Tham ôhối lộ là 2 mặt của một vấn đề - vấn đề hai mà một, một mà hai.

Nói hai mà một, vì tham ô và hối lộ đều chung một dạng tham nhũng. Có lẽ vì thế, nghị quyết phòng, chống tham nhũng của Đảng ta chỉ ghi “chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, thực hành tiết kiệm”, không có hai chữ hối lộ.

Còn nói một mà hai, vì tham ô và hối lộ là hai phạm trù khác hẳn nhau cả về khái niệm và hành vi. Hiểu một cách chung nhất, tham ô là ăn cắp của công, hối lộ là ăn của đút lót tay.

Ở các nước phát triển, họ đặc biệt coi trọng vấn đề hối lộ, tách bạch hẳn hai vấn đề này riêng ra, có điều luật, quy định, cơ chế pháp lý riêng cho hành vi hối lộ. Vì sao vậy? Vì họ cho rằng trên thực tế, tệ nạn hối lộ gây thiệt hại to lớn không kém gì nạn tham ô, thậm chí còn nguy hiểm hơn. Vấn nạn hối lộ có thể thẩm lậu lũng đoạn làm hỏng bộ máy chính quyền và nhà lãnh đạo cấp cao. Họ chỉ rõ:

Tham ô không phải lúc nào cũng xảy ra. Phải có điều kiện mới có hành vi tham ô. Ví như, có dự án hay chi tiêu công quỹ cho một sự việc nào đó, các “quan tham” cùng đồng bọn mới có điều kiện ra tay rút ruột tiền của của Nhà nước. Còn hối lộ thì diễn ra thường xuyên, mọi nơi, mọi lúc, rất khó kiểm soát.

Người ta nhận thấy hối lộ thường là hành vi tham nhũng chính của nguyên thủ quốc gia và những nhà lãnh đạo cao cấp của chính quyền. Họ là những nhà lãnh đạo chính trị, không trực tiếp nhúng tay quản lý, điều hành các tổ chức kinh doanh kinh tế, nên không có điều kiện dễ dàng tham ô công quỹ, mà sống bằng bổng lộc lớn của kẻ đưa hối lộ. Ví như, các vị tổng thống, thủ tướng ở các nước phát triển, chỉ cần trực tiếp phê chuẩn một dự án lớn, có thể được lại quả cả triệu USD. Trong một cuộc bầu cử tổng thống, họ có thể mỵ dân huy động hàng chục triệu USD cho công tác tuyên truyền tranh cử, và qua đó có thể bí mật bỏ túi cả triệu USD.

Do đó, Tổ chức Minh bạch Quốc tế (Transparency International) đã tổng kết và chỉ rõ rằng chống tệ nạn hối lộ là một nội dung quan trọng thường xuyên hàng đầu của chống tham nhũng, một trong những mũi nhọn chủ yếu của công cuộc chống tham nhũng, vì những kẻ ăn hối lộ là loài sâu mọt, rác rưởi trong bộ máy chính quyền.

Phòng, chống tham nhũng phải được tiến hành mạnh mẽ, đồng bộ, đồng thời, trải rộng trên cả 3 lĩnh vực doanh nghiệp - chính quyền - nhân dân. Bởi vì, doanh nghiệp là kẻ làm ăn phi pháp và đưa hối lộ. Chính quyền là người ra quyết định và hưởng bổng lộc. Còn người dân chịu trách nhiệm về thái độ thờ ơ, thích nghi, hoặc tiếp tay cho hành vi tiêu cực.

Chống tệ nạn hối lộ thực chất là xây dựng “chính quyền sạch”, làm nền tảng xây dựng “quốc gia sạch”.

Và ngay cả với những người đưa, nhận hối lộ thì cũng không phải là chống đối họ, mà chính là hướng con người và xã hội tới một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Có thể nói đây là một kết luận rất xác đáng, rất khoa học.

Ở Việt Nam ta, tệ nạn hối lộ có 2 mức: Mức lớn và mức nhỏ.

Về mức lớn. Ví như, muốn được làm việc ở những nơi có thể hái nhanh ra tiền lớn như các ngành bưu điện, ngân hàng, hàng không, thuế, hải quan… người ta sẵn sàng bôi trơn nhiều trăm triệu đồng, vì chỉ sau vài năm, bằng nhiều “ma thuật”, sẽ thu hòa vốn và sinh lãi to. Muốn chạy chức, chạy quyền vào những cơ quan trọng yếu, muốn thăng cấp, thăng hàm cao, muốn chạy án, chạy tội nghiêm trọng, đặc biệt là muốn có những dự án béo bở… người ta không ngần ngại lót tay nhiều tỷ đồng, hoặc hàng trăm ngàn, thậm chí hàng triệu USD.

Về mức nhỏ. Tệ nạn hối lộ diễn ra thường xuyên, phổ biến tràn lan khắp các ngóc ngách của đời sống xã hội. Trong chợ búa, các trục giao thông trên đường phố, nhà trẻ công lập, trường học, bệnh viện, trụ sở chính quyền các cấp… muốn được việc phải phong bì, lót tay nhiều chục nghìn, nhiều trăm nghìn và cả tiền triệu.

Người ta vô tư, thoải mái, vui vẻ ăn của đút vì không cho đây là hành vi tham nhũng, mà họ cho đây là “món quà tình cảm” bày tỏ lòng biết ơn sự giúp đỡ nhau, là lẽ thường tình trong giao tiếp thời nay, “có qua có lại mới toại lòng nhau”.

