Tuy vậy, toàn ngành vẫn có những bước chuẩn bị nhất định để khôi phục hoạt động trở lại khi dịch bệnh được kiểm soát hoàn toàn.

Ngưng trệ mọi hoạt động

Tổng cục Du lịch cho biết, trong nửa đầu năm 2021, lượng khách quốc tế đến Việt Nam vẫn chủ yếu là chuyên gia, lao động kỹ thuật nước ngoài làm việc tại các dự án ở Việt Nam.

Tính chung 6 tháng đầu năm 2021, khách quốc tế đạt 88,2 nghìn lượt người, giảm 97,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khách đến từ tất cả các thị trường chính đều giảm mạnh: Trung Quốc đạt gần 36,7 nghìn lượt người, giảm 96% so với cùng kỳ năm trước; Hàn Quốc giảm 97,8%; Nhật Bản giảm 97,6%...

Khách du lịch nội địa tại Việt Nam ước đạt 30,5 triệu lượt, trong đó có 15,8 triệu lượt khách nghỉ đêm tại cơ sở lưu trú du lịch. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 134.000 tỷ đồng, giảm 24,2% so với cùng kỳ năm 2020.

Doanh thu du lịch 6 tháng ước tính đạt 4,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 0,2% tổng mức và giảm 51,8% so với cùng kỳ năm trước do Việt Nam chưa mở cửa du lịch quốc tế để khống chế dịch Covid-19, đồng thời một số địa phương thực hiện giãn cách xã hội nên du lịch nội địa kém sôi động. Một số địa phương có doanh thu du lịch 6 tháng giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước như: Bắc Ninh giảm 61,8%; TP Hồ Chí Minh giảm 53,6%; Hải Phòng giảm 46,5%; Hà Nội giảm 44,3%.

Theo tổng hợp số liệu khai thác các chuyến bay do Cục Hàng không Việt Nam công bố, trong tháng 6/2021, các hãng hàng không Việt Nam đã khai thác 4.900 chuyến bay, giảm gần 74% so với cùng kỳ và giảm 76% so với tháng trước.

Đáng lo ngại nhất là gần như tất cả doanh nghiệp lữ hành đều tạm ngừng hoạt động. Khách sạn đóng cửa vì không có khách, rao bán hàng loạt, nhiều khách sạn phải đóng cửa, công suất sử dụng phòng có thời điểm chỉ đạt từ 10-15%.

Tình trạng này dẫn đến việc thất thoát nhân lực trầm trọng đối với lĩnh vực du lịch và là một hiện tượng chưa từng có tiền lệ. Có lẽ chưa bao giờ, ngành Du lịch gặp phải hiện trạng như hiện nay. Từ năm 2020, hàng trăm nghìn lao động đã phải xin trợ cấp thất nghiệp. Ngành Du lịch hy vọng chính sách hỗ trợ của Chính phủ cho các hướng dẫn viên có thể hạn chế được sự “chảy máu” nhân lực đang diễn ra và giúp ngành vượt qua được cuộc khủng hoảng nhân lực phải đối diện trong tương lai.

Sự trở lại sau dịch Covid-19

Trước tình hình đó, tại Nghị quyết 84 của Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) được giao nhiệm vụ chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch đẩy mạnh hoạt động xúc tiến du lịch cấp quốc gia; phối hợp với các hiệp hội nghề nghiệp về du lịch xây dựng và triển khai chương trình kích cầu du lịch nội địa; tăng cường truyền thông, quảng bá, tiếp thị, phát triển các sản phẩm mới để thu hút khách trong nước và quốc tế, trước mắt tập trung thu hút khách du lịch từ các quốc gia đã kiểm soát được dịch bệnh.

Trong dự thảo chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021-2030 trong lĩnh vực du lịch, cũng đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp du lịch phục hồi trong bối cảnh tác động của dịch Covid-19 và phát triển du lịch trong 5 năm tới.

Đặc biệt, Bộ VHTTDL đã thiết kế chương trình hành động phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025 theo hướng đưa ra các giải pháp mang tính căn cơ để khắc phục sau khi dịch bệnh được đẩy lùi. Tiếp đến là thay đổi trong cách tư duy và tiếp cận. Đó là cơ cấu lại thị trường du lịch, tính toán để cân bằng lại thị trường khách quốc tế và nội địa để có tính bền vững, có trọng tâm, trọng điểm, có ưu tiên và lộ trình; không lựa chọn tỷ lệ lượt khách đến mà tính toán khả năng chi tiêu của khách khi đến, đóng góp cho phát triển kinh tế.

