Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Quy mô nền kinh tế đạt 430 tỷ USD, dành được 680 nghìn tỷ thực hiện chính sách tiền lương mới

Hương Giang

Thứ hai, 20/05/2024 - 10:29

(Thanh tra) - Báo cáo trước Quốc hội tại phiên khai mạc kỳ họp 7 sáng 20/5, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho hay, quy mô nền kinh tế đạt 430 tỷ USD, Việt Nam bước vào nhóm các nước trung bình cao. Đặc biệt, đến hết năm 2023, đã dành được khoảng 680 nghìn tỷ đồng để thực hiện chính sách tiền lương mới.

Báo cáo trước Quốc hội, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, quy mô nền kinh tế đạt 430 tỷ USD, đã dành được 680 nghìn tỷ thực hiện chính sách tiền lương mới. Ảnh: P.Thắng

Khái quát đánh giá bổ sung, theo ông Lê Minh Khái, tình hình kinh tế - xã hội những tháng cuối năm 2023 tiếp tục phục hồi, tháng sau tích cực hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước, cơ bản đạt được mục tiêu tổng quát đề ra và đạt nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực.

Nhiều chỉ đạt cao hơn số đã báo cáo

Một số chỉ tiêu đạt cao hơn số đã báo cáo Quốc hội tại kỳ họp 6 vào tháng 10/2023 như tốc độ tăng GDP đạt 5,05% (cao hơn 0,05% điểm). Quy mô nền kinh tế đạt 430 tỷ USD, bước vào nhóm các nước trung bình cao.

Lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng bình quân (CPI) tăng 3,25% (số báo cáo năm trước khoảng 3,5%); thị trường tiền tệ, ngoại hối cơ bản ổn định, mặt bằng lãi suất giảm.

Với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu, nếu tại kỳ họp 6 báo cáo khoảng 15 tỷ USD, thì cập nhập bổ sung đã tăng lên, khi đạt 681 tỷ USD; xuất siêu 28,3 tỷ USD. Đời sống người dân không ngừng được cải thiện. Số hộ gia đình có thu nhập tăng lên và ổn định đạt 94,1%.

Đáng chú ý, theo Phó Thủ tướng, “tính đến hết năm 2023, đã dành được khoảng 680 nghìn tỷ đồng để thực hiện chính sách tiền lương mới”. Con số này cao hơn con số 560 nghìn tỷ đồng Chính phủ báo cáo vào cuối năm 2023.

Với những tháng đầu năm 2024, Chính phủ nhìn nhận, triển vọng kinh tế, thương mại toàn cầu có dấu hiệu khả quan hơn, là cơ hội thuận lợi cho phát triển. Trong nước, tăng trưởng kinh tế tiếp tục phục hồi, các hoạt động kinh tế xã hội diễn ra sôi động hơn.

Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Tăng trưởng GDP quý I/2024 đạt 5,66%, cao nhất trong giai đoạn 2020 - 2023. “Đây là nỗ lực lớn trong bối cảnh nền kinh tế gặp rất nhiều khó khăn”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 4 tháng tăng 3,93% so với cùng kỳ. Chính sách tiền tệ được điều hành linh hoạt, mặt bằng lãi suất giảm để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội được phát triển mạnh, nhất là các công trình hạ tầng giao thông, năng lượng quan trọng, trọng điểm quốc gia. Trong đó đã khởi công dự án đường bộ cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh, Hữu Nghị - Chi Lăng, mở rộng nhà ga T2 - cảng hàng không quốc tế Nội Bài; đưa vào khai thác đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt (30km), Cam Lâm - Vĩnh Hảo (79 km), nâng tổng số km đường bộ cao tốc đưa vào khai thác lên hơn 2.000 km.

Hoàn thành định giá 3 ngân hàng mua bắt buộc

Phó Thủ tướng cũng cho hay, những tháng đầu năm 2024, nhiều vấn đề, dự án tồn đọng, kéo dài được tập trung xử lý, đạt kết quả tích cực.

Trong đó, đã chuẩn bị hồ sơ, điều kiện để xem xét phê duyệt chủ trương chuyển giao bắt buộc các ngân hàng yếu kém, bảo đảm an toàn hệ thống.

