Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ sáu, 20/07/2018 - 07:00
(Thanh tra) - Phòng bệnh hơn chữa bệnh. Để bệnh thành tật càng nguy khốn, lắm phen tiền mất tật mang, chữa không khỏi, khổ suốt đời. Do vậy, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: Phòng, chống tham nhũng, xây là cơ bản, chống phải quyết liệt.
Ông Vũ "nhôm" (bên phải) trong một lần đi cùng ông Xuân Anh, nguyên Bí thư Thành ủy Đà Nẵng. Ảnh: Pháp luật TPHCM
Nếu triệt tiêu hối lộ là cơ bản hoàn thành phần lớn nhiệm vụ, thì nhận diện rõ top 5 đứng đầu bảng tham nhũng, nhằm tập trung mũi nhọn vào trọng điểm, vào khu vực chủ yếu, mới có thể từng bước đánh thắng “giặc nội xâm”.
1. Ngành Xây dựng cơ bản đứng đầu bảng tham nhũng và thứ hai là ngành Giao thông - Vận tải.
Sau chiến tranh, kiến thiết quốc gia, ngành Xây dựng cơ bản có vai trò quan trọng hàng đầu. Ngành Xây dựng cơ bản được ví là xương sống, thứ đến là ngành Giao thông - Vận tải được xem là huyết mạch của công cuộc phát triển kinh tế - xã hội. Hai ngành này có những công lao, thành tích rất to lớn, vẻ vang, đã dựng xây những công trình ngang tầm khu vực và thế giới, góp phần làm cho đất nước ta đàng hoàng, to đẹp hơn mười ngày xưa.
Tuy vậy, về khuyết điểm, đây cũng được đánh giá là 2 ngành xà xẻo, rút ruột công quỹ lớn nhất.
Như chúng ta đã biết, với mọi công trình xây dựng, việc hệ trọng trước tiên là xác lập định mức tiêu chuẩn kỹ thuật cơ bản, thậm chí còn gia thêm hệ số an toàn để đảm bảo độ bền vững lâu dài. Thế nhưng, cả 2 ngành này đều có nguy cơ tham nhũng lớn ngay từ khâu đầu tiên khi làm dự toán thiết kế đề án. Những “quan tham” thường kê khai nguyên vật liệu tăng cao gấp nhiều lần định mức tiêu chuẩn kỹ thuật đã được xác lập. Qua đó, tham ô một lượng lớn tiền, tài sản của Nhà nước. Quá trình thi công lại tiếp tục ăn cắp nguyên vật liệu hoặc đánh tráo nguyên vật liệu, khiến cho công trình bị kém chất lượng. Nhà nước buộc phải chi thêm tiền duy tu, sửa chữa, đội vốn đầu tư, kéo dài thời gian thi công. Không chỉ ngân sách bị thiệt hại lớn, mà nguy hại hơn nhiều là gây bao thương tật, cái chết cho con người, làm mất uy tín của Đảng và Nhà nước.
Qua các vụ án kinh tế cho thấy tình hình tham nhũng của các dự án thường gắn chặt trong một móc xích với các vấn đề về hối lộ và tham ô bất động sản.
Về ngành Xây dựng cơ bản, vụ án Trịnh Xuân Thanh là một điển hình về “siêu chạy hối lộ” bằng ma lực đồng tiền, liên quan đến nhiều ban, bộ ở Trung ương và lãnh đạo, ngành ở địa phương.
Trịnh Xuân Thanh là một cán bộ không có gì xuất sắc, được bầu làm Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Xây lắp dầu khí (PVC) và nhanh chóng làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị (HĐQT) PVC của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) do ông Đinh La Thăng làm Chủ tịch Hội đồng Thành viên.
Năm 2012, PVC thua lỗ hơn 1.800 tỷ đồng, nhưng được tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lao động!
Trịnh Xuân Thanh được điều lên làm Phó Chánh Văn phòng Bộ Công Thương, rồi được điều về làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang. Thường vụ Tỉnh ủy Hậu Giang bầu Trịnh Xuân Thanh làm Tỉnh ủy viên. Đặc biệt, ô tô riêng của Trịnh Xuân Thanh được Công an Hậu Giang cấp biển số xe công.
