Chưa thực hiện được kiến nghị nào của TTCP

Kết luận thanh tra số 1452/KL-TTCP ngày 21/8/2020 của Thanh tra Chính phủ (TTCP) về việc chấp hành pháp luật trong quản lý, sử dụng đất đai, trong đó có đất nguồn gốc từ lâm trường quốc doanh theo Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 4/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ tại Tập đoàn Công nghiệp Cao su; Tổng Công ty Lâm nghiệp và Tổng Công ty Chè Việt Nam đã chỉ ra nhiều sai phạm, tồn tại.

Ngày 22/10/2020, Văn phòng Chính phủ có Văn bản số 8752/VPCP-V.I về ý kiến của Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương, cơ quan có liên quan thực hiện Kết luận thanh tra số 1452/KL-TTCP.

Tại tỉnh Hòa Bình, kết luận chỉ ra nhiều sai phạm, tồn tại nghiêm trọng như: UBND tỉnh Hòa Bình phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 dự án sân golf Hòa Bình - Geleximco trên diện tích 140,13ha đất trồng rừng của Công ty Lâm nghiệp Hòa Bình (đã có Quyết định thu hồi 61,58ha) chưa đúng Quyết định số 1946/QĐ-TTg ngày 26/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch sân golf Việt Nam đến năm 2020.

Phê duyệt quy hoạch dự án viện dưỡng lão và công viên tâm linh Vĩnh Hằng vào diện tích 66,17ha đất của Công ty Lâm nghiệp Hòa Bình (là đất được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cho công ty được giữ lại sau cổ phần hóa), dự án không có trong quy hoạch nghĩa trang trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, không có trong Nghị quyết số 43/NQ-CP ngày 29/3/2013 của Chính phủ về quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 của tỉnh Hòa Bình.

Cấp giấy phép đầu tư cho các dự án với diện tích 263,42ha chồng lấn lên đất của Công ty Lâm nghiệp Hòa Bình và UBND các huyện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) cho các hộ dân nhận khoán đất của Công ty Lâm nghiệp Hòa Bình tại các huyện: Lương Sơn, Kỳ Sơn, Lạc Sơn và TP Hòa Bình 280,94ha (tổng diện tích là 544,36ha), trái quy định tại Mục đ, Khoản 2, Điều 41, Nghị định số 181/NĐ-CP (Nhà nước không cấp GCNQSDĐ cho người nhận khoán đất trong các nông, lâm trường).

Quyết định cho thuê đất, cấp GCNQSDĐ tại khu đất có diện tích 13.147,1m2 tại huyện Lương Sơn, vi phạm quy định pháp luật về đất đai, Điều 48, Luật Đất đai năm 2003, Điều 43 và 63 Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004 của Chính phủ.

TTCP đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND tỉnh Hòa Bình chấn chỉnh, khắc phục, xử lý đối với những tồn tại, vi phạm, khuyết điểm thuộc phạm vi trách nhiệm nêu tại kết luận thanh tra; theo thẩm quyền chỉ đạo kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân có liên quan đến khuyết điểm, vi phạm nêu tại kết luận thanh tra. Chỉ đạo kiểm tra, rà soát các quyết định thu hồi đất đối với các tập đoàn, tổng công ty trên địa bàn để cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, thực hiện dự án… đảm bảo đúng quy định của pháp luật về đất đai, đầu tư, xây dựng, môi trường; xử lý đối với các vi phạm, kiên quyết thu hồi đối với diện tích không đúng quy hoạch, sử dụng sai mục đích… chuyển cơ quan chức năng điều tra, xử lý đối với những vi phạm có dấu hiệu hình sự về đất đai, đầu tư xây dựng cơ bản, môi trường…

Để chuyển tải đến bạn đọc kết quả thực hiện Kết luận thanh tra số 1452/KL-TTCP của UBND tỉnh Hòa Bình, ngày 24/11/2020, PV Báo Thanh tra đã đặt lịch làm việc bằng văn bản với ông Bùi Văn Khánh, Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình. Tuy nhiên, Văn phòng UBND tỉnh có Văn bản số 8240/VPUBND-NNTN hướng dẫn phóng viên trực tiếp liên hệ làm việc với Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) và UBND TP Hòa Bình.

Trao đổi với PV, bà Phạm Thị Mơ, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đất đai, Sở TN&MT cho biết, đến nay UBND tỉnh Hòa Bình chưa triển khai được kiến nghị nào theo Kết luận thanh tra số 1452/KL-TTCP và Văn bản số 8752/VPCP-V.I ngày 22/10/2020 của Văn phòng Chính phủ.

Tương tự, tại TP Hòa Bình, theo ông Đinh Trọng Tuấn, Phó Phòng TN&MT, đến nay UBND TP cũng chưa thực hiện được kiến nghị nào theo Kết luận thanh tra số 1452/KL-TTCP và Văn bản số 8752/VPCP-V.I ngày 22/10/2020 của Văn phòng Chính phủ.

Buông lỏng quản lý xây dựng

Trong khi UBND tỉnh và các cơ quan chức năng “ngó lơ” việc thực hiện Kết luận thanh tra số 1452/KL-TTCP và Văn bản số 8752/VPCP-V.I ngày 22/10/2020 của Văn phòng Chính phủ, thì chủ đầu tư dự án viện dưỡng lão và công viên tâm linh Vĩnh Hằng - Công ty Cổ phần (CP) Tây phương cực lạc Hòa Bình lại “vô tư” triển khai thực hiện dự án. Đến khi Tổng Công ty Lâm nghiệp Việt Nam có văn bản gửi UBND tỉnh Hòa Bình và các cơ quan chức năng thì UBND tỉnh Hòa Bình mới cho… kiểm tra?

Biên bản kiểm tra việc múc đất, san hạ mặt bằng ngày 20/11/2020 giữa các cơ quan chức năng TP Hòa Bình và Công ty CP Tây phương cực lạc Hòa Bình cho thấy, mặc dù dự án không có trong quy hoạch nghĩa trang trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, không có trong Nghị quyết số 43/NQ-CP ngày 29/3/2013 của Chính phủ về quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 của tỉnh Hòa Bình, nhưng dự án đã được UBND tỉnh Hòa Bình có văn bản đồng ý về chủ trương đầu tư năm 2012; được phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500, được cấp giấy chứng nhận đầu tư năm 2013; có quyết định chuyển mục đích sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất đợt 1 và đợt 2 năm 2018 và các thủ tục pháp lý khác liên quan đến dự án!

Tại thời điểm kiểm tra, mặc dù chưa có hồ sơ thuê đất, chưa có hồ sơ về san hạ mặt bằng; chưa được cấp phép xây dựng, chưa có thiết kế cơ sở, thiết kế thi công… nhưng chủ đầu tư đã huy động 1 máy ủi, 8 máy xúc, 15 ô tô tải và hàng chục công nhân và đã san hạ được 3ha.

Để làm sáng tỏ việc chủ đầu tư triển khai dự án khi còn thiếu các thủ tục pháp lý, PV đã đặt lịch làm việc bằng văn bản với bà Đào Thị Hương - Tổng Giám đốc Công ty CP Tây Phương Cực Lạc Hòa Bình. Tuy nhiên khi đến làm việc thì được bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, nhân viên công ty thông báo bà Hương bận đi công tác!

Đến bao giờ UBND tỉnh Hòa Bình mới thực hiện Kết luận thanh tra số 1452/KL-TTCP và Văn bản số 8752/VPCP-V.I ngày 22/10/2020 của Văn phòng Chính phủ? Liệu dự án viện dưỡng lão và công viên tâm linh Vĩnh Hằng có đủ điều kiện pháp lý để triển khai? Báo Thanh tra sẽ tiếp tục phản ánh.

Trần Quý