Chỉ 13/24 công trình đưa vào sử dụng

Dự án Hệ thống thủy lợi Ba Hồ - Bản Chùa do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng (BQLDA) tỉnh Quảng Trị làm chủ đầu tư (trước đây là BQLDA các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị - NN&PTNT).

Dự án với 11 gói thầu xây lắp với 24 hạng mục công trình, trải rộng trên địa bàn 8 xã của huyện Cam Lộ và 2 phường của TP Đông Hà, tỉnh Quảng Trị. Thời gian thực hiện dự án từ 2018 - 2021. Đây là dự án đầu tư cơ sở hạ tầng tưới tiên tiến, tưới tiết kiệm nước phục vụ cho cây trồng cạn, có quy mô lớn nhất của tỉnh Quảng Trị, nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu thực tế của người dân.

Dự án đã giải ngân số tiền trên 250 tỷ đồng. Tổng giá trị khối lượng thực hiện dự án là trên 253,2 tỷ đồng, bao gồm: Giá trị khối lượng thực hiện đến hết ngày 31/12/2021 đã được nghiệm thu, thanh toán là trên 250 tỷ đồng, giá trị khối lượng thực hiện sau ngày 31/12/2021 chưa được nghiệm thu là hơn 3,1 tỷ đồng.

Theo báo cáo của BQLDA tỉnh Quảng Trị, đến nay, dự án đã bàn giao, đưa vào sử dụng 13/24 công trình. Đa số các hạng mục công trình phục vụ tưới lúa đều cơ bản vận hành tốt, phát huy hiệu quả đầu tư. Đối với các hạng mục, công trình còn lại thì 8 công trình đã thi công hoàn thành, 3 công trình chưa thi công hoàn thành. Dự án quá thời gian thực hiện và cơ bản hoàn thành quy mô đầu tư, tuy nhiên còn một số công trình chưa thi công hoàn thành dẫn đến chưa đảm bảo yếu tố kỹ thuật, công năng khai thác sử dụng và mục tiêu của dự án để tổ chức công tác nghiệm thu.

leftcenterrightdel
 Nhiều hạng mục, công trình thuộc dự án hư hỏng, mất cắp dù chưa đưa vào sử dụng ngày nào. Ảnh: Minh Tân

Tại biên bản hội nghị kiểm điểm trách nhiệm cá nhân, tập thể liên quan đến công tác quản lý Dự án Hệ thống thủy lợi Ba Hồ - Bản Chùa của BQLDA tỉnh Quảng Trị đã đánh giá các khó khăn vướng mắc, nguyên nhân dẫn đến việc công trình chưa thi công hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng.

Phía BQLDA tỉnh Quảng Trị nêu, do nguồn vốn ngân sách địa phương hạn hẹp không đủ để thực hiện chi trả giải phóng mặt bằng cho toàn bộ hạng mục công trình. Nguồn ngân sách địa phương chi để trả cho các hộ bị thiệt hại lớn với kinh phí gần 5,5 tỷ đồng, đến tháng 11/2022 mới bố trí vốn để chi trả nên không thể thi công hoàn thành tiến độ.

Các nguyên nhân khác, như: Trong thời gian thực hiện dự án chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên các nhà thầu phải giãn tiến độ để đảm bảo quy định phòng chống dịch. Năm 2020, Quảng Trị chịu ảnh hưởng của mưa lũ lịch sử, phải mất nhiều thời gian khắc phục để tiếp tục thi công, nhiều hạng mục thi công hoàn thiện đã bị cuốn trôi phải thực hiện nhiều quy trình với bảo hiểm, mất thời gian hơn 8 tháng. Bên cạnh đó, năm 2021 giá vật liệu xây dựng tăng cao làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện và giải ngân của dự án… Từ những khó khăn nêu trên, dự án chậm hoàn thành theo tiến độ được phê duyệt.

Chỉ kiểm điểm, rút kinh nghiệm

Tại biên bản hội nghị kiểm điểm của BQLDA tỉnh Quảng Trị, ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc BQLDA (trước đây là Giám đốc BQLDA ĐTXD các công trình NN&PTNT) tự kiểm điểm vai trò, trách nhiệm người đứng đầu đã để xảy ra những hạn chế quá trình triển khai dự án, nghiêm túc rút kinh nghiệm trong công tác điều chỉnh quản lý tránh sai sót và không để xảy ra trường hợp tương tự.

Còn ông Dương Hữu Trung, Trưởng phòng Kế hoạch - Tổng hợp (trước đây là Phó Giám đốc BQLDA ĐTXD các công trình NN&PTNT) cho rằng trong quá trình thực hiện dự án, do số lượng công trình được giao phụ trách nhiều, các công trình nằm trải rộng, công tác điều hành gián đoạn (do được cử đi học)… nên công tác chỉ đạo, kiểm tra đôn đốc không kịp thời, một số thời điểm chưa sâu sát trong việc chỉ đạo. Dẫn đến, một số khiếm khuyết về chất lượng công trình, chậm tiến độ thi công và hoàn thiện các thủ tục bàn giao công trình đưa vào sử dụng. Đồng thời, ông Trung xin nhận tự kiểm điểm, rút kinh nghiệm trong công việc.

Phía ông Trần Hoàng Việt, Trưởng phòng Quản lý dự án NN&PTNT (trước đây là Phó Giám đốc BQLDA ĐTXD các công trình NN&PTNT) nêu: Do mới tiếp cận nên một số thời điểm chưa sâu sát trong việc chỉ đạo dẫn đến có một số khiếm khuyết về chất lượng công trình… Bên cạnh đó, dù đã đôn đốc nhưng nhiều nhà thầu chậm trễ trong việc huy động các nguồn lực để thi công, nhà thầu chậm hoàn thiện hồ sơ hoàn thành công trình.

Ngoài ra, một số cá nhân là lãnh đạo Phòng Giải phóng mặt bằng và Môi trường, Phòng Quản lý dự án NN&PTNT cho rằng chưa kịp thời báo cáo, chưa sâu sát trong điều hành dự án, giám sát dự án…

Đáng lưu ý, một số ý kiến cho rằng do cách hiểu và tiếp cận về quy định giữa chủ đầu tư và sở quản lý chuyên ngành còn khác nhau dẫn đến sai sót, chưa tham mưu trình Sở Xây dựng chuyên ngành thẩm định trước khi phê duyệt. Điều đó, dẫn đến công trình chưa được bàn giao, đưa vào sử dụng.

Bên cạnh đó, các ý kiến cho rằng các nhà thầu đa phần ở ngoài tỉnh nên việc phối hợp chưa nghiêm túc, dẫn đến công trình chậm bàn giao. Chưa kể, năng lực tài chính của một số nhà thầu quá yếu, nhà thầu không chấp hành các văn bản đôn đốc của Ban, thiếu trách nhiệm trong việc khắc phục, sửa chữa.

Tại biên bản, tập thể lãnh đạo BQLDA ĐTXD tỉnh Quảng Trị thống nhất các cá nhân có liên quan nghiêm túc tự kiểm điểm, rút kinh nghiệm; nghiêm túc phê bình các cá nhân đã để xảy ra sai sót trong quá trình thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao.

Minh Tân