Năm 2013, PVC lỗ lũy kế gần 3.300 tỷ đồng. Vốn điều lệ 4.000 tỷ đồng chỉ còn 2,7 tỷ đồng vì Trịnh Xuân Thanh đã rút vốn khá lớn của PVC để ông Đinh La Thăng đầu tư ngoài ngành, trong đó có 800 tỷ đồng của PVN góp vốn vào Ngân hàng Đại Dương (Ocean Bank).
Khi sự kiện Đinh La Thăng vỡ lở, chấn động dữ dội dư luận, việc chạy chức, chạy cấp, chạy khen thưởng, chạy luân chuyển, chạy quyền thế, chạy danh vọng của Trịnh Xuân Thanh bị phanh phui. Y làm cú chạy ngoạn mục ra nước ngoài, rồi sau đó tự thú. Theo đó, cơ quan bảo vệ pháp luật mới xét xử được.
Phần ông Đinh La Thăng, dính vào 2 vụ án, đã lĩnh 30 năm tù, bắt buộc phải bồi thường 600 tỷ đồng cho PVC. Số tiền bồi thường quá lớn. Cơ quan thi hành án còn xác minh thông tin về nhà, đất trước đây của ông Đinh La Thăng sinh sống tại khu đô thị Sông Đà - Sudico, phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.
Vụ án Phan Văn Anh Vũ (“Vũ nhôm”) cũng động trời không kém.
Có biệt danh “Vũ nhôm” vì Phan Văn Anh Vũ từng làm nghề nhôm kính. “Vũ nhôm” được xem là một bố già, trùm bất động sản ở Đà Nẵng. Y là Chủ tịch Hội đồng Thành viên The Sunrise Bay Đà Nẵng, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Xây dựng Bắc Nam 79 ở Đà Nẵng (10% cổ phần Ngân hàng Đông Á Bank), Chủ tịch Công ty Cổ phần NOVA Bắc Nam 79 ở thành phố Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty IVC. Y sở hữu hàng chục ngôi nhà, đất công ở trung tâm Đà Nẵng.
Dư luận xôn xao “Vũ nhôm” làm chủ nhiều khu “đất vàng” ở trung tâm thành phố Đà Nẵng có sự ưu ái “nhúng chàm” của một số lãnh đạo chủ chốt của Đà Nẵng.
Từ 8/4 đến 14/5/2017, Tạp chí Giao thông Vận tải điện tử cho đăng 8 kỳ bài của nhà báo Dương Hằng Nga, Trưởng Văn phòng đại diện của Tạp chí ở khu vực Miền Trung và Tây Nguyên, phanh phui những sai phạm nghiêm trọng của dự án khu đô thị quốc tế Đa Phước (The Sunrise Bay Đà Nẵng).
Khoảng tối của “Vũ nhôm” không ai dám đụng đến dần được đưa ra ánh sáng.
Tháng 9/2017, theo chỉ đạo của Chính phủ, Cơ quan An ninh Điều tra Bộ Công an vào cuộc, tiến hành điều tra 9 dự án đầu tư và 31 nhà, đất công sản ở trung tâm Đà Nẵng.
Ông Nguyễn Xuân Anh đã nhận cái gọi là “quà tặng” liên quan đến “Vũ nhôm” gồm 1 ô tô xịn và 2 ngôi nhà… Ông đã mất tất cả, mất chức Bí thư Thành ủy Đà Nẵng và chức Ủy viên Trung ương Đảng khóa XII.
Hai ông Trần Văn Minh, Văn Hữu Chiến - nguyên Chủ tịch UBND thành phố cùng nhiều cán bộ khác dính vào vụ án “Vũ nhôm”.
Ông Trần Văn Minh, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng khóa XI. Ông được điều động giữ chức Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương, nghỉ hưu tháng 1/2016 theo chế độ. Ông bị bắt tạm giam để điều tra vì trong số 9 dự án và 31 nhà, đất công sản đều xảy ra dưới thời ông làm Chủ tịch UBND thành phố. Chỉ riêng với “Vũ nhôm” ông đã ký quyết định liên quan đến 3 dự án lớn và hơn chục tòa nhà, đất công sản ở các đường Bạch Đằng, Lê Duẩn, Nguyễn Thái Học, Hoàng Văn Thụ, Trần Phú… với giá chuyển nhượng rất rẻ.
