Theo dõi Báo Thanh tra trên
Thứ năm, 19/07/2018 - 14:31
(Thanh tra) - Không phải ngẫu nhiên trước lúc đi xa, trong Di chúc thiêng liêng, Bác Hồ muôn vàn kính yêu đã căn dặn vấn đề Đảng trước nhất và trên hết.
Theo Tổng Bí thư, trong chống tiêu cực ở cơ sở, vai trò của Chi bộ rất quan trọng. Cần phát huy vai trò giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân cùng tập thể Chi bộ, nhân dân để các cá nhân không dám, không thể tham nhũng. Ảnh: VGP
Ôn lại lịch sử, trong các trước tác tiêu biểu như Đường cách mệnh, Sửa đổi lối làm việc, Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân cùng những bài viết, bài nói chuyện được ghi lại, cho thấy Bác đã tập trung một dung lượng rất lớn, rất quan trọng về vấn đề “Xây dựng Đảng ta luôn trong sạch, vững mạnh, có sức lãnh đạo, chiến đấu cao”.
Là một nhà hoạt động cách mạng thông tuệ và từng trải, hết sức lão luyện và thực tiễn, Bác đã nhìn thấy trước rất xa rằng một khi Đảng đã giành được chính quyền, trực tiếp điều hành bộ máy chính quyền là có điều kiện xuất hiện nguy cơ thoái hóa. Những đảng viên, cán bộ không dĩ công vi thượng, không dốc lòng chăm lo hạnh phúc cho nhân dân, chỉ lo vun quén cho cá nhân có cuộc sống cao sang tột bậc cách quá xa đời sống của quần chúng, nhất định sớm muộn cũng bị tha hóa, đào thải.
Do vậy, Bác ân cần căn dặn: “Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Phải gìn giữ Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”. Bác Hồ đã nhấn mạnh đến 4 lần chữ “thật” trong lời căn dặn này.
Bác chỉ rõ: “Một dân tộc, một đảng viên và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”.
Bác luôn cảnh báo: “Chủ nghĩa cá nhân là một thứ vi trùng rất độc, do nó mà sinh ra các thứ bệnh rất nguy hiểm…”, “chủ nghĩa cá nhân là nguồn gốc của vô vàn tội ác”.
Đảng ta là một Đảng chân chính cách mạng. Đảng ta chiến đấu không vì mục đích riêng tư nào khác ngoài mục đích phục vụ quyền lợi tối cao của đất nước và nhân dân. Nhân dân ta hiểu rất rõ điều này, một lòng tin yêu Đảng ta, kiên quyết đi theo con đường mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn.
Đảng ta là một tổ chức chính trị chân chính, độc tôn của cách mạng Việt Nam. Đây là sự thật, và “sự thật là sức mạnh của Đảng ta…”.
Bác viết: “Nói về Đảng, một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế mới là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính. Đảng cần phải biết những ưu điểm và khuyết điểm của mình để dạy dỗ đảng viên, dạy dỗ quần chúng. Sợ phê bình, tức là “quan liêu hóa”, tức là tự mãn, tự túc, tức là “mèo khen mèo dài đuôi” (Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 4, trang 477, Sửa đổi lối làm việc, Nhà Xuất bản Sự thật, Hà Nội, 1984).
Từ sau ngày giành được chính quyền về tay nhân dân đến nay, học tập và làm theo lời Bác, đảng viên, cán bộ ta đã không ngừng tu dưỡng đạo đức cách mạng, nêu gương tiêu biểu sống, chiến đấu, công tác hy sinh, tận tụy vì Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhờ đó, Đảng đã cùng toàn dân làm nên những kỳ tích vô cùng vẻ vang, mang ý nghĩa thời đại sâu sắc. Chúng ta phấn khởi, tự hào đời sống của đất nước, nhân dân phát triển ngày càng tốt đẹp. Và chưa bao giờ dân tộc Việt Nam, Đảng ta có uy tín cao trên trường quốc tế như hôm nay.
Tuy vậy, do không lường trước được hết những diễn biến phức tạp của tình hình, không có biện pháp đấu tranh quyết liệt ngăn chặn triệt để, mặt trái của nền kinh tế thị trường cùng những mảng tối của nó, đã mang lại cho Đảng và nhân dân ta những hệ lụy nghiêm trọng trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội.
