Báo Thanh tra nhận được đơn phản ánh của ông Đ.X.T, trong đơn ông cho biết, gia đình có mảnh đất khai hoang đoạn gần số nhà 164 Phạm Văn Đồng, thuộc tổ dân phố số 4, Phường Xuân Hòa, thành phố Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc (gọi tắt là vườn cầu sắt) từ năm 1986 đến nay không tranh chấp với ai.

Thời gian gần đây tại vườn cầu sắt, đoạn tiếp giáp với cầu, có nhiều người dùng xe cẩu và máy xúc cho nhổ cọc rào bê tông, ủi và san vào phần đất vườn nhà ông. Thấy vậy, gia đình ông hỏi đơn vị thi công tại sao lại thi công vào phần vườn nhà ông thì bộ phận thi công cho biết, đây là dự án của tổ dân phố đã được UBND phường Xuân Hòa đồng ý hơn năm nay do không đủ kinh phí, giờ có kinh phí mới làm.

Tiếp đến ngày 27/6/2024, khi gia đình chuẩn bị cải tạo phần đất vườn cầu sắt thì một chiếc xe cỡ lớn màu xanh biển số 88C-28703 lao nhanh đến chắn ngang lối vào vườn. Người lái xe tự xưng tên Tuấn, đến và yêu cầu dừng lại không được làm. Gia đình đã gọi 113 trình báo sự việc, ngay sau đó Công an phường Xuân Hòa có mặt làm việc.

Ông T cho biết, buổi làm việc hơn 2 tiếng gồm: Công an, tổ trưởng dân phố, Đội Trật tự đô thị phường và ông Tuấn. Tại buổi làm việc, ông Tuấn nói bản thân là người mua đất phía cây xoài cạnh vườn cầu sắt từ một người tên Đăng nhưng chưa thành, sợ ảnh hưởng đến miếng đất của mình mua nên đã ra ngăn cản. Vụ việc được Công an phường Xuân Hòa lập biên bản xong ai về nhà đó.

Ông T nhận thấy, những việc làm có dấu hiệu không minh bạch trên đang làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của gia đình, nên ngay sau sự việc, đã gửi đơn đến UBND phường Xuân Hòa đề nghị UBND phường làm rõ nguồn gốc sử dụng đất vườn cầu sắt. Đơn thứ nhất gửi ngày 11/7/2024, sau một tháng không nhận được phản hồi từ UBND phường, gia đình ông tiếp tục gửi đơn lần 2 vào ngày 12/8/2024, tuy nhiên đến nay đã gần 3 tháng kể từ khi gửi đơn lần đầu UBND phường Xuân Hòa vẫn không có động thái trả lời đơn.

leftcenterrightdel
 Công dân nhiều lần gửi đơn nhưng UBND phường Xuân Hòa “phớt lờ”. Ảnh: CB

Ông T chia sẻ, khu vực vườn cầu sắt mấy chục năm nay được gia đình khai hoang, trồng cây, cải tạo yên ổn không tranh chấp với ai, đột nhiên thời gian gần đây liên tiếp các vụ việc mua bán, lấn chiếm vào phần đất, khiến gia đình hoang mang, tinh thần không được ổn định, lúc nào cũng thấp thỏm lo âu.

“Việc gia đình tôi nhiều lần gửi đơn đề nghị làm rõ nguồn gốc sử dụng đất để có căn cứ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, thế nhưng lãnh đạo UBND phường Xuân Hòa, mà trực tiếp là bà Thanh - Chủ tịch phường lại phớt lờ, không cung cấp thông tin, không trả lời đơn, khiến gia đình rất bất bình”, ông T bức xúc nói.

Để thông tin được khách quan, chính xác, ngày 29/7/2024, phóng viên đã đến UBND phường Xuân Hòa đặt lịch làm việc để tìm hiểu, làm rõ thông tin.

Tuy nhiên, cũng giống như gia đình nhà ông T, phóng viên nhiều lần liên hệ đề nghị làm việc cung cấp thông tin để làm rõ đơn thư bạn đọc phản ánh, song chỉ nhận được trả lời từ bộ phận văn phòng ủy ban là chủ tịch rất bận, không thể làm việc.

Bộ phận văn phòng còn chủ động cho phóng viên số điện thoại 0978858*** của bà Nguyễn Thị Thanh -  Chủ tịch UBND phường Xuân Hòa để liên hệ, nhưng người này không bắt máy cũng không trả lời tin nhắn.

leftcenterrightdel
 Trụ sở UBND phường Xuân Hòa. Ảnh: CB

 

Trường hợp của Chủ tịch UBND phường Xuân Hòa đang có dấu hiệu vi phạm các quy định pháp luật về việc giải quyết đơn thư như: Điều 28 Luật Tiếp công dân, quy định “Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, người tiếp công dân có trách nhiệm trả lời trực tiếp hoặc thông báo bằng văn bản đến người đã đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh”.

Điều 20, Thông tư số 05/2021/TT-TTCP ngày 01/10/2021 của Tổng Thanh tra Chính phủ quy định quy trình xử lý đơn khiếu nại, đơn tố cáo, đơn kiến nghị, phản ánh “Đơn kiến nghị, phản ánh về những nội dung thuộc trách nhiệm quản lý của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình thì người xử lý đơn báo cáo, đề xuất người đứng đầu giải quyết, trả lời theo quy định của pháp luật” và Theo quy định tại Điều 6, Quy định số 11-QÐi/TW của Bộ Chính trị khóa XII về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân “Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ khi tiếp nhận phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo người đứng đầu cấp ủy thông báo bằng văn bản đến người phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo về việc tiếp nhận để giải quyết hoặc đã chuyển, chỉ đạo cơ quan, người có thẩm quyền xử lý, giải quyết (nêu rõ cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền giải quyết để người dân biết).

Nếu phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo phức tạp, thuộc thẩm quyền giải quyết của nhiều cơ quan, tổ chức, địa phương cần có thêm thời gian xem xét, xử lý thì thời hạn có thể kéo dài, nhưng không quá 15 ngày làm việc kể từ khi tiếp nhận phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo”.

Để tránh biến thành điểm nóng đơn thư khiếu kiện, phức tạp kéo dài không đáng có, đề nghị UBND thành phố Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc sớm chỉ đạo, xác minh nội dung phản ánh của người dân, kiên quyết xử lý nghiêm sai phạm trong việc tiếp công dân, giải quyết đơn thư (nếu có).

Báo Thanh tra sẽ tiếp tục thông tin.

Chính Bình