Ông Văn Hữu Chiến, người kế tiếp ông Trần Văn Minh làm Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng, bị cấm đi khỏi nơi cư trú.
Năm 2016, “Vũ nhôm” đã tặng Công an thành phố Đà Nẵng 50 xe mô tô Yamaha Exciter 1500cc và thêm 4 mô tô đặc chủng đang đặt hàng với tổng số tiền hơn 4 tỷ đồng.
Không còn thế lực nào bảo kê, “Vũ nhôm” đã trốn sang Singapore. Nhưng lưới trời lồng lộng không thoát thân, hiện đang lĩnh án 9 năm tù.
Còn, vụ án đang tiếp tục điều tra.
Về ngành Giao thông - Vận tải, đã xảy ra trong ngành Đường sắt Việt Nam những vụ hối lộ điển hình xuyên quốc gia, chấn động dư luận trong nước và quốc tế, làm tổn thương nghiêm trọng uy tín của Đảng và Chính phủ ta.
Năm 2010, trong vụ án Đại lộ Đông - Tây thành phố Hồ Chí Minh, ông Phó Giám đốc Sở kiêm Trưởng ban Quản lý Dự án nhận hối lộ của nhà thầu Nhật Bản 262.000 USD, bị xử tù chung thân, sau giảm xuống 20 năm?
4 năm sau, lại tái diễn vụ án hối lộ kinh thiên, động địa, gây biết bao khó khăn, phức tạp trong công tác đối nội và đối ngoại của Nhà nước.
Đó là sự kiện vào ngày 21/3/2014, tờ Yomiuri Shimbun của Nhật Bản đưa tin: Ông Tamio Kakimuma 65 tuổi, Chủ tịch Tập đoàn Tư vấn giao thông Nhật Bản (JTC) đã tự đến Phòng Công tố khai báo đầy đủ và ký cam kết vào biên bản, thừa nhận: “Dịch vụ tư vấn kỹ thuật dự án xây dựng đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến số 1, giai đoạn 1, sử dụng vốn ODA 4,2 tỷ yên, đã đưa hối lộ cho các quan chức ngành đường sắt Việt Nam 80 triệu yên (hơn 16 tỷ đồng Việt Nam).
Theo JTC, những dự án mà họ đưa hối lộ để trúng thầu có liên quan đến nhiều cung đoạn như thiết kế công trình đường sắt, khảo sát xây dựng và các dịch vụ khác. Các khoản này được JTC chi trong khoảng 40 lần từ tháng 2/2008 đến tháng 2/2014, trong đó có Giám đốc Ban Quản lý Dự án (ông Trần Văn Lục, Cục Đường sắt, Bộ Giao thông - Vận tải) và 4 quan chức khác thuộc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam.
Báo chí Nhật Bản cũng cho biết, Cục Thuế Tokyo đã phát hiện các khoản thanh toán bất hợp pháp của JTC trong quá trình kiểm tra thuế. Dựa trên lời khai của ông Kakinuma, giới chức Nhật Bản sẽ mở cuộc điều tra hành vi vi phạm.
Ban Quản lý Dự án Đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) cho biết: Dự án xây dựng đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến số 1 này là tuyến metro Nhổn - ga Hà Nội dài 12,5 km, gồm 8,5km trên cao và 4km đi ngầm, qua các quận Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Ba Đình, Đống Đa, Hoàn Kiếm. Công trình này khởi công từ tháng 9/2010, dự kiến hoàn thành tháng 9/2017. Nhưng đến nay (2018) còn xa mới đạt tiến độ đề ra.
Do những lùm xùm đưa, nhận hối lộ và nhiều nguyên nhân khác, công trình phải lùi tiến độ đến tháng 1/2023 mới có thể hoàn thành. Từ vốn đầu tư ban đầu 783 triệu Euro tăng lên 1.176 triệu Euro. Tổng dự toán công trình hiện nay gần 36 nghìn tỷ đồng. Tính ra 1km tuyến metro Nhổn - ga Hà Nội khoảng 3 nghìn tỷ. Thời gian và tiền của lãng phí quá lớn!.
