Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ ba, 10/07/2018 - 09:40
(Thanh tra) - Trong khi đổi mới phương thức lãnh đạo diễn ra rộng lớn trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, cần tập trung trí lực vào 3 mục tiêu có ý nghĩa chủ yếu quyết định: Chiến lược và sách lược quốc gia; nhân tố con người; bộ máy công quyền tinh, gọn.
Quang cảnh Hội nghị Trung ương 7. (Ảnh: VGP)
Để có thể nhanh chóng khắc phục thực trạng của nền kinh tế - xã hội nông nghiệp nghèo nàn, lạc hậu và hậu quả chiến tranh tàn phá hết sức nặng nề, Việt Nam đã bắt tay tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế sâu rộng; đạt được những thành tựu to lớn, quan trọng bước đầu trên khắp các lĩnh vực của đời sống xã hội. Đây là dấu ấn tốt đẹp quá trình đổi mới phương thức lãnh đạo cả tư duy và hành động của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Đổi mới phương thức lãnh đạo thích ứng với yêu cầu, nhiệm vụ của thực tiễn tình hình là phép biện chứng của phạm trù triết học “quan hệ sản xuất phải phù hợp với sức sản xuất’”để không kìm hãm mà thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển đi lên.
Thực tế cho thấy, kế thừa tinh thần Nghị quyết của các kỳ Đại hội Đảng toàn quốc trước, dưới ánh sáng của Đại hội Đảng toàn quốc XII, Đảng và Chính phủ ta đã đổi mới càng mạnh mẽ, quyết liệt phương thức lãnh đạo, nhằm đáp ứng kịp những đòi hỏi, thách thức của thời đại cách mạng công nghiệp thế giới lần thứ 4.
Tình hình thế giới luôn đột biến phức tạp, nhạy cảm khó lường trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, quân sự… và khoa học công nghệ phát triển như vũ bão. Mục đích đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng ta là phát triển nhanh, mạnh nền kinh tế - xã hội của đất nước nhưng điều quan trọng nhất, phải thường xuyên quan tâm nhiều nhất là yếu tố bền vững lâu dài. Đổi mới phương thức lãnh đạo không làm theo kiểu “phong trào”, kiểu ồ ạt, mà phải làm một cách hết sức vững chắc từng bước, từng giai đoạn và vững chắc trước mọi thách thức, biến cố của thời cuộc.
Do vậy, trong khi đổi mới phương thức lãnh đạo diễn ra rộng lớn trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, cần tập trung trí lực vào 3 mục tiêu có ý nghĩa chủ yếu quyết định: Chiến lược và sách lược quốc gia; nhân tố con người; bộ máy công quyền tinh, gọn.
1. Về chiến lược và sách lược quốc gia
Đảng ta là đảng cầm quyền. Đường lối đúng đắn, sáng suốt của Đảng là nhân tố tiên quyết thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Muốn trị quốc, bình thiên hạ thì trước hết phải trị Đảng thật trong sạch, vững mạnh, có sức lãnh đạo, chiến đấu cao.
Đảng viên phải đi trước để làng, nước theo sau. Đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược do Trung ương quản lý phải đủ đức, tài song toàn, ngang tầm nhiệm vụ để toàn dân, toàn Đảng, toàn quân, tin tưởng, noi gương, học tập và làm theo.
Như chúng ta đã biết, nghèo đói là nguyên nhân của mọi thảm họa. Vì vậy, song song với chiến lược bảo vệ và xây dựng vững chắc đất nước, vấn đề tăng cường an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi cộng đồng là một mục tiêu hàng đầu, rất trọng đại của chiến lược và sách lược quốc gia.
Thực tế, nơi nào đời sống nhân dân được cải thiện tốt đẹp, nơi đó không khí xã hội càng vui tươi, phấn khởi, mọi người một lòng đoàn kết xây dựng Đảng, chính quyền vững bền.
Nếu khoảng cách giầu nghèo ngày càng lớn; tỷ lệ giới thượng lưu phát triển nhanh hơn đời sống yếu kém của thường dân; trình độ miền núi so với đồng bằng, nhất là so với thành phố chênh lệch quá xa; người dân mất công việc quá nhiều trong thời đại 4.0, sẽ làm cho lòng dân không yên.
Không có sự vững chắc nào đối với Đảng bằng sự vững chắc của lòng dân.
Đổi mới phương thức lãnh đạo là đổi mới về hình thức, giải pháp không phải là thay đổi bản chất của Đảng và chế độ ta. Ngược lại, nó nhằm mục đích tối cao là đảm bảo quyền lãnh đạo trực tiếp, toàn diện đất nước của Đảng trường tồn bền vững và đạt hiệu quả ngày càng cao. Đây là vấn đề chính trị quan trọng nhất, dĩ bất biến trong chiến lược và sách lược quốc gia của Đảng.
