Sáng 6/6, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội và làm rõ các nội dung đại biểu nêu hai ngày qua.

Trước khi trả lời chất vấn, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cập nhật những kết quả nổi bật về kinh tế xã hội tháng 5 và những giải pháp trọng tâm mà Chính phủ tập trung triển khai để giải quyết những vấn đề mà Quốc hội, đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân quan tâm.

Khắc phục tình trạng đùn đẩy, sợ trách nhiệm của cán bộ

Theo ông Trần Hồng Hà, tình hình kinh tế trong 5 tháng đầu năm đạt nhiều kết quả tính cực. Lạm phát tiếp tục được kiểm soát; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân tăng 4,03% (trong ngưỡng Quốc hội giao 4-4,5%).

Kinh tế duy trì đà phục hồi tốt ở cả ba khu vực. Trong đó, chỉ số sản xuất công nghiệp 5 tháng đầu năm tăng 6,8% (trong khi, năm 2023 giảm 2%). Nông nghiệp phát triển ổn định. Dịch vụ tiếp tục tăng mạnh.

Kim ngạch xuất nhập khẩu 5 tháng đạt trên 305,5 tỷ USD tăng 16,6%; xuất siêu trên 8,01 tỷ USD. Thu ngân sách Nhà nước 5 tháng đạt 52,8% dự toán, tăng 14,8%.

Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký mới vào Việt Nam đạt 7,9 tỷ USD, tăng 27,5% so với cùng kỳ và cao nhất trong 3 năm qua; vốn FDI thực hiện đạt 8,25 tỷ USD, tăng 7,8% và cao nhất trong 5 năm qua. Giải ngân vốn đầu tư công đạt 22,3% kế hoạch, cao hơn cùng kỳ năm trước.

“Phát triển doanh nghiệp có xu hướng tích cực, gần 20 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động trong tháng 5, cao hơn số doanh nghiệp ngừng hoạt động và giải thể”, lãnh đạo Chỉnh phủ nhấn mạnh.

Nhiều giải pháp trong điều hành kinh tế vĩ mô đã được Phó Thủ tướng nêu trước Quốc hội.

Trong đó, ông nhấn mạnh Chính phủ tập trung hoàn thiện thể chế để khơi thông các nguồn lực, lành mạnh hóa các thị trường; đẩy mạnh cải cách hành chính, phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi, tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực.

“Khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm của cán bộ, công chức; có cơ chế đánh giá cán bộ dựa trên kết quả cụ thể, gắn đánh giá thực chất với đào tạo, quy hoạch, bổ nhiệm và thực hiện các chính sách khác đối với cán bộ”, theo Phó Thủ tướng.

Song song, là phát huy tinh thần chủ động, tích cực, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Hỗ trợ doanh nghiệp, khoan thư sức dân

Chính phủ ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; điều hành tỷ giá, lãi suất phù hợp với tình hình thị trường và mục tiêu đề ra nắm chắc tình hình để cân đối cung cầu, nhất là các mặt hàng xăng, dầu, hàng hóa thiết yếu.

Đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ, người dân, doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ để khoan thư sức dân, khôi phục niềm tin, đẩy mạnh đầu tư sản xuất, kinh doanh, cũng là giải pháp Chính phủ đưa ra.

“Ngay trong tháng 6, Chính phủ sẽ ban hành nghị định về gia hạn thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, giảm lệ phí trước bạ ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, giảm tiền thuê đất, mặt nước để hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân phát triển sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng”, Phó Thủ tướng cho hay.

Về những vấn đề “nóng” mà đại biểu Quốc hội cử tri quan tâm, trong đó có thị trường vàng, Phó Thủ tướng cho hay, trước biến động phức tạp, tiềm ẩn nhiều rủi ro của thị trường này, Chính phủ, Thủ tướng đã có hàng loạt chỉ đạo, đôn đốc Ngân hàng Nhà nước khẩn trương thực hiện các giải pháp quản lý, bình ổn.

leftcenterrightdel
 Sáng 6/6, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội và làm rõ các nội dung đại biểu nêu hai ngày qua. Ảnh: P.Thắng

Các giải pháp bình ổn thị trường vàng như đấu thầu; tăng cường thanh tra, kiểm tra, kịp thời xử lý nghiêm vi phạm; chỉ đạo tổ chức thực hiện quy định về hóa đơn điện tử có kết nối dữ liệu với cơ quan thuế…

Từ ngày 3/6, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động bán vàng thông qua hệ thống 4 ngân hàng thương mại nhà nước. Kết thúc phiên ngày 5/6/2024, giá vàng SJC đã giảm, bán ra ở mức 77,98 triệu đồng/lượng (giảm 1 triệu đồng/lượng so với ngày 4/6).

