Sáng ngày 15/5, tiếp tục chương trình làm việc, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2019; đánh giá tình hình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2020.

Kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái

Trình bày báo cáo, Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho hay, so với số đã báo cáo, kết quả thực hiện 12 chỉ tiêu chủ yếu của năm 2019 có 7 chỉ tiêu vượt và 5 chỉ tiêu đạt mục tiêu kế hoạch, tăng thêm 2 chỉ tiêu vượt kế hoạch.

Đó là, tốc độ tăng GDP đạt 7,02% (số đã báo cáo khoảng 6,8%) và tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 8,4% (số đã báo cáo khoảng 7,9%)

Bước sang năm 2020, tác động cộng hưởng từ suy giảm kinh tế thế giới cuối năm 2019 và đại dịch Covid -19 đã đẩy nền kinh tế toàn cầu rơi vào tình trạng suy thoái, tác động dây chuyền có khả năng dẫn tới các cuộc khủng hoảng về năng lượng, nhiên liệu, tài chính tiền tệ.

Trong nước, đến tình hình dịch Covid-19 cơ bản được không chế, chưa có trường hợp tử vong. Song, nền kinh tế bị ảnh hưởng hết sức nặng nề. Quý I năm 2020, tăng trưởng GDP đạt thấp, trong đó tất cả các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ đều bị tác động và giảm.

“Nhiều lao động bị cắt giảm, mất việc làm, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động thấp kỷ lục trong 10 năm qua, tỷ lệ thiếu việc làm tăng cao nhất trong 5 năm trở lại đây, tỷ lệ thất nghiệp có xu hướng tăng”, Bộ trưởng Dũng cho biết.

Hiện tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia. Theo tư lệnh ngành Kế hoạch Đầu tư, các biện pháp giãn cách xã hội, đóng cửa biên giới sẽ tiếp tục ảnh hướng đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam với các đối tác chính trong thời gian tới.

Đáng chú ý, đại dịch Covid-19 dẫn đến xu hướng gia tăng cạnh tranh giữa Việt Nam - Trung Quốc do xu hướng các nước dịch chuyển hoạt động từ Trung Quốc sang Việt Nam và căng thẳng biển Đông sẽ gia tăng do Trung Quốc lợi dụng các nước đang tập trung chống dịch Covid-19 để gia tăng tầm ảnh hưởng và sự bành trướng trên biển Đông…

2 kịch bản tăng trưởng

Trên cơ sở dự báo tình hình, rà soát và tính toán các cân đối lớn, ước khả năng thực hiện, Chính phủ đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng.

Kịch bản 1, Việt Nam đã cơ bản khống chế và kiểm soát dịch từ nửa cuối tháng 4/2020 và các quốc gia là đối tác thương mại, đầu tư quan trọng với Việt Nam trong quý III/2020 thì dự kiến GDP tăng khoảng 4,4-5,2% so với năm 2019 (thấp hơn 1,6-2,4 điểm phần trăm so với mục tiêu đề ra là 6,8%).

Kịch bản 2, Việt Nam đã cơ bản khống chế và kiểm soát dịch từ nửa cuối tháng 4/2020 và các quốc gia là đối tác thương mại, đầu tư quan trọng với Việt Nam trong quý IV/2020 thì GDP dự kiến tăng khoảng 3,6-4,4% so với năm 2019 (thấp hơn 2,4-3,2 điểm phần trăm).

Bộ trưởng Dũng cho rằng, yêu cầu điều chỉnh mục tiêu của năm 2020 là cần thiết và phù hợp với tình hình thực tế khách quan. Theo đó, dự kiến điều chỉnh GDP tăng khoảng 4,5%, nỗ lực phấn đấu đạt mức tăng cao hơn.

"Trường hợp tình hình thế giới thuận lợi, dịch bệnh được kiểm soát tốt, thị trường quốc tế phục hồi, phấn đấu đạt mức tăng 5,4%, nhằm bảo đảm mục tiêu tăng trưởng GDP bình quân 5 năm giai đoạn 2016-2020 là 6,5%", ông Dũng nêu.

Bên cạnh đó, Chính phủ cho rằng, cần điều chỉnh tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân khoảng 4% (trước đây là dưới 4%); tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 4% (trước đây là khoảng 7%); bội chi ngân sách nhà nước bằng khoảng 4,75% GDP (tăng 1,31% so với mục tiêu đề ra); tỷ lệ nợ công bằng khoảng 55,5% GDP (tăng 3,2% so với mục tiêu đề ra)…

Đánh giá lại các cân đối lớn của nền kinh tế

Thẩm tra báo cáo, Thường trực Ủy ban Kinh tế đánh giá cao những nỗ lực và hiệu quả từ các giải pháp mà Chính phủ đã và đang thực hiện.

Bên cạnh tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nêu trong nghị quyết của Quốc hội, theo Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, Chính phủ cần chủ động xây dựng các kịch bản phát triển kinh tế - xã hội trong ngắn hạn, dài hạn; đánh giá lại các chỉ tiêu, các cân đối lớn của nền kinh tế cho cả năm 2020 và cho cả giai đoạn 2016-2020.

Cùng với đó, tiếp tục phòng, chống dịch Covid-19 quyết liệt, kiểm soát chặt các nguồn lây nhiễm từ nước ngoài, không để dịch bệnh bùng phát, lây lan trở lại. Triển khai nhanh, có hiệu quả các gói kích cầu phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội, bảo đảm công khai, minh bạch. Thường xuyên kiểm tra, giám sát, thanh tra và xử lý nghiêm khắc, kịp thời các hành vi vi phạm nếu có xảy ra.

Về giải ngân vốn đầu tư công, theo đánh giá Uỷ ban Kinh tế, có chuyển biến tích cực. Tuy nhiên để hoàn thành mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 sẽ là thách thức lớn. Vốn giải ngân thực hiện một số công trình, dự án trọng điểm quốc gia còn chậm.

Uỷ ban đề nghị Chính phủ tập trung xử lý các điểm nghẽn, nút thắt về đất đai, thủ tục hành chính, thể chế, tháo gỡ khó khăn cho các dự án đầu tư chậm giải ngân; triển khai nhanh các dự án đầu tư công, nhất là đối với các dự án, công trình trọng điểm quốc gia có tác động lan tỏa lớn (dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành, đường sắt đô thị Hà Nội, TP Hồ Chí Minh).

Hương Giang