SGK tiếng Việt lớp 1 NXB GD VN: Lỗi chồng lỗi 

Những sai sót trong 4 bộ SGK của NXBGD VN: “Kết nối tri thức với cuộc sống”, “Vì sự bình đẳng và dân chủ trong trường học”, “Chân trời sáng tạo” và “Cùng học để phát triển năng lực” đã nhận được nhiều ý kiến rất công tâm, đúng đắn, kịp thời của đại biểu Quốc hội, chuyên gia, báo chí, giáo viên, học sinh... nhưng phản hồi của Bộ GD&ĐT vẫn còn hạn chế. 

Theo Công văn ngày 30/11/2020 của NXB gửi Bộ GD&ĐT, cả 4 bộ SGK lớp 1, đặc biệt là tiếng Việt, đều phát hiện có sạn. NXB này kiến nghị xin được sửa trong lần tái bản tới (tức năm học 2021-2022).

Thực hiện chỉ đạo của Bộ GD&ĐT về việc rà soát lỗi và đăng ký bản quyền SGK lớp 1 theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, và chỉ sau khi báo chí, dư luận xã hội, giáo viên, phụ huynh phát hiện những sai sót và ồ ạt lên tiếng... NXBGD VN mới cho rà soát những sai sót trong các bộ sách tiếng Việt lớp 1. 

Kết quả, rà soát bộ sách lớp 1 “Kết nối tri thức với cuộc sống” phải chỉnh sửa nhiều nhất trong hơn 37 trang, gồm SGK tiếng Việt 1 (tập 1 và tập 2) và SGK Giáo dục thể chất 1.

Trong đó, SGK tiếng Việt 1 (tập 1) sửa ở 18 trang. Một số lỗi cụ thể như: Ngữ liệu “sách đâu ếch học bài?” trang 129 được đề nghị sửa thành “sách đâu em học bài?”; cắt giảm ngữ liệu “hàng bưởi ra bông trắng muốt” trang 152.

Đối với SGK tiếng Việt 1 (tập 2) sửa lỗi khoảng 16 trang. Một số lỗi cụ thể như: Ngữ liệu “thỏ có (…) vừa dài vừa to” trang 23 được đề nghị thành “thỏ có đôi tai (…)”; chỉnh yêu cầu từ “nghe viết” thành “nhìn viết” ở một số trang…

SGK Giáo dục thể chất 1 của Bộ sách "Kết nối tri thức với cuộc sống" cũng được NXBGD VN đề xuất sửa lại ở ba trang 32, 88, 89…

Cuốn sách tiếng Việt mang tên kết nối này hiện đang đi đầu trong top mang tên “thách đố trẻ em” vì sự khó và nhạt. Kết cấu của bộ sách quá nặng so với nhận thức và tâm lý trẻ em.  

Tuy nhiên, nếu chỉ cắt giảm mà không thay thế những ngữ liệu tắc tị, phản cảm, nhạt nhẽo như ví dụ sau đây  thì không thể chấp nhận được.

Đơn cử một vài ví dụ : 

Con gì ghi rõ là cha

Có chứa chữ số nhìn qua ngỡ rùa

Con gì quen vẻ già nua

Bốn chân ngắn ngủn, thỏ thua chả ngờ

(trang 79, tập 1) 

Để hiểu được câu đố, theo logic này, trẻ em phải có sự liên tưởng của người ngoài hành tinh: Con gì tên  rõ là “cha”. Ngay từ câu đầu tiên, đã thấy vô nghĩa và phản giáo dục: “Con (vật) gì” có tên gọi “cha” (bố)? Kho tàng văn học dân gian đã hết câu đố hay và giàu tính giáo dục đâu, mà bắt trẻ 6-7 tuổi phải buộc hiểu “con gì tên rõ là “cha”?

Trừ khi giáo viên nói toạc ra, cha ở đây không phải là người thân sinh, bố đẻ của các em, không phải là ba (má), mà là con ba ba, con rùa.  Những câu đố này thể hiện sự tối nghĩa, nghèo nàn về hình tượng, cẩu thả trong biên soạn và vô trách nhiệm với trẻ em. Vậy mà trong văn bản ngữ liệu đề nghị chỉnh sửa, NXBGD VN cương quyết không thay ngữ liệu này, mà cho phép  hoán vị rất nực cười: “con gì tên có chữ “ba”/ăn cua ăn cá nhìn qua ngỡ rùa...”. Việc ép vần lấy được đã khiến ngữ liệu tắc tỵ theo kiểu mới. Vẫn thiếu một từ “ba” nữa nhé, mới ra con “ba ba”, thưa Tổng Chủ biên Bùi Mạnh Hùng và các nhà biên soạn. Trẻ có cần ba, cha, ăn cua cá... để buộc hiểu đó là con rùa không? 

Văn bản vừa dở, vừa tắc tị, vừa phản cảm như vậy, hà cớ gì ông Bùi Mạnh Hùng và nhóm biên soạn lại khăng khăng giữ lại để cho các em phải chịu học một thảm họa của văn bản như vậy?

Không chịu kém, bài tập 2 (giải ô chữ) ở trang 167 còn có những câu bí hiểm, tắc tị  hơn. Ví dụ: “Ai ai cũng có / Chẳng nặng là bao? Bạn ơi đi đâu / Nhớ mang theo nhé. (Là gì?)” Không biết cái mà “ai ai cũng có, chẳng nặng là bao, đi đâu cũng mang theo” này là cái gì, gợi người ta suy diễn ra cái gì?

Câu đố này, không hề có hình ảnh, chi tiết để trẻ em nhận dạng và liên tưởng đến vật dụng hay ngoài vật dụng nên mang theo mình thường xuyên. Ngữ liệu này cũng thể hiện sự cẩu thả, tùy tiện gây khó cho giáo viên khi thực hiện bài học trên lớp.  

