Đồng bộ các giải pháp nâng cao nhận thức về chuyển đổi số

Trong 3 năm qua, tỉnh Yên Bái đã triển khai đồng bộ các hoạt động học tập, quán triệt và tổ chức hội nghị, hội thảo chuyên đề nhằm nâng cao nhận thức về CĐS cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Nhờ đó, đã tạo ra sự đồng thuận cao trong toàn xã hội, xây dựng được cơ sở vững chắc để thúc đẩy công cuộc CĐS trên toàn tỉnh. Việc này đã góp phần thay đổi căn bản tư duy và nhận thức của các cấp lãnh đạo cũng như người dân, giúp CĐS được triển khai một cách sâu rộng và hiệu quả hơn.

Tính đến hết năm 2023, Yên Bái đã xóa được 34 vùng lõm sóng di động 4G, nâng tỷ lệ thôn/bản/tổ dân phố phủ sóng băng rộng di động lên 98% và tỷ lệ có Internet băng rộng cố định đạt 95%. Chất lượng dịch vụ Internet tại các khu đô thị, khu công nghiệp, khu du lịch và khu dân cư được nâng cao, đảm bảo tốc độ tối thiểu 40 Mbps. Tỷ lệ thôn/bản được phủ sóng băng rộng di động đã đạt trên 98%, tỷ lệ có Internet băng rộng cố định đạt 97% tính đến giữa năm 2024.

Theo ông Lê Trí Hà, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, để công tác CĐS trên địa bàn theo đúng lộ trình, Yên Bái đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo và triển khai nhiệm vụ phát triển số, kinh tế số. Trong đó, phát triển kinh tế số được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, phải chủ động triển khai quyết liệt, thường xuyên và liên tục.

Bên cạnh việc đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật số, Yên Bái đã đẩy mạnh triển khai các dịch vụ công trực tuyến, tạo điều kiện thuận lợi để người dân và doanh nghiệp tiếp cận dịch vụ hành chính một cách nhanh chóng và hiệu quả.

Đến năm 2023, 100% cơ sở dữ liệu chuyên ngành đã được kết nối liên thông với Cổng Dịch vụ công tỉnh để giải quyết thủ tục hành chính. 80% thủ tục hành chính đã được cung cấp dưới dạng dịch vụ công trực tuyến và 30% hồ sơ thủ tục hành chính đã được thanh toán trực tuyến, giúp tiết kiệm thời gian và chi phí cho người dân.

leftcenterrightdel
Sản phẩm bưởi Đại Minh được gắn mã QR để cung cấp thông tin cho người tiêu dùng. Ảnh: Bùi Bình

Y tế số, kinh tế số, xã hội số phát triển mạnh mẽ

Ngành Y tế tỉnh đã thực hiện khám, chữa bệnh từ xa, khám, chữa bệnh bằng căn cước công dân gắn chíp và ứng dụng VNeID tại 198 cơ sở khám, chữa bệnh trên toàn tỉnh. Việc triển khai bệnh án điện tử đã giúp 4 cơ sở y tế chính giảm thiểu chi phí, minh bạch trong quản lý tài chính và nhân lực, đồng thời nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, mang lại sự hài lòng cho người bệnh.

Ông Trần Văn Dũng, phường Yên Ninh, thành phố Yên Bái, chia sẻ: "Tôi có bệnh nền nên thường xuyên phải đi bệnh viện. Trước đây, mỗi lần vào viện tôi phải mang rất nhiều giấy tờ, sổ khám bệnh nhưng giờ đã khác. Các thủ tục đăng ký khám, chữa bệnh đã được rút gọn, chúng tôi chỉ việc đặt lịch khám và đến đúng thời gian, không phải mang nhiều giấy tờ, không phải chờ đợi, rất thuận tiện".