Do vậy, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, hoạt động của đảng viên và cán bộ phải tôn trọng những nguyên tắc cơ bản tối ưu sau đây:
a) Nước lấy dân làm gốc. Học tập tư tưởng, đạo đức lối sống Hồ Chí Minh trước hết là thấm nhuần sâu sắc và làm theo quan điểm chính trị cơ bản nhất, quyết định nhất của Người. Đó là phải lấy dân làm gốc. Quyền lợi tối cao là thuộc về nhân dân. Bao nhiêu hạnh phúc cũng mang lại trên hết cho dân. Có dân là có tất cả. Mất dân là mất tất cả.
b) Thực hiện đại đoàn kết toàn dân tộc. Bác Hồ đã căn dặn: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”.
c) Thực hiện nguyên tắc công khai, minh bạch. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ, càng công khai, minh bạch để dân hiểu rõ thấu đáo thực chất của vấn đề, thì dân càng tin tưởng, ủng hộ Đảng mạnh mẽ.
d) Thực hành dân chủ rộng rãi. Sinh thời, trong Tuyên ngôn độc lập, Bác Hồ đã dùng cụm từ “thực hành dân chủ rộng rãi”. Suốt cuộc đời hoạt động của mình, Bác luôn nhắc nhở phải thực hành dân chủ rộng rãi. Và, trước khi từ trần, một lần nữa, trong Di chúc thiêng liêng, Bác kính yêu lại ân cần căn dặn: “Thực hành dân chủ rộng rãi”. Thực hành dân chủ rộng rãi là tạo sự đồng thuận cao của toàn dân, của toàn xã hội đối với sự lãnh đạo của Đảng. Kêu gọi phát huy quyền làm chủ của dân nhưng không thực hành dân chủ rộng rãi, thì không phát huy được quyền làm chủ của dân. Ngược lại, nếu thực hành dân chủ rộng rãi, thì điều đó có nghĩa là đã thật sự coi trọng phát huy quyền làm chủ của dân.
đ) Tẩy trừ chủ nghĩa hình thức. Cái gọi là “bệnh thành tích” thực chất là bệnh hình thức chủ nghĩa. Tác hại của nó là không coi trọng lấy chất lượng, nội dung làm chính, mà chạy theo vẻ đẹp bề ngoài. Nguy hiểm nhất là nó dẫn đến lối sống lừa bịp, gian dối, gian dối với cả chính mình và với tập thể, cấp trên, người dưới, gây nguy hại cho đất nước, cho nhân dân.
Thời đại 4.0 là cuộc tranh đua quyết liệt về nội dung và chất lượng. Nó đòi hỏi phải đặc biệt coi trọng về nội dung và chất lượng. Nếu chạy theo những thành tích giả tạo và gian dối, thay vì không hoàn toàn thất bại, cũng sẽ tụt hậu so với các nước trong khu vực. Ai có nền khoa học công nghệ có nội dung và chất lượng cao hơn, tốt đẹp hơn, thì người đó sẽ thắng.
e) Đề cao nền pháp trị. Trải qua hàng ngàn năm chịu ảnh hưởng trực tiếp của nền văn hóa phong kiến Bắc thuộc, nền pháp trị của nước ta có khá nhiều trường hợp đan xen những điều không đúng về đức trị, nhân trị của Nho giáo, dẫn đến việc xử lý pháp luật còn chiếu cố người có công lao, thành tích, chiếu cố gia đình có truyền thống cách mạng, nể nang, dĩ hòa vi quý, nhẹ tay, làm cho pháp luật và nền pháp trị thiếu nghiêm minh.
Ở các nước có nền kinh tế xã hội phát triển tốt đẹp, tiêu biểu như Đức và Singapore… đều xây dựng đất nước trên nền tảng của pháp trị, xoay quanh trục pháp luật là chính. Nền pháp trị nghiêm minh và tiên tiến sẽ giúp mọi người đều thượng tôn pháp luật, tự giác chấp hành kỷ luật, sống có quy củ, nề nếp, sống đàng hoàng, văn hóa, văn minh, lịch sự.
