Sau 2 lần mở phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án này được mở tại TAND tỉnh Phú Thọ tại TP Việt Trì nhưng đã bị hoãn, ngày 12/4, tại Hà Nội, TAND Cấp cao đã mở phiên xét xử phúc thẩm đối với bị cáo Khổng Văn Phú và Chử Thị Hòa do có kháng cáo, kháng nghị.

Trước đó, ngày 1/8/2016, TAND tỉnh Phú Thọ đã đưa ra xét xử sơ thẩm đối với vụ án này và có Bản án số 33/2016/HSST tuyên bị cáo Khổng Văn Phú và Chử Thị Hòa về tội “kinh doanh trái phép” và miễn trách nhiệm hình sự đối với Khổng Văn Phú và Chử Thị Hòa.

Về phần dân sự, Tòa tuyên các bị cáo phải trả lại toàn bộ số tiền đã vay mượn của các đương sự  trước đó.

Ngay sau đó, Viện KSND tỉnh Phú Thọ có kháng nghị. Cả 2 bị cáo cũng có kháng cáo. 

Từ cơ sở đó, Tòa Cấp cao tại Hà Nội đã thụ lý và mở phiên xét xử phúc thẩm.

Như Báo Thanh tra đã phản ánh trước đó, tháng 1/2010, vợ chồng ông bà Khổng Văn Phú, Chử Thị Hòa (xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao) thành lập Cty TNHH Xây dựng Thương mại Kính Đạt (Cty Kính Đạt). Ông Phú làm Giám đốc, bà Hòa làm Kế toán trưởng.

Cty Kính Đạt đã bỏ hàng tỷ đồng mua và đầu tư vào xây dựng Nhà máy Gạch Tuynel An Đạo (xã An Đạo, huyện Phù Ninh) từ Cty Cổ phần Xây lắp điện nước Phú Thọ. Để nhà máy hoạt động, Cty Kính Đạt phải đầu tư thêm hàng chục tỷ đồng nữa. Do nguồn vốn tự có vài tỷ đồng nên vợ chồng ông bà Phú, Hòa phải đi huy động từ các nguồn khác để đầu tư tiếp, trong đó có nhiều người dân ở địa phương.

Giấy biên nhận vay tiền được Cty Kính Đạt thể hiện dưới hình thức “Sổ gửi tiền”, có chứa đựng đầy đủ nội dung của hợp đồng vay tài sản theo đúng quy định của pháp luật.

Cho rằng đây là hành vi vi phạm pháp luật, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an tỉnh Phú Thọ đã khởi tố vụ án và bắt tạm giam vợ chồng ông bà Phú, Hòa vào ngày 12/4/2014. 

Sau đó, bà Hòa được cho tại ngoại từ ngày 8/8/2014.

Ngày 6/4/2015, Cơ quan CSĐT, Công an tỉnh Phú Thọ đã có bản Kết luận điều tra số 20/KLĐT về vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Khoản 4, Điều 139 Bộ luật Hình sự xảy ra tại Cty Kính Đạt, trong đó nêu: Cty Kính Đạt mặc dù không được cơ quan có thẩm quyền cấp phép hoạt động tín dụng, huy động tiền gửi tiết kiệm như các tổ chức tín dụng, nhưng Khổng Văn Phú và vợ thông báo rộng rãi thông tin Cty Kính Đạt nhận tiền gửi với lãi suất cao hơn lãi suất ngân hàng thời điểm hiện tại từ 1,5 - 2%/tháng.

Trong 2 năm 2011 và 2012, Cty Kính Đạt đã được 51 người dân gửi tiền vào với số tiền là 5.187.150.000 đồng. Số tiền này đã được vợ chồng Phú đầu tư vào xây dựng lò gạch tuynel tại xã An Đạo và chi tiêu cá nhân.

Cơ quan CSĐT cho rằng đây là hoạt động nhận tiền gửi chứ không phải là hoạt động vay nợ thông thường, chỉ các tổ chức tín dụng và ngân hàng mới được cấp phép hoạt động theo Luật Các Tổ chức tín dụng.

