Sách có câu: Con người giống nhau huyết khí nhưng khác nhau chí khí.

Quả thật, trong cuộc chiến phòng, chống tham nhũng, có những người luôn dũng cảm, kiên cường đấu tranh, nhưng có không ít những người cam phận sống thích nghi với tiêu cực. Trong cán bộ, kể cả cán bộ chủ chốt cấp cao, có những người ra tay dẹp loạn, lại có không ít những người lo ngại đủ điều, hoặc vụ lợi cho mình và phe nhóm, không dám công khai, minh bạch phòng, chống tham nhũng.

Nhớ lại chuyện cũ. Sau nhiều năm trăn trở, lương tâm cắn rứt, cuối cùng, với 5 phút suy nghĩ và quyết định dứt khoát, thầy giáo Đỗ Việt Khoa đã tố cáo hành vi gian dối trong thi cử ở tỉnh Hà Tây cũ (tức Hà Đông và Sơn Tây). Giáo viên Khoa làm nên lịch sử, gây một cơn địa chấn dữ dội, lay chuyển căn bệnh hình thức chủ nghĩa không chỉ trong thi cử ở Hà Tây mà cả trong ngành Giáo dục và cả hầu khắp các ngành khác của xã hội ta.

Ngày ấy, hành động quả cảm, chân chính của giáo viên Đỗ Việt Khoa đã được Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân, Thứ trưởng Bành Tiến Long, Bộ Giáo dục và Đào tạo và các nhà sư phạm, các thầy, cô giáo trong sáng trong sự nghiệp trồng người, các phương tiện truyền thông và dư luận cả nước nhiệt liệt hoan nghênh, ủng hộ.

Tuy vậy, có những quan chức ngành Giáo dục, các thầy, cô giáo còn si mê với cái gọi là “bệnh thành tích”, đã tìm đủ cách phản bác, trù dập giáo viên Đỗ Việt Khoa và gia đình. Ông đã mất việc. Gia đình phải bươn chải tìm cách khác làm ăn, sinh sống.

Tiếc thay! Nghĩa cử tốt đẹp của thầy giáo Đỗ Việt Khoa đã không được khuếch trương, nhân rộng.

Tiêu cực trong ngành Giáo dục tiếp tục phát triển. Đến nỗi, năm 2018 làm bùng phát hai sự kiện chấn động dư luận cả nước.

Đó là sự kiện không đủ tiêu chuẩn vẫn lập danh sách phong giáo sư, phó giáo sư. Công luận phản biện khoa học mạnh mẽ. Theo chỉ thị của Chính phủ, tiến hành rà soát lại, đã có gần 100 vị không được công nhận.

Sự kiện thứ hai là kỳ thi trung học phổ thông quốc gia 2018. Ở Hà Giang có 114 thí sinh với 330 bài thi được sửa điểm, có những thí sinh chênh đến hơn 20 lần. Từ thí sinh có học lực bình thường trở thành học sinh giỏi có điểm số rất cao cả 3 môn Toán, Văn, tiếng Anh với tỷ lệ cao nhất nước.

 Trước tình hình lỗ liễu quá bất thường, buộc Bộ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo phải vào cuộc và cùng với Công an đã tìm ra thủ phạm của chiêu trò gian lận kinh khủng có một không hai này.

Ông Vũ Trọng Lương, Phó Phòng Khảo thí (Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang) là nhân vật chính phù phép việc này.

Hiện tượng bất thường này cũng xảy ra ở cả Sơn La, Lạng Sơn… Tại Sơn La, điểm trung bình môn Toán rất thấp, ở mức 3,43 điểm so với mặt bằng chung toàn quốc là 4,88 điểm. Nhưng có 30 thí sinh đạt 9 đến 9,8 điểm, cao bất thường. Còn tại Lạng Sơn, có 35 thí sinh đạt điểm thi bất thường 3 môn Toán, Văn, Lịch sử ở mức 8 và 9 điểm mỗi môn. Bộ Giáo dục Đào tạo phải tung cán bộ đi thẩm định kết quả.

Đây là một “báo động đỏ” đối với ngành Giáo dục.

Hay như, bà con ở vùng biển Đồ Sơn, đứng đầu là Đại tá Công an nghỉ hưu Đinh Đình Phú đã đoàn kết thành một khối sắt thép chống lại mọi hành vi trấn áp, trù dập, kiên quyết tố cáo 3 “quan tham đất” có máu mặt nhất ở thị xã này phải ra hầu tòa. Khôi hài là, cả 3 vị lãnh đạo chủ chốt này chỉ bị tòa xử phạt cảnh cáo, nộp lệ phí 50.000 đồng.

Dư luận cả nước, nhân dân Hải Phòng, nhất là bà con ở Đồ Sơn hết sức bất bình. Công luận lên tiếng mạnh mẽ, coi đây là một “trò hề xử án”. Chính phủ yêu cầu phải xử án lại. Nhờ đó, đã phát hiện thêm cả những con “sâu đất” ở cơ quan và lãnh đạo của Hải Phòng có liên quan trực tiếp đến vụ án. Khi đó, vụ án mới được xử đúng người, đúng tội. Nhân dân nức lòng phấn khởi, tin tưởng.