Phó Thủ tướng cho hay, thời gian tới, Chính phủ chỉ đạo tập trung nghiên cứu, chủ động phản ứng chính sách kịp thời, triển khai quyết liệt các giải pháp bình ổn thị trường vàng, bảo đảm sử dụng các công cụ điều hành của nhà nước hiệu quả, hiệu lực, kịp thời.

Cạnh đó là sửa đổi, bổ sung Nghị định số 24 năm 2012 phù hợp với bối cảnh tình hình mới, bảo đảm thị trường vàng phát triển ổn định, lành mạnh, minh bạch, hiệu quả, hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội, ngăn chặn tình trạng vàng hóa nền kinh tế.

Đề xuất chính sách đột phá thu hút đầu tư công nghiệp đường sắt cao tốc

Vẫn theo Phó Thủ tướng, Chính phủ đã chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ, mạnh mẽ để chấn chỉnh tình trạng mất an toàn cháy nổ, gắn trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với việc đảm bảo công tác an toàn phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn; xử lý nghiêm các vi phạm.

Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương triển khai các biện pháp phòng chống tai nạn đuối nước ở trẻ em, tăng cường phổ biến kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước đến từng học sinh.

Đồng thời đẩy mạnh phong trào dạy bơi an toàn cho trẻ em; chú trọng công tác phối hợp giữa nhà trường với gia đình để quản lý, giám sát học sinh trong thời gian nghỉ học, nghỉ hè.

Cũng để bảo đảm môi trường an ninh, an toàn, lành mạnh, Phó Thủ tướng cho hay, Chính phủ đã chỉ đạo tăng cường phối hợp liên ngành trong công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, thực hiện đầy đủ, có hiệu quả các biện pháp phòng ngừa, truy xuất nguồn gốc, ngăn chặn thực phẩm không an toàn.

Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về nguy cơ và cách phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, nhất là tại các điểm, khu du lịch, thức ăn đường phố, nhà ăn tập thể của trường học, khu công nghiệp... cũng là nội dung đã được Chính phủ chỉ đạo.

Phó Thủ tướng cũng cho hay, tới đây sẽ tổng kết mô hình thí điểm Ban Quản lý an toàn thực phẩm và đề xuất mô hình cơ quan quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm ở địa phương.

Ngoài ra, Chính phủ đã chỉ đạo đẩy mạnh cơ cấu lại các ngành công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo. Đề xuất các cơ chế, chính sách đột phá nhằm thu hút đầu tư vào các lĩnh vực mới nổi như công nghiệp năng lượng tái tạo; công nghiệp đường sắt cao tốc; công nghiệp chip bán dẫn…

Vẫn theo Phó Thủ tướng, nhận thức được tầm quan trọng trong việc giải quyết những vấn đề vướng mắc đặt ra từ thực tiễn, khơi thông các nguồn lực cho phát triển, thời gian qua, Chính phủ đã tập trung cao độ để hoàn thành việc xây dựng các văn bản dưới luật của các Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng.

“Đến nay, các văn bản quy định chi tiết đã đủ điều kiện ban hành”, ông Trần Hồng Hà nói.

Ông cho biết, Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp này luật sửa đổi điều khoản thi hành cho phép các luật trên có hiệu lực thi hành từ ngày 01/8/2024 (sớm hơn 5 tháng).

Chính phủ cũng đề nghị xem xét thông qua các nghị quyết về: thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất mà đất đó không phải là đất ở; phân cấp cho Chủ tịch UBND cấp tỉnh phê duyệt kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh và Kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh.

Cạnh đó, đề xuất bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 Dự án Luật sửa đổi đổi các Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách, Luật Thuế.

“Đây là những giải pháp đặc biệt quan trọng để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hiện nay”, ông Trần Hồng Hà nói, Chính phủ mong muốn được Quốc hội, các đại biểu Quốc hội ủng hộ. 

Hương Giang