Điều đáng ngạc nhiên là, những người dân cho Cty Kính Đạt vay lại cho rằng họ không bị lừa. Thậm chí, đa số họ (50/51) viết đơn đề nghị có xác nhận của chính quyền địa phương gửi tới các cơ quan tố tụng tỉnh Phú Thọ sớm xem xét giải quyết tạo điều kiện cho vợ chồng Hòa, Phú sản xuất kinh doanh để có tiền trả nợ cho họ vì Cty Kính Đạt không lừa họ.

Nhà máy Gạch Tuynel An Đạo của Cty Kinh Đạt đang được đầu tư xây dựng hàng chục tỷ đồng nhưng đã trở nên tan hoang khi Cơ quan Công an tỉnh Phú Thọ khởi tố giám đốc. Ảnh: ND

Bản án Sơ thẩm 33/2016/HSST nêu rõ: “Căn cứ các chứng cứ có trong hồ sơ và lời khai những người tham gia tố tụng tại phiên tòa, Hội đồng Xét xử thấy: Cty Kính Đạt được Sở Kế hoạch và Đầu tư Phú Thọ cấp giấy phép kinh doanh nhiều ngành nghề nhưng không được cấp giấy phép cho hoạt động tín dung, ngân hàng. Khổng Văn Phú đã tự thiết kế sổ gửi tiền về hình thức gần giống với sổ tiết kiệm để huy động vốn nhằm mục đích sản xuất kinh doanh cho công ty, thực chất là công ty gia đình Phú, Hòa.

Cty Kính Đạt mua được Nhà máy Tuynel An Đạo chủ yếu bằng nguồn vốn vay của Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lâm Thao. Khổng Văn Phú muốn phát triển sản xuất nên đã lập dự án đầu tư nâng cấp nhà máy sau khi được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được thuê. 

Ngoài nguồn vốn huy động trong dân, Phú còn lập dự án để vay thêm ngân hàng nhưng không được vay dẫn đến Cty Kinh Đạt lâm vào tình trạng khó khăn, Khổng Văn Phú, Chử Thị Hòa bị bắt tạm giam do đó Cty Kính Đạt đã không còn hoạt động. Nợ gốc, nợ lãi ngày càng lớn, không còn khả năng thanh toán.

Như vậy, hành vi của Khổng Văn Phú, Chử Thị Hòa mang danh nghĩa Cty Kính Đạt huy động tiền gửi của 51 người dân dưới hình thức huy động vốn như một tổ chức tín dụng, ngân hàng. Ngoài hoạt động đầu tư để sản xuất kinh doanh, Cty Kính Đạt còn hoạt động cho vay tiền không đúng giấy phép kinh doanh đã được Sở Kế hoạch và Đầu tư Phú Thọ cấp giấy phép là hoạt động kinh doanh trái phép. 

Với số tiền đã huy động là 5.187.150.000 đồng và mang danh nghĩa công ty thì hành vi của Khổng Văn Phú và Chử Thị Hòa phạm vào điểm a,c khoản 2 Điều 159 Bộ luật hình sự về tội "kinh doanh trái phép” chứ không cấu thành tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” như Viện Kiểm sát truy tố và cũng không phải là không phạm tội hình sự như quan điểm bào chữa của các luật sư. 

Một số người gửi tiền đề nghị được tự giải quyết với Phú và Hòa, họ coi là quan hệ dân sự không yêu cầu giải quyết về hình sự không được chấp nhận.

So sánh điều 139 Bộ luật Hình sự và Điều 159 Bộ luật Hình sự thì Điều 159 Bộ luật Hình sự quy định hình phạt nhẹ hơn nên Hội đồng Xét xử áp dụng điều luật nhẹ hơn để xét xử các bị cáo là phù hợp. Do xét xử các bị cáo về tội "kinh doanh trái phép” nên tư cách tham gia tố tụng của những người gửi tiền cho Cty Kính Đạt là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, không phải là người bị hại”.

Tại phiên tòa phúc thẩm lần này, Hội đồng Xét xử đã tuyên Khổng Văn Phú, Chử Thị Hòa phạm tội "kinh doanh trái phép” nhưng được cho miễn trách nhiệm hình sự và giảm nhẹ hơn trách nhiệm dân sự so với phiên tòa sơ thẩm.

Nam Dũng