Nhiều bài tập rất nặng

Xem SGK tiếng Việt kết nối tri thức có thể tìn thấy rất nhiều bài tập học sinh lớp 1 không thể làm được trong bộ SGK.

Ví dụ 1: Bài tập 1, trang 174 yêu cầu trẻ vừa ghép chữ để tìm tên con vật, vừa thêm dấu thanh. Không biết trẻ có đủ khả năng nói đúng tên 11 con vật trong tranh không: Chó sói, cá rô…? Xem hình thì đến người lớn biết hết tên con vật rồi còn khó tìm được đủ tên 11 con vật khi ghép các ô chữ, trẻ con lại còn phải thêm dấu thanh trên những tên đó nữa thì chắc càng bó tay. Hình như ngữ liệu này dành cho trẻ lớp 3, lớp 4 mà trong lần biên soạn vội vã, cẩu thả, thiếu tâm huyết với học trò, ngữ liệu lại được in nhầm cho trẻ 6-7 tuổi học. Buồn thay!

Ở trang 77, ra bài tập “Giúp thỏ tìm đường về nhà” cực khó với trẻ em. Các bé  không thể biết có 3 cái nhà thì nhà thỏ là nhà nào để biết tìm đường về.

Trang 147,  cũng có 1 bài tập giải ô chữ gần kín cả trang, dài hơn 100 chữ, ngang với một bài tập đọc. 

Trong bảng tổng hợp rà soát SGK gửi lên Bộ GD&ĐT của NXBGD VN, đối với bộ SGK lớp 1 “Chân trời sáng tạo” phải sửa lỗi ở 7 trang SGK môn tiếng Việt 1 (tập 1) và môn tiếng Anh. Trong đó SGK tiếng Việt 1 (tập 1) sửa lỗi ở 5 trang. Một số lỗi cụ thể như ngữ liệu “lần đầu đi qua cầu khỉ” trang 139 được đề nghị sửa thành “lần đầu đi câu cá”; bốn tranh minh họa cũng phải sửa lại. SGK tiếng Anh 1 Family and Friends (Nationnal Edition) - Student Book sửa trang 47 và 53 một số câu và hình vẽ.

Đối với bộ sách lớp 1 “Cùng học để phát triển năng lực” sửa lỗi trong khoảng hơn 24 trang. Trong đó, SGK tiếng Việt 1 (tập 1 và tập 2) sửa lại ở khoảng 9 trang, tiếng Anh 1 sửa lại ở khoảng 8 trang và Giáo dục thể chất 1 sửa lại ở khoảng 7 trang. Điển hình trong SGK tiếng Việt 1 (tập 2) là đoạn trích bài “Ngày em đến trường” phải điều chỉnh viết lại cho hay.

Đối với bộ sách lớp 1 “Vì sự bình đẳng và dân chủ trong trường học”sửa lỗi ở một trang trong SGK tiếng Việt 1 (tập 1) phải điều chỉnh nội dung văn bản  do ngữ liệu không đúng trong thực tế.

Tuy nhiên, theo dõi và đọc văn bản, ngữ liệu trên thực tế ở các bộ sách tiếng Việt của NXB GDVN, dư luận cho rằng, việc đề nghị chỉnh sửa “cho xong” ấy khiến dư luận thất vọng. Vì những sai sót lộ rõ, chi chít như vậy, mà NXB lại đối phó, chỉ đưa ra những lỗi “bé xíu” mang tính tượng trưng, không thực sự cầu thị. 

Tại sao học sinh phải học sách nhiều lỗi, khi còn thời gian để chính sửa? 

Theo công văn gửi Bộ GD&ĐT, Chủ tịch Hội đồng Thành viên NXBGD VN Nguyễn Đức Thái đề xuất những điểm xin được chỉnh sửa trong lần tái bản các bản mẫu SGK sắp tới để phục vụ năm học 2021-2022. 

Với những ngữ liệu đã phân tích như trên, cũng như những sai sót khác mà ông Nguyễn Đức Thái đề nghị được chỉnh sửa,  không hiểu vì sao, đến  giờ Bộ chưa công bố kết quả thẩm định, phê duyệt nội dung chỉnh sửa này.

Hàng ngày con em chúng ta đang  bị hành hạ bởi một mớ ngôn từ hỗn độn vô nghĩa, tắc tị, phản cảm.  Đến nay, gần 60 lượt báo, đài đăng tải rất nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội, chuyên gia, giáo viên, phụ huynh... trong cả nước về những sai sót, ngữ liệu không phù hợp , còn nhiều phản cảm, vi phạm luật bản quyền... của 4 bộ SGK tiếng Việt lớp 1 NXB GD VN.  Tuy nhiên, dường như Bộ GD&ĐT vẫn chưa có ý kiến gì để xử lý những “núi sạn” của NXB này? 

Tại sao lại là lần sau mà không phải bây giờ phải sửa ngay lập tức, khi SGK của NXBGD VN lỗi chồng lỗi như vậy? Bản kê lỗi cho thấy quá sơ sài, đối phó, và thiếu sự cầu thị cần phải có. Tại sao Bộ chưa duyệt công văn đề nghị sửa và cho công khai, minh bạch  những hình ảnh, ngữ liệu cần sửa, thay thế... lên công luận để xin ý kiến đóng góp của dư luận như Bộ "Cánh diều" đã làm? Khi nào học sinh lớp 1 được học sách hay, đúng và chuẩn của NXBGD VN? 

Câu hỏi này, chỉ có NXBGD VN và Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ mới trả lời trước công luận được.

CTV Thạch Sơn