A Lưới là huyện miền núi biên giới của tỉnh Thừa Thiên Huế, gồm các dân tộc anh em cùng sinh sống là: Dân tộc Pa Cô, Ka Tu, Tà Ôi, Pa Hy và dân tộc Kinh; là địa bàn giàu lòng yêu nước và truyền thống cách mạng. Đồng thời, nơi đây là vùng đất "phên dậu", căn cứ địa cách mạng của Khu ủy và Quân khu Trị Thiên trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. 

A Lưới là huyện miền núi đặc biệt khó khăn của Thừa Thiên Huế, 1 trong 74 huyện nghèo toàn quốc giai đoạn 2021 - 2025, đồng thời là một trong 22 huyện nghèo toàn quốc được ưu tiên đầu tư, hỗ trợ để thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn giai đoạn 2022 - 2025 theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Theo lãnh đạo UBND huyện A Lưới, để đạt được kết quả ngày hôm nay, huyện đã nhận được sự quan tâm của Trung ương, sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế cùng sự hỗ trợ từ các sở, ban, ngành, đoàn thể ở tỉnh.

Huyện đã tập trung mọi nguồn lực từ Trung ương đến địa phương và huy động nhiều nguồn lực khác để đầu tư, triển khai hiệu quả các chương trình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, với mục tiêu lựa chọn hỗ trợ đầu tư các dự án trọng tâm, trọng điểm phục vụ phát triển sản xuất - kinh doanh, dịch vụ, lưu thông hàng hóa nhằm tạo sự đột phá, tăng trưởng kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân.

leftcenterrightdel
Khánh thành Làng Văn hóa các dân tộc thiểu số A Lưới. Ảnh: P.B 

Thu nhập của người dân được nâng lên rõ rệt, đến cuối năm 2021 là 27,5 triệu đồng/người/năm, cuối năm 2023 được nâng lên 35,22 triệu đồng/người/năm. Dự kiến đến cuối năm nay đạt trên 40 triệu đồng/người/năm và đến năm 2025 đạt trên 45 triệu đồng/người/năm.

Nhờ vậy, từ một huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao, chiếm 49,98% vào cuối năm 2021, đã giảm xuống còn 24,3% vào cuối năm 2023 và dự kiến giảm còn 14,34% vào cuối năm 2024.

Trong những năm qua, với sự đầu tư của Nhà nước, địa phương và sự đóng góp của Nhân dân huyện nhà, hệ thống giao thông đường bộ ở A Lưới không ngừng được phát triển. Nhiều tuyến đường được nhựa hóa, bê tông hóa và mở rộng; đường liên huyện, liên xã, đường hành lang biên giới, đường giao thông nông thôn, đường vào các khu kinh tế, các vùng trọng điểm được khai thông, nâng cấp tạo thành một mạng lưới giao thông liên hoàn thuận lợi, ngày càng phát triển. Các trường học, trạm y tế, nhà văn hóa được đầu tư xây dựng, nâng cấp, đáp ứng nhu cầu cho cộng đồng.

Huyện A Lưới đã xây dựng Làng Văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số huyện giai đoạn I.

Ngoài mục đích bảo tồn, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trên cả 2 khía cạnh văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể, Làng Văn hóa còn là điểm đến thu hút khách du lịch, tạo cơ hội cho bà con địa phương giao lưu, học hỏi và phát triển kinh tế từ du lịch, văn hóa.

A Lưới đang xây dựng Đề án Quy hoạch chi tiết Làng Văn hoá truyền thống các dân tộc thiểu số huyện với quy mô 30ha, gồm các hạng mục nhà ở truyền thống của các dân tộc, quảng trường trung tâm, khu làng nghề, bến thuyền, bảo tàng dân tộc học, khu nhà mồ, ruộng lúa để tái hiện lại vòng đời của con người, của cây lúa, những nghề truyền thống, dân ca, dân nhạc, dân vũ…

leftcenterrightdel
Nhà Gươi của đồng bào Cơ Tu, A Lưới. Ảnh: P.B 

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương cho rằng, huyện A Lưới được công nhận thoát nghèo là một mốc son đáng tự hào trong hành trình phát triển của huyện và cũng là niềm vui chung của toàn tỉnh. Đây không chỉ là thành quả của những nỗ lực không ngừng của chính quyền và Nhân dân huyện A Lưới, mà còn là sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước đối với những cố gắng của toàn tỉnh.

Theo ông Phương, bên cạnh những kết quả đạt được, A Lưới vẫn còn những khó khăn, thách thức trong phát triển kinh tế - xã hội, tăng thu nhập, tạo việc làm cho người dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo, giảm nghèo bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống cho bà con dân tộc thiểu số.

Để kinh tế - xã hội và đời sống của người dân được nâng cao, huyện thoát nghèo bền vững, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện A Lưới cần phải tiếp tục phát huy những thành quả đã đạt được, tiếp tục xây dựng và phát triển địa phương với chất lượng cao hơn, bền vững hơn. Bám sát định hướng phát triển của tỉnh, tổ chức thực hiện thật tốt các chương trình, đề án đề ra, khai thác và phát huy có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của địa phương.

N. Phó - L. Bằng