Với tinh thần thực sự cầu thị và trách nhiệm cao cả với dân tộc, Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã nêu rõ: “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số lãnh đạo cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc…” (Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2012, trang 22).
Trung ương Đảng đã kịp thời ra Nghị quyết “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”.
Như chúng ta đã nhận thấy: Sau tròn 30 năm tiến hành công cuộc Đổi mới, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng Cộng sản Việt Nam là mốc son đánh dấu một bước phát triển mới của lịch sử cách mạng Việt Nam trong giai đoạn cách mạng “4.0” của thế giới. Khí thế cách mạng tiến công mạnh mẽ, sôi động của Đại hội đã đem đến luồng sinh khí mới cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta.
Song song với nhiệm vụ trung tâm kinh tế, Bộ Chính trị, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn quan tâm nhắc nhở nhiều lần những vấn đề quan trọng như: Xây dựng Đảng là then chốt, cán bộ là nguyên nhân của nguyên nhân; công tác cán bộ là then chốt của then chốt; nếu nhân dân không ủng hộ, mất lòng dân là mất quyền lãnh đạo của Đảng, mất chế độ, mất tất cả.
Với tinh thần đó, Đảng đã tỏ rõ quyết tâm chính trị cao, hành động quyết liệt chống mọi biểu hiện tiêu cực hại nước, hại dân, để xây dựng Đảng ta luôn thật trong sạch, vững mạnh, có sức lãnh đạo, chiến đấu cao như Bác Hồ đã căn dặn.
Một loạt cán bộ lãnh đạo cao cấp ở các bộ, ban, ngành, các địa phương phạm sai lầm, khuyết điểm nghiêm trọng, đã bị thi hành kỷ luật nghiêm khắc, thích đáng. Các đại án kinh tế đã được công khai, minh bạch xử đúng người, đúng tội. Một số Đại biểu Quốc hội không đủ phẩm chất, tiêu chuẩn đã bị loại bỏ. Dư luận xã hội rộng lớn trong cả nước rất phấn chấn trước sự quang minh, chính đại của Đảng ta, càng thêm tin tưởng, nhiệt tình ủng hộ Đảng, Chính phủ.
Đảng ta đã chứng tỏ cho toàn dân nhận rõ cuộc đấu tranh chống tiêu cực không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không có đặc quyền, đặc ân, đặc lợi… Và hơn thế nữa, cuộc đấu tranh chống tiêu cực đang diễn ra, đã giúp đảng viên, cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp khẳng định chân lý: “Sự thật là sức mạnh của Đảng”; “Kỷ luật là sức mạnh của Đảng”.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu, đại ý: “Chống tiêu cực càng mạnh, thì uy tín của Đảng càng cao. Sự thật được công khai giải thích, phân định đúng đắn rõ ràng, thì nhân dân càng tin tưởng, ủng hộ Đảng mạnh mẽ. Kỷ luật càng nghiêm minh, thì Đảng càng mạnh lên. Mất một ít người, có đau xót, nhưng được cho nhiều người, được cho Đảng và nhân dân”.
Với tình hình đang diễn ra cho thấy, Đảng đã khai hỏa tấn công, mở toang cửa đột phá chính, giành được thắng lợi bước đầu có ý nghĩa chiến lược rất quan trọng. Đã mở được cửa mở, phải tức tốc đánh sâu vào bên trong, đánh mạnh, đánh liên tục, giành thắng lợi đợt sau lớn hơn đợt trước. Nói một cách có hình ảnh theo tinh thần của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đại để: Lửa đã cháy. Phải thổi cháy bùng to lên! Đã tạo được đà. Đã đến lúc không một ai còn đứng ngoài cuộc…
Quả thật, đã tạo được thời cơ chiến lược, thì phải chớp thời cơ cấp bách tổ chức đột phá chiến lược vấn đề xây dựng Đảng là then chốt.
Hoàn toàn không có gì phải nghi ngờ. Đảng đã tạo được đà, tạo được thời cơ, ý Đảng lòng dân đã hợp, nhất định thời gian tới đất nước ta sẽ tiếp tục đi lên và phát triển càng đàng hoàng to đẹp.
