Năm 2017 ghi dấu một thắng lợi nổi bật của Đảng ta trong cuộc đấu tranh quyết liệt phòng, chống tham nhũng. Những thành quả to lớn bước đầu này có tầm quan trọng chiến lược. Nó cho thấy triển vọng, khả năng mở ra một giai đoạn mới hạn chế, ngăn chặn, đẩy lùi từng bước và quyết tâm tiến tới đánh thắng giặc nội xâm.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu, đại ý: Phòng, chống tham nhũng là cuộc đấu tranh rất lâu dài, gian khổ, phức tạp. Phải tiếp tục đấu tranh mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa. Đã đến lúc không một ai có thể đứng ngoài cuộc. Những thắng lợi bước đầu giành được là nhờ có sự ủng hộ của toàn dân mới đạt được kết quả như vậy. Phải dựa vào dân trong cuộc đấu tranh này…

Lời nói đi đôi với việc làm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng Chính phủ bắt tay thực hiện phương châm xây dựng một chính phủ kiến tạo, hành động, liêm chính, trách nhiệm, phục vụ nhân dân, đã đưa đất nước tiếp tục phát triển đi lên, tăng trưởng mọi mặt.

Nhân dân ta rất phấn khởi, tin tưởng và dư luận quốc tế hoan nghênh những thành công của Việt Nam trước tình hình thế giới diễn biến rất phức tạp.

Đảng ta là một Đảng cách mạnh chân chính. Đặt quyền lợi tối cao của nhân dân, đất nước lên trên hết, Đảng dám nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, đánh giá đúng sự thật. Đảng tin dân. Dân tin Đảng. Sự thật là sức mạnh của Đảng. Đây là một nguyên lý, một nguyên tắc cơ bản trong các hoạt động cách mạng của Đảng. Do vậy, tất cả chúng ta cần nhận rõ thực trạng và nguyên nhân tham nhũng đã diễn ra từ năm 2015 trở về trước, góp phần đắc lực nhất lan tỏa mạnh mẽ, sâu rộng khí thế cách mạng tiến công của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, tạo ra bước ngoặt chuyển biến mới về chất trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Về thực trạng, Đảng đã trung thực, dũng cảm chỉ rõ tham nhũng đã trở thành một quốc nạn và là một trong bốn nguy cơ đối với sự sống còn của Đảng và chế độ ta. Nó nghiêm trọng đến mức cho đến tận bây giờ vẫn diễn biến tinh vi, phức tạp, vẫn “trên nóng dưới lạnh”, vẫn là vấn đề thời sự nóng bỏng nhất trong các cuộc tiếp xúc cử tri của lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta.

Quốc nạn tham nhũng đã đem đến 5 cái mất to lớn, không dễ gì sớm bù đắp được:

1. Thất thoát, thiệt hại vô kể về tài chính và đất đai, nhà cửa tính bằng tiền, do ‘bộ tứ” gồm 4 tội đồ: Tham ô, hối lộ, lãng phí, quan liêu gây nên.

Số tiền tham ô công quỹ, bòn rút xà xẻo các dự án, đưa và nhận hối lộ diễn ra thường xuyên, không ngăn chặn được, gây lo ngại, do dự, nản lòng các nhà đầu tư.

Các tập đoàn kinh tế, tổng công ty sở hữu nguồn vốn khổng lồ của Nhà nước tới hơn 1 triệu 240 nghìn tỷ đồng, số làm ăn có lãi rất ít, phần lớn đều làm ăn cầm chừng, kém hiệu quả. Không ít doanh nghiệp nợ tín dụng cao hơn 10 lần vốn sở hữu. Chưa kể một số khác đầu tư dàn trải tràn lan ngoài ngành, làm mất hết vốn của Nhà nước, không còn khả năng trả nợ, phải làm thủ tục phá sản. Khá nhiều công ty, xí nghiệp, nông trường quốc doanh làm ăn thua lỗ triền miên, nhưng có một nghịch lý là, trong khi đời sống người lao động điêu đứng thì những người lãnh đạo chủ chốt ở đây lại giàu lên nhanh chóng, trở thành những nhà tỷ phú, “tư sản đỏ”.

Nợ xấu khó đòi của các ngân hàng thương mại quốc doanh tồn đọng khá lớn, đến nay vẫn chưa giải quyết xong.