Sách có câu: “Thượng bất chính, hạ tắc loạn”. Sau Đại hội XII của Đảng, Bộ Chính trị đã thi hành kỷ luật nghiêm khắc, cho xử án đúng người, đúng tội những cán bộ cấp chiến lược do Trung ương quản lý, cho thấy một bước tiến quan trọng mới của nền pháp trị nước ta không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không có đặc ân, đặc quyền, đặc lợi. Mọi người ở bất cứ cương vị nào cũng đều phải bình đẳng trước pháp luật. Tinh thần xử lý pháp luật nghiêm minh của Đảng đã gây được niềm tin, phấn khởi của nhân dân cả nước và dư luận nước ngoài.
2. Về nhân tố con người
Xét đến cùng, con người quyết định hết thảy. Tập trung đầu tư cho con người tức là đầu tư cho nguồn lực chủ yếu mang lại hiệu quả cao nhất trong đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng.
Vấn đề này, Nghị quyết chuyên đề của Hội nghị Trung ương 7, khóa XII về cán bộ và công tác cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược do Trung ương quản lý, đã đề cập một cách hết sức đầy đủ, toàn diện, sáng tỏ và sâu sắc.
Thời đại công nghiệp 4.0 đòi hỏi cán bộ phải đủ đức, tài ngang tầm nhiệm vụ. Phải coi trọng nhân tài và chăm lo đào luyện nhân tài trở thành những bậc hiền tài.
Định lượng và định tính giá trị đích thực về nhân sự nói chung và nhân tài nói riêng là sự hiểu biết sâu rộng về chuyên môn và nhiều lĩnh vực khác, chứ không phải lấy “thâm niên” và “kinh nghiệm” làm thước đo chuẩn giá trị.
Không chỉ chọn nhân tài trong Đảng, mà chọn nhân tài trong cả nước và cả Việt kiều yêu nước ở nước ngoài. Không chỉ chọn đảng viên mà chọn cả người ngoài Đảng.
Một yêu cầu cần thiết khác đặt ra với cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược là phải biết ngoại ngữ, ít nhất phải biết một ngoại ngữ, lấy tiếng Anh là chính. Biết ngoại ngữ không những tự mình có thể trực tiếp giao dịch, đối thoại với đối tác nước ngoài, mà quan trọng hơn nhiều là giúp cho việc nghiên cứu nắm bắt kịp những vấn đề phát xuất mới của thế giới 4.0, nhằm nâng cao kiến thức và vận dụng sáng tạo vào thực tiễn trong nước.
Phương pháp tuyển chọn tốt nhất là tranh cử. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Đảng, tổ chức tranh cử các chức vụ chính quyền và cả của Đảng với tinh thần thực sự cầu thị, khách quan, trung thực, công bằng, đoàn kết thân ái vì sự nghiệp chung. Cần đặc biệt quan tâm ý kiến đóng góp và sự tín nhiệm của quần chúng nhân dân. Hạn chế đến mức thấp nhất, tiến tới trừ bỏ các hình thức tuyển chọn cán bộ như “tự chọn người thừa kế”, “cấp trên tín nhiệm” “cha truyền con nối”…
3. Về tinh gọn bộ máy công quyền
Hơn 70 năm qua, trong chiến tranh và hòa bình xây dựng đất nước, Đảng và bộ máy công quyền nước ta đã hoàn thành xuất sắc, vẻ vang sứ mệnh lịch sử đối với dân tộc. Tuy vậy, quá trình tiến hành công cuộc Đổi Mới, do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, cho thấy hiện nay hệ thống các tổ chức bộ máy công quyền đã phát triển cồng kềnh, đồ sộ; không còn phù hợp với giai đoạn cách mạng mới. Cả về tổ chức và nhân sự đều biên chế vượt trội yêu cầu cần thiết. Nhiều đầu mối quản lý, nên nhiều công việc xử lý chồng chéo lên nhau, tác nghiệp phải qua nhiều khâu trung gian, dẫn đến tình trạng phiền toái, trì trệ, quan liêu, đạt hiệu quả, chất lượng không cao. Nhiều sai lầm, khuyết điểm xảy ra phân xử và quy kết trách nhiệm rất khó khăn, phức tạp. Hệ lụy đáng nói hơn cả là việc phải chi tiêu công quỹ quá lớn cho hệ thống các tổ chức bộ máy công quyền phình to. Vấn đề này không chỉ nóng trong các nghị trường, dư luận xã hội cũng rất quan tâm.
Đảng, Chính phủ đã tỏ rõ quyết tâm cắt giảm mạnh biên chế, tổ chức, xây dựng bộ máy tinh gọn, được các ngành, các cấp trong cả nước đồng tình ủng hộ và thực thi. Tuy vậy, vấn đề đặt ra là: Cắt giảm biên chế, tổ chức, xây dựng bộ máy công quyền tinh gọn bằng cách nào, với giải pháp nào, thì đạt hiệu lực, hiệu quả tốt nhất?