Tuy vậy, tình hình thế giới đang diễn ra rất phức tạp. Nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc và an ninh chính trị của nước ta còn hết sức nặng nề, nhạy cảm. Đặc biệt, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư của thế giới với nền kinh tế tri thức rất cao, khoa học công nghệ phát triển như vũ bão, sẽ gây khó khăn và thách thức lớn đối với sự lãnh đạo của Đảng khi mà nước ta chưa phải là một nước công nghiệp hóa.
Để Đảng luôn thật trong sạch, vững mạnh, có sức lãnh đạo, chiến đấu cao, đáp ứng được yêu cầu mới của cách mạng Việt Nam, làm tròn được sứ mệnh thiêng liêng, cao cả với dân tộc, đòi hỏi phải đổi mới tư duy, xây dựng Đảng ta với phương châm là một Đảng đạo đức, nhân văn, trí tuệ, khoa học và tiên tiến. Muốn vậy, trong nhiều giải pháp quan trọng phải làm, cần tập trung sức cấp bách tổ chức đột phá chiến lược 5 vấn đề lớn dưới đây:
1. Về chính trị, tư tưởng, phải quán triệt sâu sắc quan điểm của Bác Hồ đối với dân, nêu cao tinh thần dĩ công vi thượng, đặt nước, dân lên trên hết.
Dân là chủ thể của lịch sử, chủ nhân đất nước, là nguồn lực lượng và sức mạnh vô tận và vô địch của Đảng. Có dân là có tất cả. Mất dân là mất tất cả. Ta thương yêu người, thì người sẽ thương yêu ta. Ta chăm lo cho người, thì người sẽ một lòng son sắt theo ta.
Sinh thời, Bác Hồ đã trả lời phỏng vấn: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành. Riêng phần tôi thì làm một căn nhà nho nhỏ, nơi có non xanh nước biếc để câu cá, trồng hoa, sớm chiều làm bạn với các cụ già hái củi, em trẻ chăn trâu, không dính líu gì với vòng danh lợi” (Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 4, trang 187).
Bác cũng có câu nói cảm kích hàng triệu trái tim người: “Nước có độc lập mà người dân vẫn nghèo đói, thì độc lập đó cũng không có ý nghĩa gì” (Chiêm nghiệm chân lý, Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia - Sự thật, 2015, trang 62).
Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng viết về Bác: “Lòng nhân đạo, tình thương đồng bào - đó là điều sâu sắc nhất, tốt đẹp nhất trong con người Hồ Chí Minh (Chiêm nghiệm chân lý, Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia - Sự thật, 2015, trang 62).
Hội nghị Trung ương lần thứ 7, khóa XII ban hành 2 Nghị quyết về cải cách chính sách tiền lương và chính sách bảo hiểm xã hội, đề cập nhiều vấn đề rất cụ thể, rõ ràng hợp lòng người, đã nói lên những giá trị đạo đức, nhân văn cao đẹp của Đảng ta - một Đảng cầm quyền thật sự của dân, do dân và vì dân.
Nếu toàn thể đảng viên, cán bộ ta, ai cũng nêu gương sáng “sống vì mọi người”, không “sống vì mình”, không tự tư tự lợi; ai cũng tự giác, mẫu mực, chấp hành kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nhất định Đảng sẽ luôn trong sạch, vững mạnh, được dân tin yêu.
2. Tập trung đột phá chiến lược vấn đề cán bộ tâm, tầm, tài ngang tầm nhiệm vụ.
Đây là một vấn đề cực kỳ hệ trọng, liên quan trực tiếp đến sinh mệnh của Đảng và dân tộc ta. Vì vậy, thực tế tình hình đã và đang diễn ra cho thấy, Đảng ta đã tổ chức đột phá chiến lược rất quyết liệt, nhất là với hàng ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cao do Trung ương quản lý.
Đúc kết những khuyết điểm, Hội nghị Trung ương lần thứ 7, khóa XII, đầu tháng 5/2018, đã ra Nghị quyết chuyên đề về công tác cán bộ, tỏ rõ quyết tâm chính trị cao của Đảng ta thanh trừ tận gốc những biểu hiện tiêu cực trong công tác cán bộ, được dư luận xã hội cả nước phấn khởi hoan nghênh, đồng tình ủng hộ mạnh mẽ.
Nghĩa vụ và trách nhiệm của toàn thể đảng viên lúc này là phải đồng lòng, chung sức thực hiện nghiêm túc những nội dung của Hội nghị Trung ương lần thứ 7, khóa XII về công tác cán bộ trong giai đoạn mới.