Về vấn đề hỗ trợ cho hướng dẫn viên du lịch gặp khó khăn, mới đây, Bộ VHTTDL cũng ban bành công văn về việc triển khai thực hiện Quyết định số 23 và Quyết định số 2222/QĐ-BVHTTDL công bố thủ tục hành chính hỗ trợ hướng dẫn viên du lịch bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.

Tổng cục Du lịch cũng có công văn hướng dẫn việc thực hiện chính sách hỗ trợ hướng dẫn viên du lịch gặp khó khăn; mở chuyên mục “Chính sách hỗ trợ” trên cổng thông tin điện tử để cập nhật chính sách và kết quả triển khai hỗ trợ hướng dẫn viên du lịch của các địa phương.

Kinh phí hỗ trợ với hướng dẫn viên du lịch gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo quy định tại điểm 9, Mục II, Nghị quyết số 68 là 3.710.000/đồng/người, theo phương thức chi trả một lần.

Kỳ vọng "hộ chiếu vaccine"

Một số chuyên gia đánh giá, đại dịch đã khiến cho việc đi lại giữa các quốc gia bị hạn chế tối đa và ngành Du lịch gần như phụ thuộc vào khách nội địa, đồng thời thị trường chung vẫn còn nhiều thách thức trong triển vọng phục hồi và phát triển thời gian tới.

Tuy nhiên, thị trường du lịch vẫn được kỳ vọng tích cực với nhu cầu du lịch tăng cao khi dịch Covid-19 được kiểm soát; triển vọng sau đại dịch của ngành khách sạn vẫn đầy hứa hẹn với sự tham gia của đa dạng thương hiệu vận hành quốc tế nổi tiếng.

Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng, phải coi những người làm trong ngành Du lịch là những chiến sỹ tuyến đầu trên mặt trận kinh tế. Do đó, cần nâng cao tỷ lệ tiêm vaccine phòng Covid-19 cho những người lao động trong ngành Du lịch, trang bị cho họ vũ khí để họ hoạt động và khách du lịch khi đến Việt Nam cũng an tâm vì được bảo vệ an toàn.

Rất nhiều doanh nghiệp du lịch nêu ý kiến mong muốn du lịch sớm hồi phục, nhưng trước hết cần đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine toàn dân, tạo miễn dịch cộng đồng càng sớm càng tốt. Hiện, đã có một số địa phương tiến hành tiêm vaccine cho lực lượng lao động trong ngành Du lịch.

Ví dụ, tỉnh Quảng Ninh, đến nay tổng số liều vaccine phòng Covid-19 đợt V được tỉnh phân bổ tiêm cho lao động ngành Du lịch là 6.853 liều, trong đó đã sử dụng 6.758 liều. Số lao động ngành Du lịch toàn tỉnh đã được tiêm là 7.043 trong tổng số 8.338 người đăng ký (đạt 76%)...

Việc tiêm vaccine phòng Covid-19 là nhu cầu chính đáng, là giải pháp bền vững nhất để kiểm soát dịch bệnh, tạo nền tảng vững chắc, ổn định hoạt động du lịch nội tỉnh hiện nay và mở rộng ra các thị trường lớn hơn sau này.

Việt Nam đang trải qua đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4, cũng là đợt bùng phát nghiêm trọng nhất, nên mọi dự báo về ngành Du lịch trong năm 2021 vẫn còn phải bỏ ngỏ khi các biện pháp hạn chế đi lại ngày càng bị thắt chặt.

Tuy nhiên, trong trung và dài hạn, việc đẩy mạnh tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 đã được Việt Nam, cũng như các nước trên thế giới xác định là chiến lược chính yếu để kiểm soát đại dịch và là chìa khóa mở cửa biên giới toàn cầu.

Tính đến thời điểm hiện tại, đã có nhiều quốc gia bắt đầu thí điểm "hộ chiếu vaccine" và từng bước dỡ bỏ một số hạn chế trong cách ly phòng, chống dịch Covid-19. Tuy vậy, với tỷ lệ tiêm chủng trung bình trên thế giới còn ở mức thấp, thì việc dựa vào "hộ chiếu vaccine" để vực dậy ngành Du lịch chỉ là tiền đề hữu hạn.

Vấn đề phục hồi hoàn toàn của ngành Du lịch, theo nhiều chuyên gia và tổ chức, chỉ có thể xảy ra khi toàn thế giới đạt được "miễn dịch cộng đồng,” dự kiến nhanh nhất là vào năm 2023, khi ít nhất 70% dân số được tiêm chủng đầy đủ.

Thái Hải