Những tiêu cực đã và sẽ thường xuyên diễn ra trong ngành Xây dựng cơ bản và ngành Giao thông - Vận tải đòi hỏi các bộ, cơ quan chuyên môn cần khắc phục triệt để những khuyết điểm đã vi phạm.
a) Phải kiểm tra một cách hết sức gắt gao năng lực thực hành và năng lực tài chính của chủ đầu tư. Thi hành kỷ luật thích đáng ban quản lý dự án nếu để xảy ra kéo dài thời gian thi công và đội giá quá lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng cho Nhà nước.
b) Phải có chuyên gia đầu ngành hiểu biết sâu rộng chuyên môn, kỹ thuật và các lĩnh vực khác phát hiện và ngăn chặn kịp thời hành vi tham ô ngay từ khâu đầu tiên thiết lập đề án xây dựng công trình.
c) Túc trực chế độ kiểm tra suốt quá trình thi công công trình, không để xảy ra việc ăn cắp hoặc đánh tráo nguyên vật liệu không đúng tiêu chuẩn kỹ thuật đã xác định.
d) Chủ đầu tư và ban quản lý dự án phải thực hiện đầy đủ các phần việc đã cam kết với chất lượng cao, chịu trách nhiệm trước pháp luật về độ bền vững của công trình.
đ) Bằng cơ chế và biện pháp tích cực, hiệu quả nhất chấm dứt tình trạng bất cập trong việc tham những cao trong các công trình.
2. Ngân hàng tham nhũng đứng hàng thứ 3 và đứng hàng thứ 4 là Hải quan.
Ngành Ngân hàng và các tổ chức tín dụng đã góp phần hỗ trợ đắc lực công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Một số ngân hàng lớn của Việt Nam được Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tin tưởng, ca ngợi cung cách làm ăn, tiêu biểu như Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) có quy mô hoạt động lớn, có chất lượng tài sản tốt nhất, có chất lượng nguồn nhân lực cao, đứng đầu về quy mô lợi nhuận và hiệu quả hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, đã và đang có nhiều đóng góp quan trọng cho ngành Ngân hàng và cho đất nước, phấn đấu từng bước khẳng định vị thế là một ngân hàng số 1 tại Việt Nam.
Các ngân hàng: Agribank, Chính sách xã hội… đã tích cực giúp người nghèo vươn lên cuộc sống tốt, chính sách “tam nông” thành công ngoạn mục.
Tuy vậy, qua các vụ “đại án” kinh tế, ngành Ngân hàng chiếm tỷ lệ đông và vượt trội nhất, gây thiệt hại công quỹ lớn nhất, nợ xấu khó đòi tồn đọng nhiều nhất, nhận tiền lót tay to nhất.
Người có quyền cho vay số trăm, số ngàn tỷ đồng, được “lại quả” một vài tỷ đồng là chuyện bình thường. Vì vậy, cùng với thu nhập rất cao, nhiều giám đốc ngân hàng trở thành những người giàu sang bậc nhất và ngược lại, nhiều cán bộ ngành Ngân hàng đã phạm tội tham nhũng nghiêm trọng, bị phạt tù rất nặng.
Bị cáo Phạm Công Danh, nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Xây dựng (VNCB) do cần tiền sử dụng vào mục đích cá nhân, đã chỉ đạo cấp dưới sử dụng 29 công ty do ông thành lập hoặc mượn pháp nhân, rồi lập hồ sơ khống vay tổng cộng 6.126 tỷ đồng tại 3 ngân hàng: Sacombank (1.835 tỷ đồng), TP Bank (1.740 tỷ đồng) và BIDV (2.550 tỷ đồng), gây thiệt hại toàn bộ số tiền này cho VNCB. Phạm Công Danh đã lĩnh án 30 năm tù. 45 bị cáo khác trong vụ án này đã nhận mức án cao nhất là 30 năm tù giam và thấp nhất là 2 năm tù treo.