3. Cấp bách tổ chức đột phá chiến lược các đơn vị cơ sở và trên cơ sở của Đảng.
Do quá trình đào tạo, bồi dưỡng chính trị, đạo đức, chuyên môn… thiếu cơ bản, toàn diện và có hệ thống, các tổ chức cơ sở của Đảng hoạt động đạt hiệu quả tốt như mong muốn, chiếm tỷ lệ không nhiều. Có thể nói, phần lớn các tổ cơ sở của Đảng hiện nay đều có sức lãnh đạo, chiến đấu và tính chất trong sạch, vững mạnh ở mức độ chưa cao, trung bình và thậm chí là yếu. Đặc biệt, qua nhiều vụ việc nghiêm trọng đã xẩy ra, cho thấy, có những Chi bộ, Đảng bộ cơ sở và trên cơ sở, hệ thống tổ chức chính trị cơ sở đã tê liệt sức lãnh đạo, chiến đấu.
Đáng quan ngại nhất hiện nay là tình trạng làm việc theo “tư duy nhiệm kỳ”, nội bộ dĩ hòa vi quý, bằng mặt không bằng lòng, độc đoán chuyên quyền, thiếu dân chủ, quan liêu, mệnh lệnh, cửa quyền, hách dịch của bộ máy công quyền ở cơ sở, không những không đưa được Nghị quyết của Đảng vào sâu trong cuộc sống, còn làm mất lòng tin của quần chúng, nhân dân vào Đảng, chính quyền.
Trước tình hình này đòi hỏi lãnh đạo và thủ trưởng, cơ quan chức năng, các Đảng bộ, chính quyền cấp trên phải khắc phục bệnh quan liêu, sâu sát đơn vị cơ sở, biểu dương những điển hình tốt, đồng thời chấn chỉnh những đơn vị yếu kém. Nếu không, sẽ không chấm dứt được tình trạng “trên nóng dưới lạnh” như Đảng, Chính phủ luôn chỉ rõ.
4. Đột phá chiến lược quyết liệt hơn nữa tệ nạn tham ô, hối lộ, lãng phí, quan liêu.
Việc thi hành kỷ luật và xử án nghiêm minh những cán bộ cấp cao do Trung ương quản lý, bước đầu đã khôi phục lòng tin của nhân dân với Đảng và tạo nên một triển vọng tốt đẹp ngăn chặn, đẩy lùi một bước “giặc nội xâm”. Tuy vậy, từ Nghị trường đến xã hội, quốc nạn tham nhũng vẫn đang là vấn đề thời sự nóng bỏng, dư luận cả nước luôn quan tâm, lo lắng. Uy tín của Đảng và Chính phủ tùy thuộc rất lớn vào vấn đề chống tham nhũng.
Trong hai cuộc tiếp xúc giữa tháng 5/2018, cử tri quận Hoàn Kiếm và Tây Hồ của Thủ đô Hà Nội bày tỏ sự mến phục, hoan nghênh Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã mạnh tay chống tham nhũng, bước đầu được cử tri hài lòng.
Đáp lời, Tổng Bí thư khẳng định: Vừa qua làm được, đạt kết quả, là có sự đồng thuận rất lớn của xã hội, nhân dân. Nếu không có sự ủng hộ của toàn bộ nhân dân thì cuộc đấu tranh này không thể thành công. Điều dân mong là làm mạnh hơn nữa, làm quyết liệt, quyết tâm, làm đến cùng nhưng phải có cách làm. Chúng ta không chỉ “chống” mà lâu dài là “xây”. Xử phạt nặng chưa hẳn đã là tốt mà cái chính là người đó phải nhận ra sai phạm của mình, nếu ai đã trót nhúng chàm thì gột rửa đi.
Đồng thời, Tổng Bí thư cũng lưu ý, trong chống tiêu cực ở cơ sở, vai trò của Chi bộ rất quan trọng. Cần phát huy vai trò giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân cùng tập thể Chi bộ, nhân dân để các cá nhân không dám, không thể tham nhũng.
Tinh thần là phát huy kết quả vừa qua, cả xã hội đồng lòng vào cuộc thì cuộc chiến chống tham nhũng mới đạt kết quả tốt.