Nợ công của Chính phủ không ngừng tăng lên, năm 2017 tương đương 58% GDP, năm 2018 Chính phủ trình Quốc hội nợ công có thể tương đương hơn 64% GDP. Tuy tình hình chưa có gì nguy hiểm, nhưng tính bình quân đầu người, mỗi người dân gánh nợ cho Chính phủ trên dưới 20 triệu đồng cho các khoản chi tiêu công của Chính phủ, trong khi đại đa số nhân dân còn rất nghèo.

Tình hình trốn thuế, lậu thuế, khai man thuế, nhất là nợ thuế không trả được đã lớn hơn cả chục ngàn tỷ đồng. Các công ty ma buôn bán hóa đơn giá trị gia tăng, gây thiệt hại cho công quỹ hàng trăm tỷ đồng.

Tình hình bất tuân lệnh Chính phủ, đua nhau xây dựng trụ sở mới, trang bị nội thất đắt tiền, mua và đổi ô tô sang trọng, chi tiêu hành chính vượt xa mức quy định. Dùng công quỹ làm quà biếu với giá trị lớn.

Đi khảo sát, tham quan, du lịch, học tập ở nước ngoài cho bản thân và gia đình.

Lập quỹ đen chi dùng cho cá nhân và phe, nhóm liên hoan chè chén, ăn chơi trác táng… gây thiệt hại nặng nề cả về vật chất và uy tín của Đảng.

Đặc biệt, không nơi nào trên thế giới như ở Việt Nam, những vụ kiện tụng về đất đai, công sở, nhà ở của dân chiếm tỷ lệ lớn nhất, phức tạp nhất, kéo dài nhiều ngày nhất với 70% tổng số các vụ, việc tiêu cực tham nhũng. Hàng trăm ngàn héc-ta đất, hàng chục triệu m2 nhà đã rơi vào tay “giặc nội xâm”, gây nên nhiều thảm cảnh hết sức đau lòng. Những vụ kiện tụng vượt cấp lên Trung ương diễn ra liên miên, đến này vẫn chưa chấm dứt được. Nguyên do của nó là đua nhau “trải thảm đỏ” mời gọi đầu tư, khiến cho nhiều khu “đất vàng” ở đô thị, nhiều khu “đắc địa” ở nông thôn, bờ biển bán với giá rẻ như bèo, nhà đầu tư thu siêu lợi nhuận. Hàng trăm dự án treo, có những dự án treo hơn chục năm, dân mất đất, mất nhà, mất công ăn việc làm, sống bần cùng. Đất công, nhà công bị đem cho thuê, san nhượng, buôn bán trái phép.

Bỏ ra hàng chục triệu USD mua phương tiện, máy móc cũ, lạc hậu đem về không dùng được, phải đắp chiếu làm phế liệu.

Cổ phần hóa trì trệ, chậm chạp, định giá tài sản công thấp hơn giá thị trường cả chục lần. Số tiền lớn thất thoát chắc chắn chảy vào túi phe nhóm tham nhũng.

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và các chuyên gia kinh tế giàu kinh nghiệm của thế giới công tác ở Việt Nam từng nhận xét: Tình hình tham ô, hối lộ, lãng phí, quan liêu như đã nêu, cùng với nhiều rủi ro khác, đã dẫn đến hệ lụy công quỹ Việt Nam thất thoát nhiều năm không dưới 5 tỷ USD/mỗi năm.

2. Cái mất thứ hai là mất người. Hàng ngàn cán bộ, đảng viên có cả lãnh đạo cấp cao bị ma lực đồng tiền cám dỗ, đã trở thành loài sâu mọt, tội phạm tham nhũng.

3. Cái mất thứ ba là nhiều giá trị tinh thần, văn hóa, phẩm chất đạo đức cao đẹp của xã hội bị suy thoái, xuống cấp, có mặt rất nghiêm trọng.

Con người ngày càng phát triển khuynh hướng hưởng thụ vật chất tầm thường, thấp hèn, làm cho các loại tệ nạn xã hội nguy hiểm ngày càng gia tăng, gây nên cuộc sống căng thẳng cho từng người, từng gia đình và cộng đồng xã hội.

Trong Đảng xuất hiện những “nhà tư sản đỏ”, “cường hào mới”, “đại gia” với lối sống của những “quan cách mạng”, khiến trong Đảng cũng tăng nhanh phân hóa giàu nghèo.

