Mới đây, TKV đã phát đi thông tin liên quan đến số liệu do Kiểm toán Nhà nước công bố về báo cáo tài chính năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022 của TKV.

TKV cho rằng, bất kỳ một doanh nghiệp sản xuất kinh doanh nào cũng cần có nguồn vốn để phục vụ đầu tư phát triển sản xuất và đảm bảo nhu cầu chi tiêu thường xuyên. Bên cạnh nguồn vốn chủ sở hữu, các doanh nghiệp đều phải huy động nguồn vốn từ bên ngoài thông qua các hình thức vay vốn, phát hành trái phiếu, xã hội hoá…

Với doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước như TKV, pháp luật có quy định cụ thể tại Khoản 4 Điều 20 Nghị định số 91, ngày 13/10/2015 về đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp về việc huy động vốn; đồng thời, nêu rõ hệ số nợ phải trả không quá ba lần vốn chủ sở hữu.

Theo đó, hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu năm 2021 của TKV là 1,6 lần, giảm 0,37 lần so với năm 2020 (1,97 lần) và thấp hơn nhiều so với mức trần quy định của Nhà nước (3 lần).

“Không chỉ năm 2021 và 6 tháng năm 2022, trong các năm, TKV đều đảm bảo quy định về hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu ở mức an toàn, thấp hơn giới hạn quy định của Nhà nước” - đại diện TKV khẳng định.

Báo cáo tài chính của TKV qua các năm đều có lãi (từ khi thành lập chưa có phát sinh lỗ, thể hiện trên báo cáo tài chính đã được kiểm toán độc lập hàng năm và được các cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước kiểm tra, giám sát). Vì vậy, TKV đã bảo toàn và phát triển vốn Nhà nước đầu tư.

Về khả năng trả nợ, TKV cho biết, nguồn tiền trả nợ là doanh thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh, khấu hao máy móc thiết bị (đầu tư từ nguồn vốn vay) chứ không phải từ lợi nhuận.

Kết quả tổng số doanh thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2021 toàn TKV đạt 138.813 tỉ đồng, bằng 112% kế hoạch năm và bằng 104,8% so với năm 2020 (132.415 tỉ đồng); tổng doanh thu trên tổng nợ là 1,86 lần. Lợi nhuận được ghi nhận trên báo cáo tài chính của TKV đã tính đầy đủ các khoản chi trả cho hoạt động sản xuất kinh doanh (bao gồm cả tiền gốc, lãi vay đến hạn).

TKV không có phát sinh nợ quá hạn với các bên cho vay (có thể kiểm chứng qua cổng thông tin tín dụng CIC). Hệ số khả năng thanh toán nợ đến đến hạn của TKV năm 2021 là 0,97 lần; tăng 0,07 lần so với năm 2020 (0,90 lần), đảm bảo tính thanh khoản của toàn Tập đoàn.

TKV khẳng định, các hệ số tài chính tiếp tục được duy trì ở mức an toàn, khả năng thanh toán tốt, khả năng tự chủ về tài chính tăng lên, mức trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi giảm, vốn Nhà nước trong năm được bảo toàn và phát triển.

Năm 2022, mặc dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, xung đột vũ trang giữa Nga và Ucraina, bất ổn của thị trường tài chính toàn cầu… Tuy nhiên, TKV đã đoàn kết, phát huy truyền thống “Kỷ luật và đồng tâm”, hoàn thành toàn diện kế hoạch sản xuất kinh doanh.

Kết quả năm 2022 được đánh giá là một năm thành công nhất từ trước tới nay; sản xuất kinh doanh tăng trưởng, với doanh thu đạt cao nhất từ khi thành lập; lợi nhuận, nộp ngân sách vượt kế hoạch giao; cung cấp đủ và kịp thời than cho sản xuất điện; đời sống về vật chất và tinh thần của người lao động được cải thiện rõ rệt…

Cụ thể, doanh thu toàn Tập đoàn đạt 165,9 nghìn tỷ đồng, đạt 126% kế hoạch, và bằng 119% so với cùng kỳ 2021; nộp ngân sách Nhà nước đạt 21,35 nghìn tỷ đồng, tăng 3,45 nghìn tỷ đồng so với kế hoạch. lợi nhuận toàn tập đoàn đạt 8,1 nghìn tỷ đồng tăng 2,7 lần so với kế hoạch.

Hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu hợp nhất toàn tập đoàn các công ty là 1,58 lần, giảm 0,02 lần so với đầu năm 2022; tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu toàn tập đoàn tăng 7% so với năm 2021; tỷ suất lợi nhuận trên tài sản toàn tập đoàn tăng 3% so với 2021.

Tập đoàn và các công ty thành viên đã bảo toàn và phát triển được vốn kinh doanh. Đảm bảo việc làm, tiền lương thu nhập cho trên 95 nghìn người lao động với tiền lương bình quân 16,5 triệu đồng/người/tháng, bằng 121,5% kế hoạch và bằng 113,5% thực hiện năm 2021.

Năm 2023, TKV phấn đấu doanh thu đạt 168,8 nghìn tỉ đồng, tăng 2% so với thực hiện năm 2022; nộp ngân sách hơn 20 nghìn tỷ đồng; lợi nhuận toàn Tập đoàn 5 nghìn tỷ đồng…

Trọng Tài