Báo báo nêu cụ thể, đã hoàn thành định giá 3 ngân hàng mua bắt buộc và dự kiến trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án chuyển giao bắt buộc trong tháng 5, hoàn thành chuyển giao bắt buộc trong năm nay.

Cạnh đó, đề án cơ cấu lại Ngân hàng Phát triển Việt Nam được triển khai và đạt kết quả bước đầu. Ba nhà máy phân đạm (Hà Bắc, Ninh Bình và DAP số 2 Lào Cai) đang cơ cấu lại nợ vay, bước đầu đã có lãi, khi tổng doanh thu của 3 dự án nhà máy phân đạm đạt 3.937 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 75,2 tỷ đồng.

Bên cạnh kết quả đạt được, theo lãnh đạo Chính phủ, sức ép chỉ đạo điều hành kinh tế vĩ mô còn cao, nhất là trong kiểm soát lạm phát, điều hành lãi suất, tỷ giá; tăng trưởng tín dụng còn thấp; giá vàng thế giới và trong nước biến động mạnh.

Trong khi, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, người dân gặp nhiều khó khăn. Tiến độ một số dự án cao tốc, giao thông trọng điểm, giải phóng mặt bằng còn chậm. Một số cơ chế, chính sách, quy định, thủ tục hành chính còn chồng chéo, rườm rà, chậm được sửa đổi…

Những tồn tại, hạn chế nêu trên, Phó Thủ tướng nói nguyên nhân chủ yếu do kinh tế, chính trị thế giới biến động nhanh, phức tạp, khó lường, nhiều diễn biến chưa có tiền lệ, vượt dự báo, tạo áp lực lớn lên công tác chỉ đạo điều hành.

Nền kinh tế của nước ta thì đang chuyển đổi, quy mô còn khiêm tốn, xuất phát điểm thấp, năng lực nội tại còn hạn chế, sức chống chịu và tính cạnh tranh chưa cao, trong khi có độ mở lớn nên chịu nhiều tác động, ảnh hưởng từ các yếu tố bên ngoài.

“Những tồn tại, yếu kém nội tại của nền kinh tế kéo dài từ lâu, bộc lộ rõ hơn trong điều kiện khó khăn, trong đó có các thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán, ngân hàng yếu kém. Một số cán bộ, công chức còn chưa chủ động, quyết liệt, còn tâm lý né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm...”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, triệt để tiết kiệm chi ngân sách

Trước bối cảnh đó, nhiều giải pháp đã được Chính phủ đề ra. Trong đó, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, hài hòa các chính sách điều hành kinh tế vĩ mô.

Cạnh đó, tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính; triệt để tiết kiệm chi ngân sách Nhà nước, nhất là chi thường xuyên; rà soát, kiên quyết cắt giảm các nhiệm vụ chi chưa thực sự cần thiết.

Chính phủ cũng tiếp tục cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu, tập trung chuyển giao bắt buộc các ngân hàng yếu kém; tập trung xử lý các doanh nghiệp, dự án chậm tiến độ, thua lỗ kéo dài.

Đẩy nhanh tiến độ các công trình hạ tầng giao thông quan trọng quốc gia, liên vùng, nhất là thi công 1.000 km đường bộ cao tốc để phấn đấu đến năm 2025 đưa vào khai thác khoảng 3.000 km, là giải pháp tiếp theo.

Phó Thủ tướng cho biết, trong năm nay trong năm nay Chính phủ tiếp tục hoàn thiện bộ máy hành chính nhà nước trong sạch, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới quản lý công vụ, công chức, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có đủ phẩm chất, năng lực, liêm chính, thực sự là công bộc của Nhân dân.

Song song là triển khai chính sách tiền lương mới từ ngày 01/7/2024; hoàn thành sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 trong tháng 9/2024.

Chính phủ sẽ hoàn thiện các chế độ, chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài; khuyến khích cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung; khắc phục tình trạng đùn đẩy, sợ sai, sợ trách nhiệm, Phó Thủ tướng cho biết.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm