Đại học Xây dựng Hà Nội là đơn vị đầu tiên được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) thanh tra trách nhiệm và quyền hạn của Hội đồng Trường (HĐT) trong năm 2022 - nội dung thanh tra hoàn toàn mới.

Đoàn thanh tra đã ghi nhận những kết quả đạt được của HĐT Trường Đại học Xây dựng Hà Nội. Bên cạnh đó, đoàn cũng chỉ ra một số hạn chế, thiếu sót trong việc ban hành các văn bản, nghị quyết hay việc thực hiện giám sát của HĐT.

Nguyên nhân dẫn tới hạn chế, thiếu sót trên, theo Bộ GDĐT là do HĐT mới được thành lập, kiện toàn theo quy định của Luật Giáo dục đại học sửa đổi, bổ sung và Nghị định số 99/2019/NĐ-CP của Chính phủ, hoạt động từ tháng 1/2020, đúng thời điểm dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp (2020 - 2021), các cơ sở giáo dục đại học trên cả nước phải thực hiện dạy học trực tuyến, nên hoạt động của HĐT chưa thực hiện đầy đủ theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

Chia sẻ với chúng tôi, PGS.TS Nguyễn Đình Thi, Chủ tịch HĐT cho biết, bản thân ông cũng như các thành viên trong HĐT luôn đánh giá cao vai trò của hoạt động thanh tra. Có thể nói, nhờ cuộc thanh tra trách nhiệm của Bộ GDĐT đã giúp cho mọi hoạt động của HĐT được thực hiện một cách có hệ thống hơn, bảo đảm các quy định của pháp luật hơn. Thanh tra đã giúp nhận thức tốt hơn trong công việc, nhiệm vụ được giao. Thậm chí, có những qui định cả tập thể có cùng nhận thức khi áp dụng, nhưng khi đoàn thanh tra phân tích, hướng dẫn thì đơn vị hiểu đúng hơn để thực thi.

PGS.TS Nguyễn Đình Thi cũng cho biết, Trường Đại học Xây dựng được thành lập theo Quyết định số 144/CP ngày 8/8/1966 của Hội đồng Chính phủ, tiền thân là Khoa Xây dựng, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Ngày 13/8/2021, Thủ tướng Chính phủ có quyết định đổi tên Trường Đại học Xây dựng thành Trường Đại học Xây dựng Hà Nội - là cơ sở giáo dục đại học công lập, trực thuộc Bộ GDĐT.

Sau khi Luật Giáo dục đại học sửa đổi, bổ sung và Nghị định số 99 của Chính phủ có hiệu lực, HĐT là bộ máy mới được thành lập trong các trường đại học, lại đang trong quá trình vận hành nên không tránh khỏi những thiếu sót, hạn chế, hay nói đúng hơn là nhận thức chưa đầy đủ. Tuy nhiên, nhờ có thanh tra vào cuộc nên đã nhận thức thêm được những thiếu sót, hạn chế cần khắc phục.

Quá trình thanh tra, những thiếu sót có thể khắc phục được ngay, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội đã nghiêm túc thực hiện, xử lý kịp thời.

Ngay sau khi có kết luận thanh tra, HĐT đã thông qua kế hoạch thực hiện, trong đó nêu rõ thời gian, tiến độ, yêu cầu thực hiện. Bên cạnh đó, nhà trường cũng tổ chức cuộc họp với sự tham gia của Đảng ủy, Chủ tịch HĐT, Ban Giám hiệu, Thành viên HĐT, Chủ tịch Công đoàn… rút kinh nghiệm về những hạn chế, thiếu sót. Cuộc họp này có sự tham dự của đại diện Vụ Tổ chức Cán bộ, Bộ GDĐT.

Các tập thể, cá nhân có liên quan đến những hạn chế, thiếu sót được Thanh tra Bộ GDĐT chỉ ra đã nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm. Đến nay, về cơ bản đã thực hiện xong, còn một số nội dung đang triển khai, dự kiến trong tháng 12/2022 sẽ được thực hiện dứt điểm.

Theo kết luận thanh tra của Bộ GDĐT, về quy trình, thủ tục, trình tự công nhận HĐT, Chủ tịch HĐT và số lượng, thành phần, cơ cấu HĐT bảo đảm đúng quy định tại Nghị định số 99/2019/NĐ-CP và Luật Giáo dục đại học sửa đổi, bổ sung. HĐT đã phân công nhiệm vụ chi tiết, cụ thể cho từng thành viên đảm bảo quy định; thực hiện công khai danh sách chủ tịch và thành viên HĐT trên trang thông tin điện tử của trường đúng quy định.

Bên cạnh đó, HĐT cũng đã ban hành các nghị quyết phê duyệt các nhiệm vụ của trường, ban hành quy chế tổ chức hoạt động, quy chế quản lý tài chính và quy chế dân chủ trong hoạt động theo quy định; ban hành các văn bản liên quan đến quản lý tài chính, trong đó có các giải pháp tài chính để thực hiện chiến lược phát triển trường giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2045; các quy định về phân cấp trong quản lý đầu tư, mua sắm tài sản, cải tạo và sửa chữa thường xuyên công trình xây dựng phù hợp với tổng mức đầu tư đã được cơ quan chủ quản phân cấp; có chính sách thu hút nguồn nhân lực và sử dụng hiệu quả nguồn thu từ các hoạt động khoa học và công nghệ; hỗ trợ kinh phí cho sinh viên, học viên; ban hành quy định về tuyển dụng, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng và quản lý viên chức, trong đó quy định chi tiết tiêu chuẩn đối với từng chức danh nghề nghiệp…

Ngoài ra, HĐT cũng đã thành lập Ban Giám sát thường xuyên nhiệm kỳ 2019 - 2024 và Ban Giám sát chuyên đề thực hiện quy chế dân chủ; đã có kế hoạch giám sát, phân công nhiệm vụ giám sát và thực hiện giám sát trách nhiệm giải trình của hiệu trưởng và có báo cáo kết quả giám sát.

Năm 2021, HĐT đã thực hiện giám sát việc thực hiện quy chế dân chủ của trường và một số đơn vị thuộc trường. Qua giám sát, đã phát hiện ưu điểm trong công tác thực hiện quy chế dân chủ, chỉ ra điểm còn tồn tại, hạn chế và nguyên nhân, tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện quy chế dân chủ của trường.

HĐT đã bước đầu giám sát việc thực hiện phương hướng, nhiệm vụ của năm học; giám sát việc bổ nhiệm, bãi nhiệm, miễn nhiệm phó hiệu trưởng; việc quyết định các chức danh quản lý khác do quy chế tổ chức hoạt động của trường quy định; thực hiện giám sát công tác đào tạo, khoa học công nghệ, hợp tác quốc tế; việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản của trường thông qua báo cáo của hiệu trưởng tại cuộc họp với HĐT, báo cáo tổng kết năm học 2020 - 2021 và những nhiệm vụ chủ yếu năm học 2021 - 2022…

Qua 66 năm đào tạo, 56 năm thành lập, tính đến nay, ngôi trường này đã đào tạo hàng chục nghìn kỹ sư, kiến trúc sư, thạc sỹ và tiến sỹ và trở thành những cán bộ chủ chốt, những nhà quản lý giỏi, những nhà giáo mẫu mực, nhà khoa học có uy tín, nhiều người đã trở thành những cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước và Chính phủ. 
Phương Hiếu