4. Cái mất thứ tư là nhiều tổ chức Đảng và bộ máy chính quyền mất uy tín.

Người ta mặc cảm, định kiến bộ máy chính quyền dung dưỡng tham nhũng. Sờ vào đâu cũng thấy tham nhũng nhưng nhiều tổ chức cơ sở của Đảng, chính quyền đã mất hiệu lực lãnh đạo, tê liệt sức chiến đấu.

5. Cái mất thứ năm là mất lòng tin của dân.

Đây là cái mất lớn nhất, nguy hiểm nhất, đáng lo ngại nhất. Nhân dân giảm sút lòng tin nghiêm trọng với Đảng, quần chúng không tín phục Chi bộ. Chi bộ không tín phục lãnh đạo cấp trên. Khắp các tổ chức, đơn vị cơ sở đều diễn ra tình trạng dĩ hòa vi quý, bằng mặt không bằng lòng, phần ai tự nấy lo nấy sống. Thậm chí, nhiều cán bộ cấp dưới khinh thường cấp trên nhưng không nói ra.

Mất niềm tin, mất lòng dân, không được dân ủng hộ, gắn bó máu thịt là mất tất cả.

Tệ nạn tham nhũng chuyển biến sang một hình thức khác cao hơn, gây tác hại khôn lường. Đó là tham nhũng quyền lực. Nó tạo ra bè phái trong Đảng, trong chính quyền, tranh giành quyền lực phục vụ cho lợi ích nhóm.

Thực trạng tham nhũng ở nước ta còn xuất hiện những hành vi xấu xa, dã man hơn cả nạn tham nhũng trên thế giới: Ăn chặn cả tiền xây mộ liệt sỹ, tiền điều dưỡng người có công với cách mạng, tiền và gạo cứu đói, hỗ trợ bão lụt, đặc biệt là tiền và gạo cứu trợ người nghèo ăn Tết… Không ít cán bộ xã đã kê khống, quyết toán khống nhà người nghèo, đem tiền hỗ trợ dân vùng lũ đi gửi ngân hàng để ăn lãi, đua nhau làm giả hồ sơ thương binh, người nhiễm chất độc da cam… để rút ruột ngân sách Nhà nước.

Quả thật, quốc nạn tham nhũng đã làm chậm đà phát triển của nền kinh tế - xã hội, tăng lạm phát, vay nợ, bội chi ngân sách; tăng nạn nghèo đói trong dân chúng, gây hệ lụy cho chính sách an sinh xã hội giàu chất nhân văn của Đảng và Nhà nước ta.

Tổ chức Minh bạch Quốc tế (Transparency International) có đại diện ở hơn 100 quốc gia, hàng năm khảo sát hơn 150 nền kinh tế thế giới, đã xếp thứ hạng tham nhũng của Việt Nam như sau:

Báo Lao Động đưa tin: “Theo công bố về chỉ số cảm nhận tham nhũng 2013 của  Tổ chức Minh bạch Quốc tế ngày 3/12/2013, Việt Nam xếp hạng 116/177 quốc gia và vùng lãnh thổ với điểm số 31/100 (số 0 chỉ mức độ tham nhũng cao và 100 là rất trong sạch).

Thời báo Ngân hàng ngày 22/3/2018 cho biết: Theo dữ liệu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, trong chỉ số nhận thức tham nhũng 2017 của Tổ chức Minh bạch Quốc tế, Việt Nam chỉ đứng ở vị trí 107 trong 180 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Nói chung, từ năm 2017 trở về trước, Việt Nam đứng trong tốp 30 nước tham nhũng nhiều nhất của thế giới. Ở châu Á, Việt Nam cùng Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia, Campuchia… là những nước tham nhũng nhiều nhất. Ở Đông Nam Á, Việt Nam cũng xếp trong tốp 4, tức là tốp các nước tham nhũng nhiều nhất.

Vấn đề đặt ra là: Tham nhũng là một căn bệnh trầm kha rất khó chữa khỏi, nhưng có thể chữa trị được không? Tất nhiên là rất lâu dài, cam go nhưng đoán trúng bệnh, bốc trúng thuốc, thì như thuật ngữ của Tổ chức Minh bạch Quốc tế, có thể hạn chế đến mức thấp nhất, tức là tham nhũng ít nhất, tham nhũng không đáng kể.

