Sáng ngày 15/5, tiếp tục chương trình làm việc, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2019; đánh giá tình hình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2020.

Hai kịch bản tăng trưởng đã đủ chưa?

Trên cơ sở dự báo tình hình, rà soát và tính toán các cân đối lớn, ước khả năng thực hiện, Chính phủ đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng.

Kịch bản 1, Việt Nam đã cơ bản khống chế và kiểm soát dịch từ nửa cuối tháng 4/2020 và các quốc gia là đối tác thương mại, đầu tư quan trọng với Việt Nam trong quý III/2020 thì dự kiến GDP tăng khoảng 4,4-5,2% so với năm 2019 (thấp hơn 1,6-2,4 điểm phần trăm so với mục tiêu đề ra là 6,8%).

Kịch bản 2, GDP dự kiến tăng khoảng 3,6-4,4% so với năm 2019 (thấp hơn 2,4-3,2 điểm phần trăm) nếu Việt Nam cơ bản khống chế và kiểm soát dịch từ nửa cuối tháng 4/2020 và các quốc gia là đối tác thương mại, đầu tư quan trọng với Việt Nam trong quý IV/2020).

Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, yêu cầu điều chỉnh mục tiêu của năm 2020 là cần thiết và phù hợp với tình hình thực tế khách quan. Theo đó, dự kiến điều chỉnh GDP tăng khoảng 4,5%, nỗ lực phấn đấu đạt mức tăng cao hơn.

"Trường hợp tình hình thế giới thuận lợi, dịch bệnh được kiểm soát tốt, thị trường quốc tế phục hồi, phấn đấu đạt mức tăng 5,4%, nhằm bảo đảm mục tiêu tăng trưởng GDP bình quân 5 năm giai đoạn 2016-2020 là 6,5%", ông Dũng nêu.

Ở vị trí điều hành phiên thảo luận, theo nhận định của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Việt Nam dập dịch trong nước tốt nhưng tình hình nước ngoài vẫn phức tạp, chưa cải thiện.

Ông đặt vấn đề, lúc này, kịch bản đưa ra phải thế nào? Các giải pháp về kinh tế, tín dụng, ngân sách, thuế… đã thực tế chưa? Hai kịch bản tăng trưởng Chính phủ đưa ra đã đủ chưa, hay cần thêm kịch bản dự báo cho tình huống xấu hơn nữa?

Nhắc lại báo cáo của Chính phủ có nội dung “điều chỉnh chỉ tiêu năm 2020 là cần thiết”, theo quan điểm của Phó Chủ tịch Quốc hội, Chính phủ phải có tờ trình gửi Quốc hội, cấp có thẩm quyền lý giải tại sao điều chỉnh chỉ tiêu GDP; rồi các chỉ số bội chi, nợ công sẽ thế nào?

leftcenterrightdel
 Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển. Ảnh: TN

Ông Hiển đề nghị, các Uỷ viên Thường vụ Quốc hội nêu quan điểm có thay đổi chỉ tiêu hay không? Điều chỉnh thì điều chỉnh gì? Nhiệm vụ cụ thể ra sao?

Cái gì “biến nguy thành cơ” phải tận dụng

Cho ý kiến sau đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đề nghị các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội có ý kiến về việc Chính phủ xin điều chỉnh chỉ tiêu kinh tế - xã hội.

Theo bà Ngân, chỉ tiêu trong nghị quyết của Quốc hội là cụ thể hóa từ nghị quyết của Trung ương. Vì vậy, muốn điều chỉnh thì phải xin ý kiến cấp có thẩm quyền.

“Nếu muốn điều chỉnh phải làm quy trình, xin cấp có thẩm quyền, phải xin Trung ương. Mặt khác, thời gian có mấy ngày họp Quốc hội, mà chưa báo cáo, chưa thẩm định, qua mấy tháng cũng chưa có cơ sở”, bà Ngân nêu ý kiến.

Theo Chủ tịch Quốc hội, kịch bản tăng trưởng mà Chính phủ đưa ra khá lạc quan dựa trên kết quả phòng, chống dịch khá tốt trong thời gian vừa qua. Tuy nhiên, các đối tác kinh tế, thương mại lớn của Việt Nam thì vẫn còn lao đao.

“Thế chúng ta mua bán với ai? Xuất khẩu, nhập khẩu với ai? Du lịch thì vẫn chưa cho người vào”, bà Ngân nói.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, bây giờ cần nỗ lực cao nhất để hạn chế việc sụt giảm. “Lạc quan có mức độ nhưng nỗ lực phấn đấu là phải tột độ”, bà Ngân nói và lưu ý trong bối cảnh hiện nay, cái gì từ biến nguy thành cơ được thì phải tận dụng.

“Không có chuyện Quốc hội không chịu điều chỉnh chỉ tiêu. Quốc hội sẵn sàng nhưng phải có cấp thẩm quyền bật đèn xanh và phải có thời gian để thẩm định, đánh giá. Chúng ta mới bước qua tháng 5 nửa tháng, đánh giá chưa kỹ. Việc bây giờ phải cố gắng hết sức”, Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

Giải trình, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói, các kịch bản kinh tế đưa ra dựa trên những giả định tình hình dịch bệnh, phục hồi kinh tế, thị trường thế giới.

“Việc Chính phủ đưa ra một số dự kiến điều chỉnh, như GDP ở mức 4,5% là để chủ động điều hành”, ông Dũng phát biểu.

Bộ trưởng Kế hoạch cũng cho biết, Chính phủ đã báo cáo Bộ Chính trị đề án phục hồi kinh tế sau dịch bệnh, trong đó có đề cập đến việc dự kiến điều chỉnh GDP, nợ công… Tuần tới Bộ Chính trị sẽ họp, cho ý kiến. Trên cơ sở này, nếu Bộ Chính trị đồng ý, Chính phủ sẽ có tờ trình gửi Quốc hội.

Kết luận, theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, việc điều chỉnh các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội là vấn đề lớn. Chính phủ chưa trình, chưa đề xuất ra mà mới nêu vấn đề cần thiết. Hơn nữa, hiện chưa đánh giá tác động nên chưa có căn cứ, cơ sở trình ra Quốc hội để điều chỉnh tại kỳ họp tháng 5 (kỳ họp 9).  

Tuy nhiên, ông Hiển cho rằng, Chính phủ có thể đề nghị Quốc hội cho một số nguyên tắc trong điều hành, nếu có gì biến động gì báo cáo cấp có thẩm quyền và trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 10.

Hương Giang