Thực tế ở các nước phát triển trên thế giới cho thấy, không có giải pháp nào tối ưu bằng tiến hành nhất thể hóa bộ máy công quyền.
Nhất thể hóa bộ máy công quyền là một trong những thượng sách mang lại những lợi ích cơ bản, to lớn cả trước mắt và lâu dài trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0: Giảm trụ sở, nhà công vụ, sẽ mang lại nguồn tài chính lớn.
Giảm cấp trung gian, sẽ giảm số lượng cấp trưởng, phó các cục, vụ, phòng, ban; tạo ra cách làm việc trực tiếp sâu sát giữa người đứng đầu với chuyên gia đầu ngành. Từ đó, giảm đáng kể số người và các bộ phận làm công tác hành chính, văn phòng, tiếp tân, công vụ và các phương tiện vận chuyển, phục vụ. Và thành quả quan trọng nhất, tốt đẹp nhất là giảm số lượng lớn nhân sự và công quỹ chi tiêu quá lớn cho người hưởng lương quá đông.
Do vậy, để đảm bảo hiệu quả lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng ngày càng tập trung cao, bộ máy chính quyền ngày càng khoa học, tiên tiến, hiện đại, dư luận xã hội cho rằng Bộ Chính trị, Chính phủ không thể kéo dài thời gian hơn nữa, cần nghiên cứu tổ chức thí điểm nhất thể hóa hệ thống bộ máy công quyền một cách hợp lý, sát thực tiễn, làm trước hết ở Trung ương, cấp thành phố và cấp tỉnh. Ví như, tổ chức thí điểm hợp nhất Ban Đối ngoại Trung ương với Bộ Ngoại giao. Cử Thứ trưởng Thường trực Bộ hoặc một Thứ trưởng làm Trưởng ban Đối ngoại chuyên trách việc giao tiếp với các đảng phái, tổ chức chính trị nước ngoài. Sự hợp nhất này, không những hoàn toàn không gây cản trở, còn làm cho công tác đối ngoại của Đảng tốt hơn lên.
Những thắng lợi to lớn bước đầu của Đảng ta hiện nay, đã tạo được niềm tin tưởng, phấn khởi của toàn dân, sự đồng thuận, ủng hộ Đảng mạnh mẽ của toàn xã hội. Uy tín của Bộ Chính trị đang được nâng cao. Khối đại đoàn kết toàn dân tộc càng vững mạnh. Vì thế, hợp nhất chức vụ cấp cao sẽ mang lại nhiều hiệu quả tốt đẹp cả trong đối nội và đối ngoại. Các lãnh đạo, nguyên thủ quốc gia nước ngoài đến thăm Việt Nam sẽ giảm được thời gian và số lần tiếp kiến lãnh đạo, nguyên thủ quốc gia nước ta.
Hệ thống tổ chức bộ máy công quyền nước ta có nhiều ban, bộ, ngành ở Trung ương và địa phương cần khẩn trương nghiên cứu nhất thể hóa. Đây là một công việc gặp nhiều khó khăn, cản trở, vì nó đụng chạm đến quyền lợi của từng con người cụ thể và cái cũ tồn tại đã quá lâu trở thành lối sống không dễ gạt bỏ.
Hiện nay, các chức vụ chủ chốt của Đảng ủy, Ủy ban nhân dân, Hội đồng nhân dân từ xã, phường lên Trung ương đều do đảng viên nắm giữ. Ở một số địa phương, cơ quan kiểm tra, thanh tra đã tiến hành hợp nhất. Vậy, ở cấp cao hơn có thể hợp nhất được không?...
Tổng quan đường lối, Nghị quyết của Đảng ta cho thấy: Kinh tế là trung tâm. Xây dựng Đảng là then chốt. Văn hóa là nền tảng tinh thần của dân tộc. Xã hội phát triển trên nền tảng pháp luật…
Xem truyền hình, khán giả có cảm giác hình như nhiệm vụ chính, thời gian chính của Phó Chủ tịch nước là đi thăm hỏi, tặng quà, phát thưởng, trao cờ… Nhận thức chung cho rằng, Phó Chủ tịch nước là nhân vật quan trọng số 2 của Nhà nước, vậy phải là người cùng Chủ tịch nước và tập thể Bộ Chính trị hoạch định sách lược quốc gia là công việc quan trọng chính hàng đầu. Việc đi trao thưởng, tặng quà nên linh hoạt bằng nhiều cách khác. Vì thế, nên chăng, Phó Chủ tịch nước phải là một Ủy viên Bộ Chính trị có đủ đức, tài ngang tầm nhiệm vụ, có uy tín cao nhằm tăng cường hiệu quả sự lãnh đạo tập trung của Đảng, đồng thời sẵn sàng thay Chủ tịch nước khi cần thiết để điều hành đại sự quốc gia.
