Dự án (DA) cầu Trà Đình bắt qua sông Ly Ly (thôn Trà Đình 2, xã Quế Phú) được UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt đầu tư xây dựng vào tháng 10/2016, là D.A nhóm C trọng điểm, công trình giao thông cấp III do UBND huyện Quế Sơn làm chủ đầu tư. Tổng mức vốn đầu tư hơn 51,8 tỉ đồng, trong đó ngân sách tỉnh hỗ trợ 30 tỉ đồng, phần vốn còn lại do ngân sách huyện Quế Sơn cân đối. UBND xã Quế Phú thực hiện công tác giải phóng mặt bằng phục vụ thi công.

Mục đích đầu tư là hoàn thiện mạng lưới giao thông đường bộ kết nối giữa xã Quế Phú (Quế Sơn) với các xã Duy Thành và vùng Đông của huyện Duy Xuyên chạy ra TP Hội An, phục vụ cứu hộ, cứu nạn và đẩy nhanh phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương lân cận.

Ngày 29/9/2017, UBND huyện Quế Sơn có quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu thi công xây lắp công trình cầu Trà Đình, hạng mục cầu và đường công vụ với giá trúng thầu gần 34,6 tỷ đồng.

D.A cầu Trà Đình được khởi công xây dựng, đến tháng 6/2020, thi công xong và nghiệm thu phần thân cầu. Từ đó đến nay đã gần 4 năm, phần đường dẫn phía hai đầu cầu vẫn chưa được thi công, khiến việc đi lại của người dân đôi bên cầu rất khó khăn; nhất là mùa mưa lũ.

Theo quan sát của chúng tôi, cầu Trà Đình được xây dựng cao hơn mặt đường cũ đến gần 7 mét, nên độ dốc từ hai bên cầu xuống mặt đường rất cao và nguy hiểm cho người và phương tiện khi lưu thông qua đây.

Để tạo điều kiện đi lại tạm thời, UBND xã Quế Phú đã chi hơn 30 triệu đồng làm làn đường bê tông tạm lên hai bên đầu cầu cho người dân và phương tiện vận chuyển nhỏ lưu thông; hạn chế tai nạn giao thông đang rập rình, đe doạ như đã từng xảy ra.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Hoa, Phó Chủ tịch UBND xã Quế Phú cho biết, ngoài việc kết nối phát triển kinh tế - xã hội vùng Đông - Bắc Quảng Nam, cầu Trà Đình còn đóng vai trò quan trọng về tránh lũ lụt, sạt lở hằng năm, nhất là đối với vùng rốn lũ như thôn Trà Đình 2 và xã Quế Phú.

leftcenterrightdel
 Cầu Trà Đình bắc qua sông Ly Ly, xã Quế Phú, Quế Sơn, Quảng Nam. Ảnh: N.P

Giai đoạn 2016 - 2020, ngân sách tỉnh Quảng Nam đã bố trí 30 tỉ đồng để thực hiện D.A. Tuy nhiên, do ảnh hưởng dịch Covid-19, suy thoái kinh tế... nên nguồn thu ngân sách huyện Quế Sơn thiếu hụt, huyện mới bố trí được hơn 5,9 tỉ đồng thực hiện D.A.

Một lãnh đạo UBND huyện Quế Sơn cho biết, trong quá trình thực hiện D.A cầu Trà Đình, do có thay đổi thiết kế, đã dẫn đến “đội vốn” khi xây dựng hạng mục cầu, vì thế mới xảy ra tình trạng cầu xây xong, hết kinh phí để làm đường dẫn lên cầu.

Mặt khác, Quế Sơn là huyện còn gặp nhiều khó khăn nên việc cân đối vốn đối ứng ngày càng hạn chế.

Để giải quyết ách tắc về kinh phí hoàn thiện DA cầu Trà Đình, ngày 23/4, tại Kỳ họp lần thứ 22 HĐND tỉnh Quảng Nam khóa X đã biểu quyết thông qua nghị quyết về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư 4 D.A đầu tư công sử dụng vốn ngân sách địa phương, trong đó có D.A cầu Trà Đình.

HĐND tỉnh Quảng Nam đã thống nhất theo đề xuất của UBND tỉnh, điều chỉnh tổng mức đầu tư D.A cầu Trà Đình lên hơn 62,5 tỉ đồng (tăng hơn 10,6 tỉ đồng so với mức phê duyệt ban đầu).

Điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn ngân sách tỉnh chi 38 tỉ đồng, phần còn lại ngân sách huyện Quế Sơn đảm bảo; điều chỉnh thời gian thực hiện D.A từ năm 2017 đến 2025.

Vào chiều ngày 7/5, UBND huyện Quế Sơn đã tổ chức họp bàn giữa các cơ quan chức năng của tỉnh và địa phương về việc tiếp tục triển khai DA cầu Trà Đình; nhất là thực hiện phần vốn xây dựng đã được HĐND tỉnh quyết nghị bổ sung và bàn bạc về nguồn vốn đối ứng của huyện.

Theo quan sát, ngoài việc làm đường dẫn lên hai bên đầu cầu, D.A này còn phải hoàn thiện tuyến đường dài vài trăm mét kết nối với tuyến giao thông liên thôn mới có thể lưu thông lên cầu được an toàn.

UBND huyện Quế Sơn đã triển khai xây dựng khu tái định cư và xã Quế Phú đang tập trung vận động các hộ dân nằm trong vùng ảnh hưởng của DA sớm di dời nhà cửa đến nơi ở mới an toàn và bàn giao mặt bằng phục vụ thi công hoàn thiện DA.

Mong mỏi của người dân ở vùng Đông Quế Sơn và Duy Xuyên là sớm thi công hoàn thiện DA cầu Trà Đình; để việc đi lại an toàn, thuận lợi; nhất là hơn 80 hộ dân thôn Trà Đình 2 nằm ở vùng sâu tiếp giáp với xã Duy Thành, huyện Duy Xuyên .

Ngọc Phó