Buộc mua bảo hiểm nhân thọ khi đến ngân hàng vay tiền

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho hay, tiếp thu ý kiến đại biểu tại kỳ họp 6, dự thảo luật đã được chỉnh lý quy định theo hướng: “Ngân hàng thương mại được thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm theo quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm, phù hợp với phạm vi hoạt động đại lý bảo hiểm theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước”.

Nêu ý kiến đại biểu Phạm Đức Thịnh (đoàn Bắc Giang) thấy “vẫn còn băn khoăn” và kể câu chuyện tình cờ gặp khiến ông tiếp tục phát biểu về việc ngân hàng làm đại lý bảo hiểm.

“Vì khoản nợ phải trả, một người phụ nữ phải đến ngân hàng thương mại cầm cố sổ đỏ để vay 300 triệu đồng nhưng phải mua bảo hiểm nhân thọ 20 triệu đồng, chỉ còn lại 280 triệu đồng, bước ra khỏi ngân hàng mà 2 hàng nước mắt chảy dài kèm tiếng khóc nấc”, ông Thịnh nói.

Đại biểu nhắc lại các vấn đề đã nêu như mức chiết khấu tối đa cho đại lý là 40% cho phí bảo hiểm năm đầu; các ngân hàng liên kết làm đại lý bảo hiểm có hiện tượng gợi ý, ép khách hàng vay vốn phải mua bảo hiểm nhân thọ với mức đóng 1 năm bằng từ 2-4% giá trị khoản vay. Các nhân viên ngân hàng cũng được giao chỉ tiêu số hợp đồng bảo hiểm và doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ.

Cạnh đó, ông Thịnh cung cấp thêm các thông tin mới.

Theo ông, từ kết luận thanh tra của Bộ Tài chính với các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ cho thấy, tỷ lệ huỷ hợp đồng sau năm đầu tiên của khách hàng lên tới 70%. Trong khi, huỷ năm đầu, khách hàng mất số phí đã nộp.

“Chỉ tính riêng 1 công ty bảo hiểm nhân thọ bán qua 1 ngân hàng thương mại đã có số phí bảo hiểm khách hàng huỷ sau năm đầu tiên khoảng 2.000 tỷ đồng”, ông Thịnh nêu.

Chưa kể, nhiều ngân hàng còn gợi ý khách hàng vay vốn nộp phí 2 năm đầu thì số tiền khách hàng vay vốn phải bỏ thêm còn lên đến 4-8% giá trị khoản vay. Như vậy, lãi suất thực của vốn đưa ra nền kinh tế do phải mua thêm bảo hiểm nhân thọ có thể tăng lên 50 - 100% trong 2 năm đầu so với lãi suất trên hợp đồng tín dụng.

leftcenterrightdel
  Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng, không nên cho phép ngân hàng thương mại liên doanh với công ty bảo để để bán bảo hiểm nhân thọ. Ảnh: P.Thắng

Đáng chú ý, đại biểu Thịnh thông tin, số tiền công ty bảo hiểm trả cho ngân hàng thương mại chiếm tỷ lệ lớn trong thu nhập sau thuế của ngân hàng. Cụ thể, Vietcombank có lợi nhuận trước thuế 23.050 tỷ đồng thì phí trả trước cho hợp đồng hợp tác độc quyền bán bảo hiểm nhân thọ là 9.200 tỷ đồng; của ACB là 9.596 tỷ đồng thì phí trả trước ngân hàng được hưởng là 8.400 tỷ đồng...

Số tiền trên còn chưa tính “hoa hồng” đại lý trên số phí bảo hiểm được hưởng theo quy định của kinh doanh bảo hiểm.

Với thực tiễn và lợi ích lớn trên, ông Thịnh nhận định, quy định như dự thảo sẽ không có gì đảm bảo được tình trạng chèn ép khách hàng vay vốn mua bảo hiểm hoặc lợi dụng sự thiếu hiểu biết của khách hàng có tiền gửi tiết kiệm để mua sản phẩm bảo hiểm nhân thọ như thời gian qua.

“Việc bán chéo bảo hiểm nhân thọ qua ngân hàng thương mại dễ dàng đã kéo các ngân hàng thương mại, các công ty bảo hiểm nhân thọ bỏ qua các ranh giới nghề nghiệp, xoá bỏ uy tín được tích luỹ để bước vào vòng xoáy tìm kiếm lợi nhuận”, đại biểu Thịnh phát biểu.

Từ đó, ông đề nghị nếu không cấm bán chéo bảo hiểm nhân thọ qua ngân hàng thương mại thì dự thảo luật cần bổ sung quy định giao Chính phủ ban hành văn bản quy định việc kinh doanh sản phẩm bảo hiểm mà ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng làm đại lý để đảm bảo công khai, minh bạch.

"Không nên vì những chuyện nọ, chuyện kia mà cấm"

Chung mối quan tâm, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng, không nên cho phép ngân hàng thương mại liên doanh với công ty bảo để để bán bảo hiểm nhân thọ. “Hệ lụy đã xảy ra rồi, đến nay theo tôi biết đang còn dai dẳng”, ông Hòa nói, khi đã thành lập công ty bảo hiểm phải có trụ sở, nhưng thực tế lại không có.

Cho hay “khi liên kết với công ty bảo hiểm, ngân hàng được chi hoa hồng rất cao”, theo đại biểu Hòa, nhân viên ngân hàng phải bằng mọi cách vận động khách hàng vay phải mua bảo hiểm. “Tôi nói ở đây rất khách quan vì có quen biết mấy anh làm ngân hàng. Nhân viên ngân hàng rất than vãn về chuyện bán bảo hiểm”, đại biểu Hòa phát biểu.

leftcenterrightdel
 Đại biểu Phạm Đức Ấn, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Ngân hàng Agribank

Tuy nhiên, đại biểu Phạm Đức Ấn, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Ngân hàng Agribank lại cho rằng việc ngân hàng làm đại lý cho bảo hiểm là vấn đề quốc tế đang làm.

“Chúng ta không nên vì những chuyện nọ, chuyện kia mà cấm, cần có cơ chế giám sát và bảo đảm quyền lợi các bên liên quan”, ông nói.

Trao đổi thêm bên hành lang, ông Ấn cho hay bảo hiểm hiện có hai loại là bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ. Ngân hàng có mạng lưới rộng, nhân lực nhiều thì việc kết hợp với bảo hiểm sẽ tận dụng nguồn lực, và hiện nhiều nước vẫn đang thực hiện.

Còn trường hợp ngân hàng lạm dụng, ép buộc khách hàng mua bảo hiểm, ông Ấn nói, đó là “vi phạm”. Do đó, dự thảo luật lần này nêu vấn đề là thực hiện theo quy định Luật Bảo Hiểm (sửa đổi), tức ép buộc khách hàng là vi phạm luật và giao Ngân hàng Nhà nước quy định cụ thể, đảm bảo tính chặt chẽ.

Về các điều khoản liên quan hợp đồng bảo hiểm, theo ông Ấn, phải đảm bảo quy định của Luật Bảo hiểm (sửa đổi). “Hợp đồng bảo hiểm có đảm bảo quy định của pháp luật, bảo vệ được người tham gia bảo hiểm hay không là ở Luật Bảo hiểm, chứ không phải Luật Các tổ chức tín dụng”, ông Phạm Đức Ấn nhấn mạnh.

Hương Giang