Ở trong Nam, Giám đốc Công ty Khai thác công trình thủy lợi Đồng Nai Nguyễn Văn Hòa kiên quyết từ chối một dự án xây dựng gần 14 tỷ đồng của cơ quan chức năng của tỉnh thiết lập. Ông đưa ra một đề án chỉ tốn hơn vài trăm triệu đồng. Giám đốc Nguyễn Văn Hòa cam kết sẵn sàng nhận kỷ luật khai trừ khỏi Đảng và các hình thức kỷ luật khác nếu đề án của ông không thành.

Cuối cùng, qua tranh luận và phản biện khoa học, ông Nguyễn Văn Hòa đã đúng. Cái tâm trong sáng và tinh thần vì nghĩa lớn của ông đã vén lên bức màn đen tối của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Nai, giúp Nhà nước không mất mát công quỹ vô ích hơn cả chục tỷ đồng.

Giữa năm 2013 đến đầu năm 2014, xảy ra sự kiện nghiêm trọng trong vụ nhân bản xét nghiệm ở Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức, Hà Nội. Sau khi nhận rõ khuyết điểm, chị Phan Thị Oanh, kỹ thuật viên trưởng cùng kỹ thuật viên Hoàng Thị Nguyệt với một số người khác, đã dũng cảm ký tên vào đơn tố cáo và hợp tác cung cấp thông tin tham nhũng, khiến ông Giám đốc Nguyễn Trí Liên cùng 8 người khác phải nhận cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội.

Trong hoàn cảnh cả Đảng bộ, Công đoàn, Đoàn Thanh niên… gần như bị tê liệt trước những tiêu cực ở đây, chị Phan Thị Oanh và những đồng nghiệp dù bị hăm dọa, trù dập, vẫn dám tố giác sự việc, đã được dư luận xã hội, báo chí cả nước. Bà Lê Thị Nga, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội (nay là Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp); ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương… lên tiếng bảo vệ, đánh giá, ca ngợi là người cương trực, chân chính, cần được nêu gương và khen thưởng xứng đáng.

Qua những sự kiện tiêu biểu nêu ở trên, cùng với hàng chục tấm gương điển hình chống tham nhũng được Nhà nước biểu dương hàng năm, cho thấy nhân dân ta là một tiềm lực chính trị vô cùng vững chắc, một đội quân hùng mạnh sẵn sàng xung trận dưới ngọn cờ hiệu triệu của Đảng để diệt trừ “giặc nội xâm” và những quan tham vô lại hại nước, hại dân.

Song, quân đã hùng thì tướng phải mạnh và thật mạnh. Tướng không mạnh không đánh thắng được giặc tham nhũng. Người chỉ huy, người lãnh đạo nếu chỉ giỏi rao giảng, “đánh giặc mồm” nhưng nhát gan không dám xung trận, không bao giờ được quân sỹ khâm phục, tin yêu, đồng tâm hiệp lực xông lên tiêu diệt kẻ thù. Người chỉ huy, lãnh đạo nói đi đôi với làm, gương mẫu đi đầu, sẽ được quân sỹ ngàn người như một, nhất tề tuân lệnh tiến lên dưới cờ đại nghĩa.

Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII đã cho thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng với quyết tâm chính trị cao, hành động quyết liệt, một lòng đoàn kết chiến đấu vì nước, vì dân.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Trần Quốc Vượng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú, Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân… là những “tướng quân” dũng mãnh, mưu trí, họp thành Bộ Tổng Chỉ huy, đã mạnh tay đánh thắng giặc nội xâm, đạt thành quả bước đầu to lớn, rất quan trọng, được quân hùng cả nước tin tưởng, phấn khởi.

Tướng nhu, quân nhược sẽ không phòng, chống tham nhũng hiệu quả. Tướng càng mạnh quân càng hùng, giặc càng run sợ. Vì vậy, đã đến lúc “tướng quân” các bộ, ban, ngành, địa phương cần noi gương “tướng quân” Bộ Tổng Chỉ huy, gương mẫu đi đầu phòng, chống tham nhũng, để nhân dân tin yêu làm theo.

Toàn dân ta không thể án binh bất động, đứng ngoài cuộc. Tất cả “quân sỹ” khắp các đơn vị cơ sở phường, xã, cơ quan, đơn vị, trường học, bệnh viện… noi gương dũng cảm, trong sáng của Đại tá Công an nghỉ hưu Đinh Đình Phú, Giám đốc Công ty Khai thác công trình thủy lợi Nguyễn Văn Hòa… các học sinh và phụ huynh đã phát hiện, dám đấu tranh với  thi cử gian dối ở Hà Giang, cùng bao tấm gương tốt đẹp khác, đoàn kết đứng lên ủng hộ mạnh mẽ Đảng, Chính phủ trừ diệt giặc nội xâm vì hạnh phúc của chính chúng ta.

Phòng, chống giặc nội xâm phải có quân hùng, tướng mạnh. “Quân” càng hùng, “tướng” càng mạnh mới phòng, chống tham nhũng thành công.

HỒ NGỌC SƠN- ĐỖ CÔNG ĐỊNH