, thu hút khoảng 85% lực lượng lao động; tỷ lệ đóng góp thuế thu nhập doanh nghiệp chiếm khoảng 34%.

Đội ngũ doanh nhân Việt Nam đã không ngừng phát triển cả về số lượng và chất lượng, đã có những đóng góp to lớn, quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trên nhiều phương diện; là lực lượng chủ lực, tiên phong tạo ra nhiều công ăn việc làm, sinh kế cho người lao động, qua đó, góp phần xóa đói, giảm nghèo và phát triển kinh tế-xã hội.

Các doanh nghiệp, doanh nhân có mặt ở hầu hết các ngành nghề, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, hoạt động không chỉ trong nước mà nhiều doanh nghiệp, doanh nhân đã gây được tiếng vang, khẳng định giá trị thương hiệu vươn tầm ra khu vực và thế giới, góp phần đưa thương hiệu Việt ra toàn cầu và nâng cao vị thế nước ta trên trường quốc tế.

Bên cạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, đội ngũ doanh nhân cũng luôn thể hiện trách nhiệm xã hội, nhiều doanh nhân đã và đang tích cực tham gia các chương trình xóa đói, giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, chương trình vì cộng đồng, hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Đặc biệt, đã xuất hiện một lực lượng doanh nghiệp tư nhân lớn, tích lũy đủ năng lực về quy mô vốn, trình độ công nghệ và quản trị doanh nghiệp, có thương hiệu vươn ra thị trường khu vực và thế giới, trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế như: Tập đoàn Vingroup, Thaco, Hòa Phát, TH,...

leftcenterrightdel
 Năm 2023, khu vực kinh tế tư nhân đóng góp khoảng 46% GDP, tạo ra khoảng 30% nguồn thu ngân sách Nhà nước, thu hút khoảng 85% lực lượng lao động... Ảnh minh họa: C.T

Mới đây, tại Hội nghị của Thường trực Chính phủ làm việc với các doanh nghiệp về giải pháp góp phần phát triển kinh tế-xã hội đất nước, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, trong đại dịch Covid-19, các doanh nghiệp đã có đóng góp tích cực, hiệu quả để cùng cả dân tộc vượt qua đại dịch Covid-19, kiểm soát dịch bệnh, nhanh chóng đưa đất nước ta trở lại trạng thái bình thường.

Trong bối cảnh đại dịch, cạnh tranh chiến lược gay gắt, xung đột diễn ra ở nhiều nơi, đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất ảnh hưởng tới kinh tế thế giới và kinh tế Việt Nam, các doanh nghiệp đã khẳng định vai trò đối với khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội. Hiện, quy mô GDP của Việt Nam xếp thứ 34 trên thế giới, đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Đây là kết quả có được nhờ nỗ lực lớn của toàn dân dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, trong đó có đóng góp quan trọng của các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp tư nhân…

Thủ tướng mong muốn các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp đã có thành công, tiếp tục phát huy tinh thần yêu nước, thương dân, tình dân tộc, nghĩa đồng bào, tinh thần đoàn kết, tự lực, tự cường, truyền thống lịch sử, di sản văn hóa - một điểm tựa của đất nước, để cùng làm, cùng thắng, cùng hưởng, cùng phát triển, phát huy vai trò, vượt qua khó khăn, thách thức, đóng góp cho đất nước…

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng gửi gắm cộng đồng doanh nghiệp lớn cần chủ động đi đầu, tiên phong trong những việc lớn, việc khó, việc mới, giải quyết những bài toán ở tầm quốc gia để tạo lực cho phát triển kinh tế, tạo dư địa phát triển cho doanh nghiệp nhỏ và vừa ở những lĩnh vực khác.

Bên cạnh hoạt động kinh doanh nhằm mục tiêu đem lại doanh thu lợi nhuận, các doanh nghiệp lớn cần tham gia cùng với các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước lớn đầu tư vào các lĩnh vực mới của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đáp ứng yêu cầu chuyển dịch theo xu hướng phát triển xanh; tham gia vào các dự án lớn của đất nước...

Thùy Dương