Không thể hình dung nổi Huỳnh Thị Huyền Như, nhân viên của Ngân hàng Vietinbank, “hy sinh đời bố củng cố đời con”, đã dám lừa đảo chiếm đoạt của 3 ngân hàng, 9 công ty và 3 cá nhân số tiền gần 4.000 tỷ đồng, mà lãnh đạo Vietinbank không hề hay biết.
Đây là một vụ kiện tụng hy hữu xảy ra những cuộc tranh luận nóng gắt nhất giữa các luật sư với các thẩm phán, người bị hại và Vietinbank. Các luật sư và 15 bên bị hại đòi Vietinbank phải bồi thường 4.000 tỷ đồng. Vietinbank phản pháo cho rằng Huyền Như mượn danh ngân hàng, lừa đảo khách hàng, giao dịch “bên ngoài trụ sở”, không có số dư trong tài khoản của trụ sở chính Vietinbank và các bên bị hại. Phải qua giám định khoa học kỹ thuật hình sự thì mới làm rõ được.
Cuối cùng, những cuộc đấu khẩu nẩy lửa đã mang lại một kết luận thật đắng cay, chua chát: Nguyên nhân của vụ án này là do lòng tham của con người và cần khắc phục tác phong lãnh đạo quan liêu. Do lòng tham cho lợi ích cá nhân mà Huyền Như dám lừa đảo chiếm đoạt một lượng tiền quá lớn của hàng chục bị hại. Còn bị hại cũng vì lòng tham sẽ nhận được lãi suất cao mà mắc bẫy.
Huỳnh Thị Huyền Như đã bị kết án tù chung thân. Đây là một bài học đắt giá trong việc quản lý lỏng lẻo, quan liêu, thiếu sâu sát của ngành Ngân hàng.
Cũng như Huyền Như, Bùi Phương Thảo - thủ quỹ Phòng Giao dịch Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quốc tế Việt Nam (VIB) Bãi Cháy, Chi nhánh Quảng Ninh, với thủ đoạn huy động vốn trả lãi suất cao, đã tham ô 212 tỷ đồng của 52 người, bị tù chung thân và đã trả lại 61 tỷ đồng.
Ngành Hải quan đã nỗ lực tự động hóa, điện tử hóa cải tiến thủ tục hành chính, giúp công tác xuất nhập khẩu và kiểm tra hàng hóa có một bước tiến bộ mới, đạt nhiều kết quả rất đáng khích lệ.
Tuy vậy, qua bài phóng sự điều tra của nhóm phóng viên Báo Lao Động với đầu đề “Nườm nượp cảnh kẹp tiền, đưa - nhận tại Hải quan Hải Phòng” cho thấy tham nhũng trong ngành Hải quan vẫn còn rất nghiêm trọng và phức tạp.
Thông báo của Tổng cục Hải quan, bình quân mỗi ngày, Hải quan Hải Phòng tiếp nhận, xử lý khoảng 7.600 tờ khai cho ít nhất 7.600 container cần làm thủ tục. Nhà nước quy định lệ phí 20.000 đồng/1 tờ khai/1 container nhưng “luật rừng” ở đây phải nộp mãi lộ gấp 10 lần, tức là từ 200.000 đồng/1 tờ khai trở lên. Như vậy, mỗi tờ khai/container chạy vào túi những kẻ tham nhũng 180.000 đồng. Tính ra mỗi ngày ở 4 Chi cục Hải quan Hải Phòng cùng 300 doanh nghiệp chuyên cung cấp dịch vụ khai thuê Hải quan đã thu lợi bất chính hơn 1,3 tỷ đồng và 1 năm hơn 300 tỷ đồng.
Nhưng hệ lụy nghiêm trọng hơn nhiều, với hàng chục ngàn container chứa hàng chục triệu tấn rác thải đang tồn đọng nhiều năm, đã biến Việt Nam thành một bãi chứa rác thải khổng lồ vào loại lớn nhất thế giới.
Đặc biệt, nếu không ngăn chặn được nạn bôi trơn, lót tay của Hải quan ở khắp các cửa khẩu lớn trên biển và trên đất liền, sẽ tác hại cực xấu đến danh dự, thể diện Tổ quốc. Một mặt, bạn hàng nước ngoài sẽ chê trách, lên án ta trước công luận quốc tế. Mặt khác, nhiều mặt hàng cấm quốc tế như ma túy, sừng tê giác, ngà voi, thuốc lá lậu, dược phẩm giả, thực phẩm bẩn… sẽ tuồn vào nội địa, gây biết bao thảm họa cho nòi giống ta.