Ở cấp thành phố và cấp tỉnh, hợp nhất chức vụ Bí thư Thành ủy, Tỉnh ủy với chức vụ Chủ tịch UBND, sáp nhập 2 Văn phòng Thành ủy, Tỉnh ủy với UBND làm một. Phó Bí thư không quá 5 nhân sự, kiêm chức Phó Chủ tịch UBND cùng một số Ủy viên Ban Thường vụ đảm nhiệm 5 lĩnh vực trọng yếu: a) Phó Bí thư Thường trực kiêm Phó Chủ tịch Thường trực UBND tập trung chỉ đạo nhiệm vụ trung tâm kinh tế, phát triển xã hội trên nền tảng pháp luật. b) Một Phó Bí thư kiêm Phó Chủ tịch Ủy ban chuyên trách chỉ đạo nhiệm vụ xây dựng Đảng, công tác nội chính và công tác cán bộ. c) Một Phó Bí thư kiêm Phó Chủ tịch Ủy ban chuyên sâu chỉ đạo mặt trận văn hóa, giáo dục, nghệ thuật. d) Một Phó Bí thư kiêm Phó Chủ tịch Ủy ban chuyên sâu công tác dân vận và mặt trận Tổ quốc. đ) Một Phó Bí thư kiêm Phó Chủ tịch Ủy ban chuyên sâu chỉ đạo nhiệm vụ quốc phòng, an ninh chính trị.
Sau khi nhất thể hóa bộ máy công quyền, vận dụng kinh nghiệm của các nước phát triển, cần cắt giảm mạnh các cục, vụ (chỉ giữ lại khi thật cần thiết phải có) thực hiện chế độ làm việc trực tiếp với chuyên gia đầu ngành, nhằm từ bỏ dần lối làm việc quan liêu qua nhiều khâu trung gian. Lối làm việc trực tiếp với các chuyên gia đầu ngành và các nhân tài thực sự, thường mang lại hiệu quả cao nhất.
Đảng và Chính phủ ta đang có uy tín cao trên trường quốc tế. Thực tế cho thấy nhiều nước muốn tham khảo kinh nghiệm giữ nước và phát triển kinh tế xã hội luôn tăng trưởng của Việt Nam. Họ xóa bỏ mọi thành kiến, mặc cảm, tỏ thái độ khâm phục Đảng Cộng sản Việt Nam, một tổ chức chính trị chân chính thật sự của dân, do dân, vì dân, rất giàu những giá trị đạo đức, nhân văn, và trí tuệ. Hơn lúc nào hết, bước vào thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 chúng ta cần nghiên cứu nhanh chóng tiến hành vấn đề nhất thể hóa, xây dựng một hệ thống bộ máy công quyền tinh gọn, khoa học, tiến tiến, hiện đại, mang lại nhiều lợi ích tốt đẹp hơn nữa cho đất nước, nhân dân ta và góp phần phát triển lịch sử tiến bộ xã hội của nhân loại.
HỒ NGỌC SƠN
Đại tá, nhà báo, nhà thơ, nguyên Trưởng phòng Báo chí - Thông tấn, Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị QĐNDVN.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Chính phủ vừa ra Nghị quyết về chủ trương, phương hướng tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án điện năng lượng tái tạo. Từ Nghị quyết này, loạt dự án điện gió mắc sai phạm phải nằm bất động nhiều năm ở Đắk Nông sắp có cơ hội vận hành.
Vũ Linh
19:35 14/12/2024(Thanh tra) - Hơn 1.500 hộ dân tại tỉnh Yên Bái chịu ảnh hưởng nặng nề từ cơn bão Yagi, đã nhận được sự hỗ trợ khẩn cấp từ Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) nhằm ổn định sinh kế và khắc phục hậu quả thiên tai. Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Yên Bái với vai trò là chủ khoản viện trợ đã tổ chức kiểm tra và giám sát việc lựa chọn đối tượng hưởng lợi tại huyện Trấn Yên.
Bùi Bình
20:22 13/12/2024Văn Thanh
20:09 13/12/2024Trung Hà
19:50 13/12/2024Thái Hải
19:48 13/12/2024Phương Anh
19:32 13/12/2024Bảo Trân
Hải Hà
Văn Thanh
Lê Hữu Chính
Đông Hà + Thanh Hoa
Thu Huyền
Đông Hà
Nhật Minh
Kim Thành
Vũ Linh
Trần Kiên
Hương Trà