CĐS cũng đã tác động mạnh mẽ đến sự phát triển kinh tế nông nghiệp của tỉnh, giúp người dân và doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận kiến thức, lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi một cách hiệu quả và nâng cao chất lượng sản phẩm. Tỉnh đã xây dựng và bảo hộ sở hữu trí tuệ cho 50 sản phẩm nông sản đặc thù như gạo Mường Lò, mật ong Mù Cang Chải, ba ba gai Văn Chấn, chè Shan tuyết Suối Giàng… Việc quản lý và cấp mã số vùng trồng cũng được thực hiện bài bản, đến nay, tỉnh đã cấp được 89 mã số vùng trồng, đảm bảo tính minh bạch và khả năng truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm nông nghiệp.

Kinh tế số tại Yên Bái đã có sự phát triển ấn tượng. Đến năm 2023, tỷ trọng kinh tế số đã chiếm 12,20% GRDP của tỉnh. Tất cả các sản phẩm OCOP của tỉnh đã được đưa lên các sàn thương mại điện tử lớn, giúp các doanh nghiệp tiếp cận thị trường rộng lớn và tăng cường khả năng cạnh tranh. Thương mại điện tử đã có tốc độ tăng trưởng cao, chiếm 12,7% trong tổng mức bán lẻ hàng hóa của tỉnh vào đầu năm 2024.

Xã hội số tại Yên Bái cũng đạt được nhiều thành tựu đáng khích lệ. Toàn tỉnh có 57% người dân trưởng thành cài đặt và sử dụng nền tảng công dân số tỉnh Yên Bái (YenBai-S). Đặc biệt, tỷ lệ đảng viên có tài khoản sử dụng nền tảng ứng dụng Sổ tay đảng viên điện tử tỉnh Yên Bái đạt 82,4%. Một số chỉ tiêu xã hội số đã đạt mức cao như: 80% người dân trưởng thành có điện thoại thông minh, 65% người dân trưởng thành sử dụng dịch vụ thanh toán điện tử, 62% hộ gia đình sử dụng dịch vụ Internet băng rộng cáp quang, và 77% các nhà văn hóa thôn, bản, tổ đã được kết nối Internet…

leftcenterrightdel
Chị Sùng Thị Mỷ, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Mù Cang Chải (người mặc áo đen, ngoài cùng bên trái) đang giới thiệu các ứng dụng công nghệ thông tin cho hội viên phụ nữ bản Khao Mang, xã Khao Mang. Ảnh: Minh Huyền 

Tầm nhìn và mục tiêu trong giai đoạn tới

Yên Bái xác định mục tiêu trọng tâm là phát triển kinh tế số với 4 trụ cột: Công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông, số hóa các ngành kinh tế, quản trị số và dữ liệu số. Tỉnh đặt mục tiêu tỷ trọng kinh tế số chiếm 16,5% trong GRDP vào cuối năm 2024 và xây dựng một hệ sinh thái du lịch thông minh nhằm nâng cao trải nghiệm của du khách.

Với những thành tựu đã đạt được, Yên Bái tiếp tục đặt ra những mục tiêu cao hơn cho giai đoạn tới, trong đó, ưu tiên hàng đầu là xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số và xã hội số. Tỉnh sẽ tập trung đẩy mạnh các giải pháp nhằm hiện đại hóa và số hóa các lĩnh vực trọng điểm như nông nghiệp, y tế, giáo dục và du lịch, đảm bảo tất cả các dịch vụ công trực tuyến được người dân và doanh nghiệp sử dụng một cách dễ dàng và hiệu quả.

Nhìn lại 3 năm thực hiện Nghị quyết số 51-NQ/TU về chuyển đổi số tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, Yên Bái đã tạo dựng được nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững, từng bước trở thành địa phương đi đầu trong công cuộc CĐS của cả nước.

Trong tương lai, với quyết tâm và nỗ lực không ngừng, tỉnh Yên Bái sẽ tiếp tục phát huy những thành tựu đã đạt được, khắc phục những khó khăn và hoàn thiện lộ trình CĐS để hướng tới mục tiêu xây dựng một tỉnh Yên Bái thông minh, hiện đại và phát triển bền vững.

Bùi Bình