Tại các địa danh lịch sử mà chúng tôi bắt gặp trong dòng khách tham quan là những người lính, đầu đội mũ tai bèo; ngực lấp lánh huân chương; những người Mẹ Việt Nam Anh hùng đôi mắt ngấn lệ; những em học sinh, trên vai quàng khăn đỏ… Tất cả họ, đong đầy cảm xúc xen lẫn tự hào…

Tại Mường Phăng, nơi 70 năm về trước, Bộ Chỉ huy chiến dịch đã đưa ra những chỉ thị, mệnh lệnh tấn công có tính chất quyết định để làm nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
Du khách cảm phục sự tài tình của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và quân đội ta, từ việc chọn vị trí đặt Sở Chỉ huy đến bài trí các cơ quan phù hợp điều kiện tác chiến và bảo đảm bí mật, an toàn. Ảnh: PV

Theo những đoàn khách, được nghe thuyết minh và chứng kiến những hầm hào, lán trại liên hoàn làm bằng những vật liệu đơn sơ như cây tre, luồng, lá móc, lá gồi... có sẵn tại khu rừng Mường Phăng, chúng tôi càng cảm phục sự tài tình của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và quân đội ta, từ việc chọn vị trí đặt Sở Chỉ huy đến bài trí các cơ quan phù hợp điều kiện tác chiến và bảo đảm bí mật, an toàn.

Khu di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ cách thành phố Điện Biên Phủ khoảng 30km, bố trí dọc theo con suối nhỏ chạy quanh chân núi Pú Đồn, trên diện tích rừng tự nhiên khoảng 90km². Đây là địa điểm thứ 3 và là cuối cùng đặt Sở Chỉ huy, cơ quan đầu não của Chiến dịch Điện Biên Phủ trong 105 ngày (từ 31/1 - 15/5/1954). Trước đó, địa điểm thứ nhất của Sở Chỉ huy đặt tại hang Thẩm Púa, xã Chiềng Sinh, huyện Tuần Giáo trong 32 ngày; địa điểm thứ 2 đặt tại bản Huổi He, xã Nà Nhạn, huyện Điện Biên, thời gian 13 ngày.

Ngay lối vào khu rừng, là Trạm gác Sở Chỉ huy (bảo vệ Sở Chỉ huy chiến dịch vòng ngoài). Đi xuyên qua cánh rừng nguyên sinh, đến lán và hầm làm việc của Ban thông tin đảm bảo liên lạc, truyền đạt mệnh lệnh nhanh chóng, chính xác và bảo mật.

Đi sâu vào trong, gặp đường hầm xuyên núi, chiều dài 69m, nối lán của Đại tướng Võ Nguyên Giáp với lán của đồng chí Hoàng Văn Thái, Tham mưu Trưởng Chiến dịch Điện Biên Phủ. Lán tác chiến nơi theo dõi diễn biến chiến sự trên chiến trường của Ban Tác chiến và Ban Quân báo. Tại đây, vào 15 giờ chiều 7/5/1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp ra lệnh tổng công kích trên toàn mặt trận tiến công vào Sở Chỉ huy quân Pháp, bắt sống tướng Đờ Cát cùng toàn bộ Bộ tham mưu.

Từ căn hầm chỉ huy đi ra triền núi phía sau, lên đỉnh Pú Huốt, cao nhất trong quần thể núi rừng ở Mường Phăng là đài quan sát. Từ đây, có thể nhìn thấy toàn bộ thung lũng Mường Thanh với các cứ điểm đồi Him Lam, Độc Lập, D1, C1, A1, cầu Mường Thanh và hầm Đờ Cát. Mọi động tĩnh của quân Pháp tại tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ đều bị quân ta theo dõi.

70 năm sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, ngôi lán của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và khu rừng luôn được nhân dân các dân tộc xã Mường Phăng gìn giữ, bảo vệ.

Di tích Sở Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ được Đảng và Nhà nước đầu tư kinh phí trùng tu, tôn tạo nhiều hạng mục, trở thành địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống.

leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
Những người lính cựu chiến binh kính cẩn, nghiêng mình trước các nấm mồ liệt sỹ. Ảnh: TV 

Được xây dựng vào năm 1958 và nằm cách đồi A1 lịch sử vài trăm mét về phía Nam, nghĩa trang liệt sỹ là minh chứng cho tinh thần anh dũng, kiên cường của quân dân ta trong cuộc kháng chiến chống Pháp.

Nằm tại trung tâm thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, Nghĩa trang Liệt sỹ Điện Biên Phủ (Nghĩa trang A1) là một địa danh lịch sử thiêng liêng, nơi an nghỉ của 644 anh hùng liệt sỹ đã hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc trong Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954.

Được xây dựng vào năm 1958 và nằm cách đồi A1 lịch sử vài trăm mét về phía Nam, Nghĩa trang Liệt sỹ A1 là minh chứng cho tinh thần anh dũng, kiên cường của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Pháp.

Trong khuôn viên nghĩa trang có 4 ngôi mộ lớn được đặt trang trọng, ghi tên 4 liệt sĩ: Phan Đình Giót, Tô Vĩnh Diện, Bế Văn Đàn và Trần Can - những biểu tượng về tinh thần dũng cảm trong Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Nghĩa trang A1 là bài học sống cho các thế hệ mai sau, mãi mãi biết ơn các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh anh dũng để làm nên chiến thắng vĩ đại của dân tộc.

Từ cứ điểm A1, đi qua cầu Mường Thanh, sẽ tới hầm Đờ Cát. Hầm được thiết kế  xây dựng bằng những vật liệu vững chắc nhất lúc bấy giờ, có khả năng chống chọi với nhiều loại hỏa lực.

leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
Phân cảnh tướng Đờ Cát bị dẫn ra khỏi hầm trong bức tranh panorama về chiến dịch Điện Biên Phủ tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Ảnh: PV

Hầm Đờ Cát dài 20m, rộng 8m, bao gồm bốn gian. Đây là nơi làm việc và nghỉ ngơi của tướng Đờ Cát cùng bộ chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

Trong dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, hầm của viên tướng bại trận này là điểm tham quan của nhiều du khách trong và ngoài nước.

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: "Chiến thắng Điện Biên Phủ như là một mốc son chói lọi bằng vàng của lịch sử".

Trà Vân