Đó là phát biểu của Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc (QH-KT) TP HCM Nguyễn Thanh Nhã tại buổi tọa đàm doanh nghiệp đóng góp ý tưởng đồ án quy hoạch chung TP Thủ Đức của UBND TP Thủ Đức tổ chức ngày 5/3.

Theo Giám đốc Sở QH-KT, đồ án quy hoạch thực hiện được là phải dựa vào cộng đồng doanh nghiệp, các chuyên gia cũng như góp ý, ý tưởng của người dân. Do đó, những đóng góp tại hội thảo từ các chuyên gia, cộng đồng doanh nghiệp hết sức quan trọng; không chỉ giai đoạn đóng góp ý tưởng mà sau này cũng cần sự đồng hành của doanh nghiệp, người dân để công tác thực hiện quy hoạch tốt hơn, xuyên suốt hơn.  

TS Nguyễn Đỗ Dũng, Tổng Giám đốc Công ty EnCity (Liên danh Sasaki-EnCity nhóm tư vấn dành giải nhất Cuộc thi "Ý tưởng quy hoạch phát triển khu đô thị sáng tạo tương tác phía Đông TP HCM" do TP HCM tổ chức) cho rằng, có 4 nội dung mà TP Thủ Đức phải hướng đến trong quá trình xây dựng và phát triển. Đó là: Kinh tế ứng dụng công nghệ cao; khu vực trọng điểm về sáng tạo của TP; trung tâm giao thương của cả các vùng phụ cận như Biên Hòa, Đà Lạt, Vũng Tàu… và nơi thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao của cả nước.

Tại buổi tọa đàm, hầu hết các ý kiến cho rằng, để TP Thủ Đức tạo đột phá trong thời gian tới, hạ tầng giao thông cần phải quan tâm đầu tư hàng đầu, tạo sự kết nối cao, nhanh, thuận tiện giữa các vùng, tạo sự tương tác nhanh giữa con người với con người, doanh nghiệp với doanh nghiệp, doanh nghiệp với chính quyền… thông qua hệ thống viễn thông hiện đại, đồng bộ.

Theo Giám đốc Khu Công nghệ phần mềm (Đại học Quốc gia TP HCM), TS Trương Minh Huy Vũ, quy hoạch TP Thủ Đức đưa ra trong bối cảnh kinh tế của cả nước nói chung và TP HCM nói riêng đang phục hồi sau đại dịch. Có 3 yếu tố giữ vai trò then chốt mang yếu tố quyết định là con người, cơ sở hạ tầng và công nghệ. TP Thủ Đức là nơi có rất nhiều trường đại học, viện, khu công nghệ cao thu hút nguồn nhân lực có trình độ, tập trung học tập, làm việc khá đông, đây là một thuận lợi để phát triển trong thời gian tới.

leftcenterrightdel
 Đường Phạm Văn Đồng (12 làn xe) nối liền TP Thủ Đức đến Sân bay Tân Sơn Nhất đã góp phần phát triển kinh tế, đồng thời xoá bỏ các điểm nghẽn giao thông của khu vực phía Đông - Đông bắc TP HCM. Ảnh: Đinh Mười 

Trung tá Nguyễn Phương Nam, Phó Tổng Giám đốc  Công ty Tân Cảng Sài Gòn quan tâm đến việc kết nối giao thông giữa TP Thủ Đức và các tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai vì lượng hàng hoá đi qua đây rất lớn. Đồng thời, bố trí các khu dân cư, nhà ở giá rẻ để người lao động đi lại thuận lợi.

Nhiều ý kiến của các chuyên gia nhận định, quy hoạch - đầu tư hạ tầng giao thông là một trong những bước đột phá để TP Thủ Đức phát triển trong thời gian tới. Hiện nay hàng hóa tại các cảng đi qua địa bàn TP Thủ Đức quá tải, gây ùn tắc giao thông, đẩy chi phí doanh nghiệp lên cao.

Ông Hoàng Tùng, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức cho biết, qua buổi toạ đàm, TP sẽ tiếp thu các ý kiến và tổ chức các hội thảo chuyên đề cho từng ngành nhằm nghe sâu hơn các góp ý của doanh nghiệp. Làm sao để đồ án quy hoạch Thủ Đức khả thi nhất và cộng đồng doanh nghiệp sẵn sàng đồng hành cùng TP để thực hiện quy hoạch.

Hiện nay, TP Thủ Đức đang tập trung để triển khai công tác đề xuất, trình phê duyệt Đồ án quy hoạch chung TP Thủ Đức để làm cơ sở quan trọng cho việc xây dựng khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông và kêu gọi các nguồn lực đầu tư từ bên ngoài phục vụ cho sự phát triển, nhất là kêu gọi đầu tư 8 khu trung tâm chức năng.

Bên cạnh đó, triển khai Đề án Xây dựng đô thị thông minh, chuyển đổi số tại TP Thủ Đức giai đoạn 2021-2025. Trong đó, tập trung xây dựng chính quyền điện tử hướng đến chính quyền số; xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung, ứng dụng công nghệ thông tin để hiện đại hóa nền hành chính công và quản trị chính quyền TP Thủ Đức nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Đinh Mười