Đặc biệt, tỉnh Khánh Hòa, với ba vụ ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng chỉ trong thời gian ngắn, trong đó có xảy ra cả ở trường học. Điều đã làm nhiều người lo lắng nhất là những phụ huynh cho con em học bán trú tại đây.

Trong khuôn khổ Tháng Hành động vì an toàn thực phẩm năm 2024, kéo dài từ 15/4 đến 15/5, năm đoàn kiểm tra liên ngành Trung ương do Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan để tiến hành kiểm tra công tác bảo đảm an toàn thực phẩm tại 10 tỉnh, thành phố trọng điểm. Đây là các địa phương nơi ghi nhận nhiều trường hợp ngộ độc thực phẩm trong thời gian gần đây.

Tuy nhiên có một thực tế rằng, những đoàn liên ngành theo kiểu “trống rong cờ mở” dù có ồn ào, rầm rộ nhưng khó lòng đẩy lùi các nguy cơ tiềm ẩn từ ngộ độc thực phẩm vẫn thường diễn ra, nhất là các bếp ăn tập thể như trường học, khu chế xuất, khu công nghiệp.

Nguyên nhân thì nhiều mà chức năng thì có hạn, các đoàn đi đến chớp nhoáng, khó kiểm soát hết quy trình từ giết mổ, gieo trồng đến phân phối, chế biến, bảo quản và thành thức ăn trong các bếp ăn tập thể. Thế mới biết, ngộ độc thực phẩm có nguyên nhân chuỗi, nó có thể xảy ra ở bất kỳ khâu nào, không phụ thuộc nhiều vào đoàn kiểm tra công tác. Tuy nhiên, không thể phủ nhận một điều, nếu kiểm tra, giám sát thường xuyên, liên tục cũng góp phần tích cực trong ngăn ngừa các nguy cơ mất vệ sinh thực phẩm.

Song nguyên nhân chính có thể nói vẫn là sự chủ quan của con người vận hành tạo ra chuỗi thức ăn cung cấp ra cộng đồng xã hội. Sự chủ quan này có thể là vô ý, thiếu quan sát, thận trọng song cũng phần nhiều vì lòng tham và lợi nhuận. Ví như người nông dân đã mang tư duy nuôi “lợn nuôi hai chuồng, rau trồng hai luống”, con nào nuôi tăng trọng, chất tạo nạc thì bán ra ngoài, luống rau nào phun nhiều thuốc kích thích, chứa chất bảo quản thì mang ra chợ, chỉ giữ cho mình thực phẩm sạch. Hành vi này rõ ràng đang tạo nguy cơ cho ngộ độc thực phẩm.

Cũng như vậy, người kinh doanh bếp ăn, ham rẻ, muốn chênh lợi nhuận, chọn thực phẩm không tốt sẽ tạo cho bếp ăn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.

Những chi tiết này khó chuyên ngành chức năng nào giám sát 24/7 được mà nó phụ thuộc rất nhiều vào lương tâm đạo đức những người tạo ra sản phẩm trong bếp ăn.

Hằng ngày chúng ta vẫn đi chợ, tình huống thực phẩm chứa hóa chất tràn lan đôi khi khiến người tiêu dùng muốn trở thành người thông thái cũng khó. Nhiều người đã chấp nhận giá cao để mua những thực phẩm tươi sạch, nguồn gốc rõ ràng. Có điều, phần nhiều người lao động nghèo không có lựa chọn đó. Bất an về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm trong dân chúng rõ ràng vẫn đang tồn tại.

Câu hỏi đặt ra là: Cần làm gì để lấp đầy những lỗ hổng trong phân cấp trách nhiệm quản lý Nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm. Mặt khác chính quyền cơ sở cũng phải đảm nhận trách nhiệm trong việc giám sát nghiêm về an toàn thực phẩm.

Để nâng cao hiệu quả quản lý an toàn thực phẩm, các địa phương cần phải sớm xây dựng hệ thống thông tin phục vụ công tác quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm. Hệ thống này cần kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để đảm bảo tính toàn vẹn và chính xác. Sau mỗi vụ ngộ độc thực phẩm, cần có sự điều tra và xử lý kịp thời, nghiêm túc để ngăn chặn vi phạm tái diễn. Đây là biện pháp cần thiết để đảm bảo an toàn thực phẩm và bảo vệ sức khỏe của người dân. Mặt khác, cần kiên quyết xử lý nghiêm các cơ sở không đảm bảo an toàn thực phẩm và đình chỉ hoạt động đối với những cơ sở không đủ điều kiện. Công tác kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm cần được thực hiện liên tục, thường xuyên và bất ngờ.

 

Ngô Quốc Đông