Tại TP Đà Nẵng, từ sáng sớm ngày 18/9 đến nay đã có mưa nhỏ đến vừa, có nơi mưa to; tổng lượng mưa đo được tại một số nơi phổ biến từ 100 - 300mm, có nơi 450mm.

Dự báo từ chiều nay đến trưa ngày 20/9, khu vực các quận, huyện ở Đà Nẵng tiếp tục có mưa to đến rất to, lượng mưa tích lũy tại các quận, huyện từ 50-100mm, có nơi trên 150mm.

TP đã cảnh báo đề phòng mưa lớn với cường độ lớn tập trung trong thời gian ngắn, có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng tại các vùng trũng thấp và đô thị. Trong cơn dông cần đề phòng có sét và gió giật mạnh.

Yêu cầu các địa phương và sở, ban, ngành liên quan của TP tiếp tục duy trì triển khai các hoạt động ứng phó với áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão, mưa lớn, lũ, lũ quét, sạt lở đất… sẵn sàng sơ tán nhân dân, nhất là tại các khu vực nguy hiểm, ngập sâu theo phương án đã được phê duyệt.

leftcenterrightdel
Phương tiện lưu thông rất khó khăn do mưa lớn. Ảnh: N.P 

Đồng thời, tổ chức chốt chặn tại các khu vực ngập lụt, ngập sâu, nước chảy xiết, khu vực có nguy cơ sạt lở đất đá, không cho người dân đi vào các khu vực nguy hiểm; nghiêm cấm người dân, phương tiện đi lại tại các khu vực ven sông, suối, hồ đập và các khu vực ngập lụt để đánh bắt thủy sản…

Tại Quảng Nam, mưa lớn với tổng lượng mưa phổ biến từ 150 - 300mm, có nơi hơn 350mm.

Dự báo trong 24 đến 48 giờ tới, các địa phương trong tỉnh tiếp tục có mưa vừa, mưa to đến mưa rất to; tổng lượng mưa phổ biến 150 - 300mm, có nơi hơn 400mm.

Do mưa lớn, từ đêm nay (18/9) đến ngày 20/9, các sông trên địa bàn tỉnh khả năng xuất hiện một đợt lũ.

Cụ thể: Đỉnh lũ trên sông Vu Gia ở mức báo động (BĐ) 1 đến trên BĐ1, trên sông Thu Bồn ở mức dưới BĐ1 và trên sông Tam Kỳ ở mức dưới BĐ1.

Mưa lớn gây nguy cơ xảy ra lũ, lũ quét tại sông suối vùng núi, sạt lở đất đá ở sườn dốc, sông suối nhỏ; gây ngập úng tại vùng thấp trũng, nơi tập trung đông dân cư, ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt của Nhân dân.

Tại Quảng Ngãi, theo nhận định của Đài Khí tượng - Thủy văn tỉnh, trong thời gian tới, diễn biến thiên tai rất phức tạp, nguy cơ bão, mưa, lũ xảy ra là rất lớn và qua thông tin từ các địa phương, hiện nay trên địa bàn tỉnh có nhiều điểm có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét khi có mưa, lũ xảy ra, nguy cơ ảnh hưởng đến người dân trong khu vực, nhất là tại các huyện miền núi; đồng thời, hiện tại trên địa bàn tỉnh đã có mưa lớn gây ngập úng cục bộ tại TP Quảng Ngãi và một số khu vực đông dân cư.

leftcenterrightdel
Các tỉnh, TP miền Trung cần đề phòng lũ quét tại khu vực miền núi. Ảnh: N.P 

Vì vậy, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành; chủ tịch UBND các huyện, thị xã, TP rút kinh nghiệm từ công tác ứng phó bão số 3 và mưa, lũ sau bão vừa qua tại các tỉnh phía Bắc trong việc triển khai thực hiện công tác phòng chống lụt, bão và triển khai ứng phó sạt lở núi, đồi, ngập úng đô thị trên địa bàn quản lý; kịp thời cập nhật tình hình thời tiết để có chỉ đạo phù hợp.

Kiểm tra, rà soát các khu dân cư, nhà dân, trụ sở sơ quan, đơn vị trên địa bàn (nhất là tại các khu vực miền núi), nằm trong vùng có nguy cơ cao sạt lở đất, lũ quét phải có phương án sớm, cụ thể để đảm bảo an toàn cho người dân trong khu vực; chủ động theo dõi chặt chẽ diễn biến thiên tai, kịp thời di dời, sơ tán người dân trong khu vực đến nơi an toàn.

Các huyện: Ba Tơ, Minh Long, Sơn Hà, Sơn Tây, Trà Bồng rà soát, thống kê đầy đủ, cụ thể các điểm có nguy cơ cao sạt lở đất, lũ quét, các vị trí đứt gãy địa chất trên địa bàn, gửi về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh; đồng thời, xây dựng kịch bản chi tiết ứng phó sạt lở đất, lũ quét để triển khai thực hiện khi có mưa, lũ xảy ra.

leftcenterrightdel
Đề phòng sạt lở ven sông, biển. Ảnh: N.P 

Khẩn trương rà soát, kiểm tra việc nạo vét hệ thống thoát nước, khơi thông miệng hố ga, kênh mương, cống, rãnh, trục tiêu có nguy cơ bị tắc nghẽn, các hố ga các tuyến công trình đang thi công có nguy cơ gây ngập úng khu dân cư trong khu vực và không để khu vực trung tâm TP Quảng Ngãi xảy ra tình trạng ngập úng cục bộ hoặc diện rộng kéo dài; túc trực 24/24 để xử lý ngập úng, ách tắc hệ thống thoát nước cục bộ mùa mưa bão; thường xuyên tuyên truyền đến các hộ dân không được tự ý che lấp, lát trùm cửa thu, hố ga để bảo đảm tiêu thoát nước tốt khi có mưa lớn.

Lãnh đạo các xã, phường, thị trấn rà soát kỹ phương án ứng phó thiên tai đã được lập, xây dựng đảm bảo sát tình hình thực tế để triển khai thực hiện khi có thiên tai xảy ra trong thời gian tới.

Sở Công thương Quảng Ngãi phải chỉ đạo các chủ hồ chứa thủy điện kiểm tra các điều kiện an toàn cho công trình; yêu cầu các chủ hồ (nhất là các hồ chứa có dung tích lớn như Đakđrinh…) phải tuân thủ quy trình vận hành hồ chứa, liên hồ chứa đã được cấp thẩm quyền phê duyệt, cung cấp đầy đủ thông tin và truyền camera giám sát hồ chứa về Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh và các cơ quan liên quan theo đúng quy định để theo dõi, giám sát chặt chẽ.

Ngọc Phó