5. Tổ chức đột phá chiến lược phương thức lãnh đạo của Đảng ngang tầm nhiệm vụ mới.
Kỷ nguyên cách mạng công nghiệp thế giới lần thứ 4 đã diễn ra, đòi hỏi Đảng gấp rút đột phá chiến lược phương thức lãnh đạo, đáp ứng kịp nhu cầu của thời đại kinh tế - xã hội trí thức cao.
Đột phá phương thức lãnh đạo có nhiều nội dung rất quan trọng, nhưng vấn đề thiết yếu hiện nay là tập trung nghiên cứu tiến hành thí điểm từng bước nhất thể hóa hệ thống bộ máy công quyền ở Trung ương.
Bộ máy lãnh đạo của Đảng hiện nay đồ sộ, đông đảo không kém gì bộ máy của Chính phủ. Biên chế, tổ chức phình to. Nhiều công việc chồng chéo, hiệu lực và hiệu quả thực tế không cao như mong muốn.
Đảng ta là Đảng cầm quyền. Tiến hành đột phá chiến lược phương thức nhất thể hóa sẽ làm cho hiệu lực, hiệu quả điều hành đất nước của Đảng và Nhà nước càng thống nhất, tập trung cao, bảo đảm vai trò lãnh đạo toàn diện, trực tiếp của Đảng, đồng thời xây dựng được một bộ máy công quyền tinh, gọn, khoa học và tiên tiến.
Xin nêu lên một vài đề xuất cần nghiên cứu làm thí điểm:
a) Hợp nhất Ban Đối ngoại Trung ương với Bộ Ngoại giao. Thứ trưởng Thường trực hoặc một Thứ trưởng kiêm Trưởng Ban Đối ngoại, chuyên sâu công tác ngoại giao với các Đảng, tổ chức chính trị nước ngoài, sẽ làm cho công tác đối ngoại không có gì trở ngại mà càng tốt hơn lên.
b) Hợp nhất chức danh cấp cao: Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước; sáp nhập văn phòng, tạo thuận lợi cho cả công tác đối nội và đối ngoại, biên chế tổ chức sẽ được giảm một số lượng đáng kể.
c) Cần nghiên cứu chức năng và nhiệm vụ của Phó Chủ tịch nước. Phó Chủ tịch nước là nhân vật số 2, nhiệm vụ quan trọng chủ yếu là hoạch định chiến lược, sách lược quốc gia, thay thế Chủ tịch nước khi cần. Việc thăm hỏi, tặng quà, trao cờ, phát thưởng… có thể giải quyết bằng nhiều cách hợp lý khác. Do vậy, Phó Chủ tịch nước phải là một Ủy viên Bộ Chính trị có đức, tài, uy tín cao… để tăng cao uy tín và năng lực điều hành đất nước.
d) Tiếp theo, từng bước nghiên cứu sự tương đồng chức trách, nhiệm vụ giữa các Ban của Đảng và các Bộ, ngành của Chính phủ, mang lại hiệu quả tối ưu về giảm biên chế, tổ chức và hiệu quả hoạt động của bộ máy công quyền.
HỒ NGỌC SƠN
Đại tá, nhà báo, nhà thơ, nguyên Trưởng phòng Báo chí - Thông tấn, Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị QĐNDVN.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Hơn 1.500 hộ dân tại tỉnh Yên Bái chịu ảnh hưởng nặng nề từ cơn bão Yagi, đã nhận được sự hỗ trợ khẩn cấp từ Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) nhằm ổn định sinh kế và khắc phục hậu quả thiên tai. Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Yên Bái với vai trò là chủ khoản viện trợ đã tổ chức kiểm tra và giám sát việc lựa chọn đối tượng hưởng lợi tại huyện Trấn Yên.
Bùi Bình
20:22 13/12/2024(Thanh tra) - Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn diễn ra chiều 13/12, các đại biểu HĐND tỉnh khóa XVIII đã chất vấn Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Lê Sỹ Nghiêm để làm rõ tình trạng ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Văn Thanh
20:09 13/12/2024Trung Hà
19:50 13/12/2024Thái Hải
19:48 13/12/2024Phương Anh
19:32 13/12/2024Thái Hải
19:16 13/12/2024Cao Sơn
Hương Trà
Lâm Ánh
Thu Huyền
Trần Quý
Trần Quý
Trần Kiên
Bùi Bình
Văn Thanh
Bùi Bình
Văn Thanh
Trần Kiên