3. Cơ quan tổ chức - hành chính tham nhũng đứng thứ 5
Cơ quan tổ chức - hành chính là nơi quyết định đầu vào, đầu ra của nhân sự, nhất là đội ngũ cán bộ.
Ở khắp hệ thống các tổ chức bộ máy công quyền từ Trung ương đến cơ sở, các trường học, bệnh viện, doanh nghiệp, nhất là các công sở và cơ quan trọng yếu, không ít nơi xảy ra hiện tượng hối lộ để chạy công ăn việc làm, chạy chức chạy quyền, chạy thăng cấp thăng hàm, chạy bằng cấp, học hàm học vị, chạy khen thưởng, chạy luân chuyển, chạy tội…
Cuồng vọng về địa vị, danh lợi càng cao thì hối lộ càng lớn.
Tình hình này nguy hiểm đến mức dẫn đến tham nhũng quyền lực, gây bè phái, lợi ích nhóm, chuyên quyền độc đoán; chia rẽ nội bộ; đặt lợi ích cá nhân, lợi ích cục bộ lên trên lợi ích tập thể, lợi ích chung. Đây là vấn đề đánh mất lòng tin của nhân dân với Đảng, Chính phủ, dư luận xã hội rất quan tâm.
Sinh thời Bác Hồ từng dạy: “Mục đích phê bình cốt để giúp nhau sửa chữa, giúp nhau tiến bộ. Cốt để sửa đổi cách làm việc cho tốt hơn, đúng hơn. Cốt đoàn kết và thống nhất nội bộ… Phải vạch rõ cả ưu điểm và khuyết điểm. Phê bình việc làm chứ không phải phê bình người.
Những người bị phê bình thì phải vui lòng nhận xét để sửa đổi, không nên vì bị phê bình mà nản chí, hoặc oán ghét”. (Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 4, trang 442; Sửa đổi lối làm việc, Nhà Xuất bản Sự thật, Hà Nội, 1984).
Do vậy, nhận diện rõ top 5 đứng đầu bảng tham nhũng sẽ giúp cấp ủy Đảng trực tiếp lãnh đạo, các Tư lệnh ngành khắc phục sai lầm, khuyết điểm, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, các cơ quan thanh tra, kiểm tra coi trọng việc thường xuyên đi trước một bước, giúp lãnh đạo kịp thời ngăn chặn, không để sai lầm, khuyết điểm xảy ra, rồi phải sửa sai. Đồng thời, Đại biểu Quốc hội, Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, Mặt trận Tổ quốc, nhân dân cả nước và công luận của báo chí, truyền thông góp phần giám sát chặt chẽ, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những tổn thất nặng nề do “giặc nội xâm” gây nên.
HỒ NGỌC SƠN- ĐỖ CÔNG ĐỊNH
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ ngày càng thông minh, thậm chí vượt xa con người, nhưng sẽ không có chuyện AI kiểm soát con người. Đó là khẳng định của GS. Yann LeCun, Đại học New York, Giám đốc Khoa học Trí tuệ nhân tạo tại Meta (Hoa Kỳ), một trong những người tiên phong đặt nền phóng cho sự phát triển của AI.
(Thanh tra) - Nhằm thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà ở cho các hộ gia đình chịu ảnh hưởng bởi bão số 3, UBND tỉnh đã ban hành văn bản số 4520/UBND-VX gửi đến Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các sở, ngành liên quan, cùng UBND các huyện, thị xã và thành phố. Đây là một bước quan trọng nhằm đảm bảo các hộ gia đình bị thiệt hại có nơi ở ổn định, an toàn.
Bùi Bình
22:58 22/11/2024Văn Thanh
22:01 22/11/2024Phương Anh
21:55 22/11/2024Nam Dũng
21:38 22/11/2024Trần Kiên
21:14 22/11/2024Quang Dân
Hương Giang
Lê Hữu Chính
Lâm Ánh
Hương Giang
Trần Kiên
Bùi Bình
Bùi Bình
Uyên Uyên