Hàng năm Tổ chức Minh bạch Quốc tế đều giám sát chặt chẽ, đưa ra danh sách những nước tham nhũng ít nhất, tham nhũng không đáng kể, được gọi là những “chính quyền sạch”, “quốc gia sạch” của thế giới như New Zealand, Đan Mạch, Phần Lan, Iceland, Singapore, Thụy Điển, Thụy Sỹ, Hà Lan, Na uy, Hồng Kông (Trung Quốc)…

Với điểm 10 là “rất trong sạch”, 3 nước đạt được điểm cao nhất là New Zealand, Iceland, Phần Lan đạt 9,6 điểm.  Trong tốp 5 đứng đầu bảng “rất trong sạch” có Đan Mạch 9,5 điểm, Singapore 9,4 điểm. Tiếp theo là Thụy Điển 9,2 điểm, Thụy Sỹ 9,1 điểm.

Như vậy, ở châu Á và Đông Nam Á có 3 quốc gia, vùng lãnh thổ sạch, chính quyền sạch là New Zealand, Singapore và Hồng Kông.

Quốc nạn tham nhũng gây nên 5 cái mất là do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó chủ quan là chính. Quan trọng và đáng nói hơn cả là 5 nguyên nhân dưới đây:

1. Chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, tư lợi phát triển.

Do không lường trước được hết mặt trái và những mảng tối của nền kinh tế thị trường đã làm cho một bộ phận không nhỏ đảng viên, cán bộ, nhân dân đánh mất tinh thần dĩ công vi thượng, sa vào vũng lầy vun vén cá nhân, tự tư tự lợi, đam mê quyền lực, tiền tài, danh vọng, dẫn đến phạm tội tham nhũng.

2. Quan điểm, nhận thức về tham nhũng lệch lạc, không thống nhất.

Chỉ rõ tham nhũng là “giặc nội xâm”, Bác Hồ khẳng định: “Nó là kẻ thù khá nguy hiểm vì nó không mang gươm, mang súng, mà nó nằm trong tổ chức chúng ta, để làm hỏng công việc của ta. Tội tham ô, lãng phí cũng nặng như lỗi Việt gian, mật thám. Chống tham nhũng cũng quan trọng, cần kíp như việc đánh giặc trên mặt trận”… Bác dạy: “Chống tham ô, lãng phí, quan liêu là cách mạng. Chống tham ô, lãng phí, quan liêu là dân chủ” (Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 6, Nxb Sự thật, 1986).

Nguyên Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, khi viết “Những việc cần làm ngay”, nói về chống tham nhũng, đã dùng hình ảnh: “Muốn lúa đồng xanh tốt, phải trừ diệt sạch cỏ dại và sâu bọ”.

Thế nhưng, không ít lãnh đạo chủ chốt các cấp lại cho rằng: “Giặc nội xâm” từng là đồng chí thân thiết, có công với cách mạng, do vậy xử lý kỷ luật cần chiếu cố, nhẹ tay. Thậm chí, có cán bộ lãnh đạo còn cho rằng, xử trí nặng tay sẽ không còn cán bộ để làm việc! Nếu công khai minh bạch sẽ gây mất uy tín cho sự lãnh đạo, không lợi cho an ninh, chính trị, xã hội…

Chính từ những nhận thức lệch lạc, không thống nhất này, đã dẫn đến tình trạng phe nhóm “em ngã chị nâng”, dĩ hòa vi quý, nước chảy bèo trôi.

3. Lãnh đạo chủ chốt thiếu quyết tâm, thiếu gương mẫu.

Tại Hội nghị Trung ương 4 (khóa IX) cuối năm 2002, đã chỉ rõ về chủ quan có nhiều nguyên nhân chủ yếu: “Một là, sự chỉ đạo của cấp ủy Đảng, trước hết là của Bộ Chính trị chưa kiên quyết và chưa tập trung đúng mức. Hai là, một số cán bộ chủ chốt các cấp chưa tự giác tự phê bình và phê bình, chưa làm gương cho cán bộ, đảng viên trong đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí…”.

Trong phiên họp ngày 1/12/2004, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa IX đã kết luận: “Nhiều bộ trưởng nể nang, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, vì thế tham nhũng, tiêu cực chưa được ngăn chặn kịp thời…”.