Trong khi những kẻ đưa và nhận hối lộ dửng dưng, vô cảm với tội ác thì ít tổ chức nào tiến hành thống kê hoặc điều tra dư luận xã hội về tệ nạn hối lộ đã gây hậu quả xấu xa như thế nào?

Trong phạm vi hạn hẹp của một bài báo, chỉ xin được nêu lên 3 hệ lụy vô cùng nghiêm trọng của tệ nạn hối lộ đối với sự lãnh đạo và uy tín của Đảng ta.

Đừng bao giờ coi mức hối lộ nhỏ là “tham nhũng vặt”. Hàng chục triệu người dân nghèo trước bước đường cùng khi gặp tai ương, khổ nạn, thậm chí bị bần cùng hóa vì phải dốc hết hầu bao cho cái gọi là “tham nhũng vặt” để cứu mình, cứu người. Hối lộ nhỏ cùng với hối lộ lớn đã gây thiệt hại to lớn vô kể cho người dân và ngân sách Nhà nước không thua kém tệ nạn tham ô.

Những kẻ đưa hối lộ, những đảng viên, cán bộ, viên chức chính quyền nhận hối lộ là những tội đồ phá hoại pháp luật, kỷ cương phép nước, đứng ngoài và đứng trên pháp luật Nhà nước, tạo ra một hành lang pháp lý riêng được gọi là “luật bất thành văn”, “luật rừng”, buộc con người và xã hội phải chơi theo “luật rừng” của giặc nội xâm.

Hệ lụy quan trọng nhất, nguy hiểm nhất đối với Đảng, Nhà nước là nạn hối lộ đã mang lại cho xã hội ta một lối sống mới, một tập quán mới cực kỳ xấu xa. Đó là lối sống và tập quán “nén bạc đâm toạc tờ giấy”, “đồng tiền làm nên tất cả”, “đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn”. Với những kẻ nhận hối lộ, ai giàu có lót tay càng nhiều, càng được chào đón niềm nở, càng được ưu ái, ưu tiên. Người nghèo lót tay ít thì gây khó dễ, coi thường. Ai thẳng thắn, trung thực thì dùng ‘luật rừng” cản trở, thậm chí trù dập, trả thù. Những kẻ ăn hối lộ đã làm cho người “muốn sống lương thiện cũng không thể sống lương thiện”. Để được việc, để được tồn tại, họ buộc phải thích nghi với tiêu cực, phải lót tay, chịu nhẫn nhục. Nhưng sau khi lót tay, họ hết sức căm ghét, khinh bỉ bè lũ tham nhũng, đồng thời lại mất lòng tin vào Đảng, Chính phủ.

Sách có câu: “Kẻ nào coi đồng tiền làm nên tất cả, kẻ đó dám làm tất cả để có đồng tiền”. Những kẻ ăn hối lộ dám bất chấp kỷ luật Đảng, pháp luật của Nhà nước, truyền thống đạo đức, văn hóa “tương thân tương ái”, “sống vì mọi người”, không còn biết đến danh dự cá nhân, lòng tự trọng. Thậm chí, dám “hy sinh đời bố củng cố đời con”, dám làm tất cả để có tiền và nhiều tiền sống vinh thân phì da; vô hồn, vô cảm trước nỗi đau của người nghèo.

 Đất nước ta hàng ngàn năm văn hiến. Nhân dân ta giàu lòng nhân đạo. Kế thừa và phát triển tinh hoa truyền thống văn hóa, đạo đức cao đẹp của dân tộc, Đảng ta đang ra sức xây dựng một xã hội “mỗi người biết sống vì mọi người”, dân chủ, công bằng văn minh.

Thời nhà Trần, sau khi đánh thắng giặc Nguyên Mông, triều đình ra chỉ dụ khoan thư sức dân, làm dân phải tôi trung, làm quan phải trong sáng. Đảng ta phải giáo dục, quản lý chặt chẽ, gìn giữ đảng viên, cán bộ các cấp, nhất là cán bộ cấp chiến lược nêu gương tiêu biểu không nhận hối lộ, dù là một đồng tiền nhỏ nhất.

Nhà nước ta đang khuyến khích phát triển mạnh kinh tế tư nhân làm động lực phát triển xã hội. Cần nhìn xa và thấy trước kinh tế tư nhân càng phát triển thì nạn hối lộ diễn ra thường xuyên ngày càng lớn, đòi hỏi phải chống tham nhũng quyết liệt cả trong khu vực ngoài quốc doanh.

Đảng phải có điều luật cụ thể, quy định rõ ràng, có cơ chế chính sách thi hành kỷ luật nghiêm minh với kẻ nhận hối lộ và đưa hối lộ, biểu dương những người trả lại tiền của hối lộ, khen thưởng xứng đáng người không nhận hối lộ và dám đấu tranh chống nạn hối lộ.

Đặc biệt, phải bằng mọi cách loại bỏ lối sống và tập quán “đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn” do tệ nạn hối lộ gây nên, đang phá hoại nghiêm trọng những giá trị tinh thần văn hóa, đạo đức cao đẹp của nước ta, gây mất lòng tin của quần chúng, nhân dân đối với Đảng và Chính phủ.

Đảng, Nhà nước và nhân dân ta phải quan tâm chống nạn hối lộ là nhiệm vụ quan trọng thường xuyên hàng đầu để cơ bản hoàn thành phần lớn nhiệm vụ chống tham nhũng.

Một chính quyền từ cơ sở đến Trung ương không có người ăn hối lộ, vui vẻ trả lại tiền của hối lộ thì cuộc đời này sẽ đẹp biết bao!

HỒ NGỌC SƠN - ĐỖ CÔNG ĐỊNH