Hôm nay (19/5), tại TP Huế, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Chủ tịch Hội đồng Điều phối vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung Bộ chủ trì Hội nghị công bố Quyết định phê duyệt Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Hội nghị cho ý kiến góp ý vào báo cáo sơ kết một năm thực hiện Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị và Chương trình hành động của Chính phủ; lưu ý những nhóm giải pháp phát triển của quy hoạch; các vấn đề khó khăn, thách thức chủ yếu và kiến nghị phương hướng tháo gỡ, khắc phục…

Quy hoạch mở ra tầm nhìn và không gian phát triển mới

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà khẳng định, Quy hoạch vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 thể hiện quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu phát triển trọng tâm, đột phá; phương án phát triển, giải pháp, chính sách ưu đãi, nguồn lực thực hiện quy hoạch thời gian tới.

“Bản quy hoạch này mở ra tầm nhìn và không gian phát triển mới, tạo động lực, giá trị mới trong bức tranh tổng thể về phát triển kinh tế - xã hội của vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ”, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị, lãnh đạo các tỉnh, thành phố, thành viên Hội đồng Điều phối vùng, đại diện các bộ, ngành phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt; phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng, đồng bộ; triển khai bài bản, khoa học; xác định rõ nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đột phá; phân công rõ người, rõ việc, rõ thời hạn mục đích cuối cùng là mang lại hiệu quả thực chất, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân trong vùng, để sự phát triển của vùng tạo động lực, sức lan tỏa mạnh mẽ phát triển các vùng lân cận và cả nước.

Cần phổ biến bản quy hoạch một cách rộng rãi, công khai, minh bạch

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng, qua hơn 1 năm thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị, về cơ bản, kinh tế - xã hội từng bước phát triển ổn định; chất lượng cơ sở hạ tầng trong vùng từng bước được cải thiện; thể chế và bộ máy điều phối đã được hoàn thiện.

“Việc hoàn thiện quy hoạch vùng là nền tảng, định hướng cho thu hút đầu tư trong thời gian tới”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chỉ rõ một số khó khăn hiện nay trong việc thu hút đầu tư phát triển công nghiệp quy mô lớn, phát triển các ngành kinh tế biển, xử lý các vấn đề có tính liên vùng như, giao thông kết nối, xử lý môi trường, cứu hộ, cứu nạn; khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo chưa thực sự là động lực cho phát triển, hoạt động liên kết, điều phối vùng cần được quan tâm hơn nữa…

Theo Bộ trưởng, để triển khai có hiệu quả quy hoạch vùng, các bộ, ngành, địa phương liên quan cần phổ biến bản quy hoạch này một cách rộng rãi, công khai, minh bạch tới người dân, doanh nghiệp các thành phần kinh tế trong và ngoài nước nhằm thu hút sự tham gia của các bên liên quan một cách hiệu quả nhất.

Cả hệ thống chính trị cần vào cuộc để có kế hoạch cụ thể, tăng cường phối hợp đồng bộ giữa các bộ ngành, địa phương; bỏ tư duy cục bộ, trước hết là trong việc triển khai thực hiện dự án có vai trò vùng; đổi mới tư duy, phát huy sự năng động, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành của từng bộ, ngành và địa phương, lấy khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và nguồn nhân lực chất lượng cao làm động lực phát triển của vùng.

Bộ trưởng cũng nêu rõ các phương án phát triển hiệu quả, bền vững kinh tế biển theo hướng tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học và hệ sinh thái biển đi đôi với tăng cường liên kết vùng, hình thành các cụm liên kết ngành, khu kinh tế ven biển lớn gắn với các đô thị, các trung tâm du lịch biển, du lịch sinh thái ven biển có sức hấp dẫn cao khách quốc tế.

Phát triển các cảng biển và dịch vụ cảng biển, nhất là cảng biển chuyên dụng gắn với các khu kinh tế, khu công nghiệp lọc hóa dầu. Phát triển các hành lang kinh tế theo trục Bắc - Nam và Đông - Tây nhằm kết nối hiệu quả các cảng biển, khu kinh tế, cảng hàng không, cửa khẩu quốc tế, đầu mối giao thương lớn, các đô thị ven biển, trung tâm kinh tế, cực tăng trưởng.

Rà soát 6 nhóm cơ chế, chính sách

Bộ KH&ĐT đã chủ động, phối hợp với các bộ, cơ quan Trung ương, các địa phương trong vùng đề xuất, rà soát 6 nhóm cơ chế, chính sách.

Đó là, nhóm chính sách về đầu tư các chương trình, dự án liên kết, phát triển vùng; nhóm chính sách về phát triển các ngành kinh tế biển, cụm liên kết ngành; nhóm chính sách về phát triển doanh nghiệp và thu hút dự án đầu tư quy mô lớn; nhóm chính sách, pháp luật về tài chính để huy động, phân bổ và chia sẻ nguồn lực để thực hiện các mục tiêu chung của vùng; cơ chế, chính sách về đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng, như: Giao thông, y tế, giáo dục... nhóm chính sách về nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của các cấp chính quyền, tăng cường phân cấp, phân quyền, ủy quyền.

Bộ trưởng cũng kiến nghị các bộ, địa phương tiếp tục triển khai 11 nhiệm vụ đã giao, trong đó, tập trung vào các nội dung liên quan đến đồng bộ hệ thống hạ tầng giao thông, chính sách phát triển cụm liên kết ngành kinh tế biển; cơ chế điều phối, liên kết trong các lĩnh vực du lịch, môi trường, tìm kiếm cứu nạn...

Tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đã khởi công. Đối với các dự án đang chuẩn bị đầu tư hoặc nghiên cứu triển khai, Bộ KH&ĐT đề nghị tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sáchđặc thù để sớm triển khai, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng và lãnh đạo một số bộ, ngành đã trao quyết định phê duyệt quy hoạch vùng cho lãnh đạo 14 tỉnh, thành phố vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung.

Thanh Thanh