Hai năm sau, Hội nghị Trung ương 3 (khóa X) ra Nghị quyết 04/NQ-TW ngày 21/8/2006, đã thẳng thắn nêu lên: “Một bộ phận không nhỏ đảng viên, cán bộ, công chức, suy thoái về tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống. Không ít cán bộ chủ chốt các cấp, các ngành, kể cả cán bộ lãnh đạo cao cấp, còn thiếu gương mẫu trong việc giữ gìn phẩm chất đạo đức, chưa đi đầu trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí và thực hành tiết kiệm…”.

4. Những khâu then chốt chưa được đột phá.

Từ 3 nguyên nhân đã nêu trên cho thấy khoảng thời gian dài trước Đại hội XII của Đảng, cách đặt vấn đề chống tham nhũng chưa hoàn toàn trúng để tạo đột phá.

Thái độ lơ là, không đấu tranh quyết liệt chống chủ nghĩa cá nhân vị kỷ, tự tư tự lợi, đã phải trả giá quá đắt cho quốc nạn tham nhũng. Vấn đề xây dựng Đảng là then chốt, cán bộ quyết định hết thảy, các nguyên tắc cơ bản: Tôn trọng sự thật, công khai minh bạch các cơ chế chống tham nhũng… đều không được quan tâm đúng mức. Đặc biệt, Đảng ta là Đảng hành động. Lời nói phải đi đôi với việc làm, coi trọng việc làm hơn lời nói, nhưng Đảng, Chính phủ chưa mạnh tay hành động, vô tình hay hữu ý đã dung dưỡng cho “giặc nội xâm” hoành hành.

5. Cán bộ là nguyên nhân của nguyên nhân

Xét cho cùng, để xảy ra quốc nạn tham nhũng là do cán bộ là nguyên nhân của nguyên nhân.

Tục ngữ Việt Nam có câu “nhà dột từ nóc” và sách cổ cũng chỉ rõ “thượng bất chính, hạ tắc loạn”. Thực tế cho thấy, xử án những kẻ tham nhũng có quyền, chức cao rất khó khăn và phức tạp. Họ có trí thức, có trình độ, lại có vị trí quan trọng. Họ biết trước chủ trương, chính sách để lách luật. Công tác điều tra phải qua nhiều cấp, nhiều cơ quan, tổ chức. Vì vậy, đầu vào của công tác tuyển chọn cán bộ có ý nghĩa rất quyết định trong phòng, chống tham nhũng. Chọn được người tốt thì lợi ích nhiều. Chọn phải người xấu thì tác hại vô kể.

Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhìn thấu suốt thực trạng và nguyên nhân của quốc nạn tham nhũng. Đảng đã tỏ rõ quyết tâm chính trị cao, hành động quyết liệt trừ diệt  “giặc nội xâm”. Đảng đã vén mây mù để tỏa lan ánh sáng chân lý trên bầu trời chống tham nhũng. Đảng đã mở được cửa đột phá vào những mục tiêu then chốt, giành được thắng lợi bước đầu rất quan trọng, khôi phục niềm tin yêu, phấn khởi, sự ủng hộ của toàn dân.

Nếu công cuộc phòng, chống tham nhũng tiếp tục với cung cách, liều lượng, nhịp độ, cường độ như hiện nay, được toàn dân ủng hộ mạnh mẽ, đấu tranh quyết liệt hơn nữa, nhất định sẽ thành công như mong muốn.

Thực tiễn đã chứng minh, những người không khuất phục cường quyền, trung thực, thẳng thắn, dám dũng cảm đấu tranh chống tham nhũng là những người chân chính, yêu nước thương nòi, ủng hộ Đảng mạnh mẽ nhất.

Quốc nạn tham nhũng không những làm cho nền kinh tế - xã hội chậm phát triển, còn làm ô uế thanh danh của Đảng. Nhiệt liệt hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Đã đến lúc không còn ai có thể đứng ngoài cuộc. Ai không làm thì đứng sang một bên để người khác làm…”. Với tinh thần sống vì mọi người, vì vinh quang của Tổ quốc, vì sinh mệnh của dân tộc gắn liền với sinh mệnh của Đảng, tất cả chúng ta góp phần đắc lực nhất cùng Đảng quyết đánh thắng “giặc nội xâm”, viết tiếp những trang huy hoàng, làm rực rỡ thêm cuốn sử vàng của cách mạng Việt Nam.

HỒ NGỌC SƠN- ĐỖ CÔNG ĐỊNH