Phát biểu tại diễn đàn, ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa nhấn mạnh, chuyển đổi số là xu thế tất yếu, động lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng lực quản lý và cải thiện chất lượng cuộc sống người dân.

Thời gian qua, tỉnh đã triển khai chuyển đổi số, ghi nhận một số kết quả như nhận thức của cán bộ các cấp được nâng cao, ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan Nhà nước được áp dụng rộng rãi. Cổng dịch vụ hành chính công trực tuyến của tỉnh cung cấp cho người dân, doanh nghiệp thuận lợi hơn. Tuy nhiên, kết quả trên chưa đáp ứng được như kế hoạch đề ra.

Vì thế, ông mong rằng tại diễn đàn này, các đại biểu, doanh nghiệp cùng chuyên gia trong lĩnh vực có những trao đổi, thảo luận, đề xuất các cơ chế, chính sách để thúc đẩy chuyển đổi số cho địa phương.

leftcenterrightdel
Ông Vũ Ngọc Dương, Phó Trưởng phòng Phát triển hạ tầng, Cục Viễn thông, Bộ TT&TT cho biết việc chuyển đổi số là một nội dung quan trọng để đất nước phát triển. Ảnh: CTV

Theo ông Vũ Ngọc Dương, Phó Trưởng phòng Phát triển hạ tầng, Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), việc chuyển đổi số là một nội dung quan trọng để đất nước phát triển. Trong quá trình chuyển đổi số, vai trò của không gian mạng và hạ tầng số phải được đặt lên hàng đầu.

“Để làm được điều này, việc triển khai mô hình phải gắn kết “3 nhà”: Nhà nước, nhà mạng và nhà ứng dụng, sau đó là tiến trình phát triển chung của xã hội và thời đại, thương mại hóa, phát triển 5G trên phạm vi toàn quốc để tạo ra hạ tầng cho các ứng dụng số công nghiệp”, ông Dương nhấn mạnh.

Tại diễn đàn, ông Nguyễn Dương Anh, Phó Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Thừa Thiên Huế chia sẻ, chính quyền số của tỉnh có trên 4 nền tảng chung: Nền tảng xác thực, nền tảng làm việc số, nền tảng báo cáo số, nền tảng bản đồ số.

“Trong đó, điểm nổi bật là dịch vụ đô thị thông minh - nơi kết nối giữa chính quyền và người dân. Ở đây có 1 triệu tài khoản đăng ký, trên 20 dịch vụ đô thị thông minh. Để làm được điều này cần phải đảm bảo hệ thống định danh tốt; dữ liệu số phải được xử lý bằng quy trình số; công bố kết quả từ quy trình số”.

Ngoài ra, tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đưa ra 4 quan điểm về vận hành dữ liệu của địa phương, gồm: Đúng (đối tượng xác thực qua cơ sở dữ liệu quốc gia); đủ (dữ liệu tài khoản đã xác thực đủ điều kiện xử lý; sạch) dữ liệu được vận hành qua trình số và nhất quán; kết quả xử lý có thể sử dụng ngay và có giá trị hiệu lực. Đặc biệt, tránh chạy theo phong trào số hóa, tạo ra dữ liệu không có mục đích rõ ràng.

Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Khánh Hòa, ông Phạm Quốc Hoàn chia sẻ tại diễn đàn, địa phương triển khai hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh đã kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để khai thác dữ liệu, thông tin dân cư phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Bên cạnh đó là tài khoản định danh điện tử (VneID) cũng được đưa vào ứng dụng; hệ thống thông tin Cổng dịch vụ hành chính công trực tuyến tỉnh đã kết nối, tích hợp với 11 hệ thống thông tin của Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương.

leftcenterrightdel
 Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Khánh Hòa Phạm Quốc Hoàn chia sẻ thông tin về chuyển đổi số tại diễn đàn. Ảnh CTV

Khánh Hòa tập trung các nội dung hạ tầng, dữ liệu, an toàn bảo mật, chuyển đổi số cho doanh nghiệp, phát triển kinh tế số, xã hội số… Từ cơ sở đó, địa phương sẽ đề xuất các giải pháp, chính sách để hiện thực các nội dung, mục tiêu về chuyển đối số.

Thời gian tới, Khánh Hòa hướng tới chuyển đổi số theo hướng 6 trụ cột chính là quản trị thông minh, kinh tế thông minh, giao thông thông minh, môi trường thông minh, công dân thông minh và đời sống thông minh. Từ đó, góp phần tạo lập mối quan hệ chặt chẽ, tăng cường sự gắn bó giữa chính quyền tỉnh với người dân, du khách, doanh nghiệp… vào các cơ quan chính quyền của tỉnh.

Tại diễn đàn, các chuyên gia cũng đã trao đổi, chia sẻ, để đưa ra giải pháp giúp Khánh Hòa đột phá trong chuyển đổi số.

Vũ Linh