Theo thông lệ, sau phát biểu khai mạc kỳ họp của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Quốc hội sẽ nghe lãnh đạo Chính phủ trình bày báo cáo kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước. Trong đó, có nội dung về tình hình phòng, chống dịch COVID -19, đánh giá tác động của đại dịch đến phát triển kinh tế - xã hội, các giải pháp ứng phó và phương án phát triển kinh  tế - xã hội.

Tiếp đó, Quốc hội nghe báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 9; báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 8...

Những nỗ lực không mệt mỏi

Có thể nói, đến nay, Việt Nam đã kiểm soát và cơ bản đẩy lùi được dịch bệnh COVID -19 khi nước ta không có ca nhiễm mới trong cộng đồng, chưa có trường hợp nào tử vong, được quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.

Qua “kênh” của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, báo cáo trình bày tại phiên họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chuẩn bị cho kỳ họp 9 cho thấy, cử tri và nhân dân bày tỏ sự cảm ơn, trân trọng về những nỗ lực không mệt mỏi của Chính phủ, các bộ ngành, các địa phương, nhất là của ngành Y tế, lực lượng Quân đội, Công an, của cán bộ ở cơ sở và các lực lượng khác đã rất vất vả, quên mình trên tuyến đầu chống dịch.

Cử tri và nhân dân cũng ghi nhận, đánh giá cao Đảng, Nhà nước đã chủ động, linh hoạt trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ “kép”: Vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội.

Theo báo cáo của Chính phủ, trong bức tranh “ảm đạm”, suy thoái của nền kinh tế toàn cầu, Việt Nam vẫn có một số điểm sáng. Đó là, kinh tế vĩ mô 4 tháng đầu năm giữ ổn định; lạm phát được kiểm soát; xuất khẩu đạt 82,94 tỷ USD, tăng 4,7%, trong đó khu vực trong nước tăng 12,1%, xuất siêu khoảng 3 tỷ USD; thương mại điện tử được đẩy mạnh…

Đặc biệt, người dân chia sẻ, đùm bọc nhau vượt qua khó khăn giữa đại dịch, như các "ATM gạo” đã để lại ấn tượng đẹp về hình ảnh Việt Nam.

Vẫn còn những lo lắng!

Dịch COVID -19 bùng phát đã tác động tiêu cực đến mọi khía cạnh của đời sống kinh tế, xã hội.

Tăng trưởng GDP quý I năm 2020 đạt mức thấp nhất trong 10 năm qua, trong đó tất cả các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ đều bị tác động và giảm.

Nhiều lao động bị cắt giảm, mất việc làm, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động thấp kỷ lục trong 10 năm qua, tỷ lệ thiếu việc làm tăng cao nhất trong 5 năm trở lại đây, tỷ lệ thất nghiệp có xu hướng tăng.

Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, 4 tháng đầu năm, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới giảm 13,2% so với cùng kỳ năm trước.

Đáng chú ý là số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn lên tới 22.700, tăng 33,6%; gần 14.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể. Cũng trong thời gian này có 5.100 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể.

“Một số ngành, lĩnh vực đình trệ hoặc đóng băng, gần như không có hoạt động sản xuất, kinh doanh như các ngành thương mại, dịch vụ, du lịch, vận tải, nhất là vận tải hàng không, ăn uống, lưu trú, vui chơi, giải trí…”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho hay.

Thêm vào đó, trong bối cảnh đại dịch, một số cán bộ lại lợi dụng việc đấu thầu, mua sắm thiết bị y tế để trục lợi, gây bất bình trong nhân dân. Cụ thể là vụ việc “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội thuộc Sở Y tế Hà Nội, Công ty Cổ phần Định giá và bán đấu giá tài sản Nhân Thành, Công ty TNHH Vật tư khoa học và thương mại Việt Nam (MST) và các đơn vị liên quan lợi dụng chính sách phòng, chống dịch của Chính phủ nâng khống giá trị gói thầu mua sắm máy xét nghiệm COVID -19. Một Uỷ viên Thường vụ Quốc hội phải thốt lên rằng: "Trời ơi! Cả nước lo chống dịch vậy mà mấy ông đi nâng giá thiết bị lên để lấy "ăn". Nghe mà đau!"

Bên cạnh vấn đề COVID -19, tình hình tội phạm cướp của, giết người, lừa đảo, tín dụng đen, buôn bán, vận chuyển trái phép ma túy còn diễn biến phức tạp hay tình trạng băng nhóm tội phạm có tính chất xã hội đen lộng hành tại một số địa phương… khiến cử tri, nhân dân lo lắng.

Do diễn biến của dịch COVID -19 nên kỳ họp được chia làm 2 đợt. Đợt 1 (từ 20-29/5) họp trực tuyến qua cầu truyền hình từ Nhà Quốc hội đến 63 đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đợt 2 (8-18/6) họp tập trung tại Nhà Quốc hội.

Là kỳ họp giữa năm, Quốc hội dành 10 ngày cho công tác xây dựng pháp luật. Theo đó, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 10 dự án luật, 5 dự thảo nghị quyết như Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP); Luật Doanh nghiệp (sửa đổi); Luật Đầu tư (sửa đổi); Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa một bên là Cộng hòa XHCN Việt Nam và một bên là Liên minh châu Âu và các nước thành viên Liên minh châu Âu (EVIPA)…

Cùng với đó, cho ý kiến 6 dự án luật khác như Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi); Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính; Luật Cư trú (sửa đổi)…

Đáng chú ý, Quốc hội sẽ không tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn tại phiên toàn thể. Nhưng quyền chất vấn của các đại biểu Quốc hội vẫn được thực hiện bằng cách gửi văn bản, các bộ trưởng, thành viên Chính phủ sẽ trả lời theo quy định.

Tại kỳ họp này, Quốc hội cũng sẽ thành lập Hội đồng Bầu cử quốc gia; tiến hành miễn nhiệm chức Phó Thủ tướng đối với ông Vương Đình Huệ và Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng ban Dân nguyện đối với bà Nguyễn Thanh Hải do đã được điều động nhận công tác khác.

“Nói chung việc miễn nhiệm là tốt chứ không có vấn đề gì cả. Nếu bị kỷ luật, Quốc hội phải bãi nhiệm mới là vấn đề”, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết như vậy tại buổi họp báo thông tin về kỳ họ

Hương Giang