Bộ TNMT chưa báo cáo 3 đầu việc

Đối với Bộ TNMT, Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo “tham mưu cho Chính phủ chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc UBND các tỉnh thực hiện việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản theo quy định của Luật Khoáng sản năm 2010, Nghị định số 22/2012/NĐ-CP ngày 26/3/2012 của Chính phủ quy định về đấu giá quyền khai thác khoảng sản nhằm đảm bảo công khai, minh bạch trong hoạt động khoáng sản, tránh thất thoát ngân sách Nhà nước”. Bộ TNMT chưa có báo cáo kết quả thực hiện nội dung này.

Đối với kiến nghị “rà soát lại giấy phép khai thác khoáng sản của Công ty Apatit Việt Nam. Căn cứ quy định của pháp luật để cấp đổi Văn bản đăng ký mỏ số 148, 149 ngày 28/8/1993; quyết định gia hạn hoặc đóng cửa mỏ đối với một số khai trường đã hết hạn khai thác”, Bộ TNMT chưa có báo cáo kết quả thực hiện.

Về thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình tại Thông báo số 469 ngày 24/12/2018 đối với nội dung “Bộ TNMT chủ trì, phối hợp với các địa phương và các bộ, ngành liên quan lập chuyên đề kiểm tra, rà soát để tổng kết, đánh giá việc khai thác vàng trên toàn quốc, từ đó đề ra các giải pháp căn cơ nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, khai thác khoáng sản, công tác bảo vệ rừng, hiệu quả đầu tư các dự án gắn với bảo vệ môi trường và an sinh xã hội”, theo báo cáo của Bộ TNMT, Bộ đã giao Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam chủ trì, phối hợp với địa phương tổ chức 2 đoàn kiểm tra hoạt động khai thác vàng, bảo vệ môi trường trong khai thác vàng trên địa bàn 2 tỉnh Thái Nguyên và Lào Cai, đồng thời có văn bản chỉ đạo 13 địa phương có hoạt động khai thác vàng phối hợp rà soát, kiểm tra và gửi báo cáo về Bộ để tổng hợp.

Trên cơ sở kết quả kiểm tra của Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam và báo cáo của các địa phương, Bộ TNMT đã tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ tại Báo cáo số 60 ngày 20/6/2020.

Ngày 08/7/2020, Văn phòng Chính phủ có Văn bản số 5550 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu các bộ, ngành liên quan và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục tăng cường hiệu lực thực thi pháp luật về khoáng sản; tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm đối với các hoạt động khai thác vàng trái phép theo đúng quy định của pháp luật.

leftcenterrightdel
Rà soát lại giấy phép khai thác khoáng sản của Công ty Apatit Việt Nam cũng là đầu việc còn nợ... Ảnh: ĐQ

Đối với kiến nghị “Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ TNMT ban hành văn bản hướng dẫn trình tự lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch khoảng sản...”, theo báo cáo của Bộ Công thương, tại thời điểm trước khi Luật Quy hoạch có hiệu lực, việc lập, xin ý kiến, trình thẩm định và phê duyệt quy hoạch được quy định cụ thể, chi tiết tại Luật Khoáng sản, Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Khoáng sản và các văn bản pháp luật có liên quan.

Từ ngày 01/01/2019, Luật Quy hoạch số 21/2017/QH14 được Quốc hội thông qua ngày 24/11/2017 có hiệu lực cũng đã quy định chi tiết các bước lập, thẩm định quy hoạch trong đó có quy hoạch các loại khoáng sản; Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thực hiện quản lý Nhà nước về quy hoạch; Luật Quy hoạch không giao thẩm quyền Bộ Công thương hướng dẫn chi tiết các bước lập, thẩm định, phê duyệt về quy hoạch khoáng sản.

Hiện tại, Bộ Công Thương đang triển khai lập quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản (trừ khoáng sản làm vật liệu xây dựng). Trong quá trình lập quy hoạch, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành địa phương liên quan trong việc xác định các điểm mỏ xem xét đưa vào quy hoạch đế tránh chồng lấn với các quy hoạch khác như quy hoạch kinh tế - xã hội của địa phương; quy hoạch khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản, khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia...

Bộ Tài chính “nợ” việc sửa đổi qui định về các loại thuế, phí

Đối với Bộ Tài chính, Thanh tra Chính phủ kiến nghị “nghiên cứu, đề xuất sửa đổi thể chế trong việc kê khai các loại thuế, phí và các khoản thu từ hoạt động khoáng sản. Không để các doanh nghiệp tự kê khai và tự chịu trách nhiệm về việc kê khai, mà phải quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý thuế”. Bộ Tài chính chưa có báo cáo kết quả thực hiện nội dung này.

Về thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình tại Thông báo số 126 ngày 30/3/2018 của Văn phòng Chính phủ, đối với nội dung Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Thanh tra Chính phủ, Bộ TNMT và các cơ quan liên quan xem xét, xử lý kiến nghị của UBND tỉnh Lào Cai về việc nộp thuế, phí đảm bảo hạ tầng giao thông, thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với hoạt động khoáng sản và có văn bản hướng dẫn địa phương thực hiện theo đúng quy định; theo báo cáo của Bộ Tài chính, liên quan đến số tiền 41,6 tỷ đồng khoản thu đóng góp từ khai thác khoáng sản đối với Lilama để đảm bảo hạ tầng giao thông theo quy định của tỉnh, UBND tỉnh Lào Cai có Công văn số 3583 ngày 06/8/2018 gửi Bộ Tài chính giải trình phương pháp tính toán mức thu đóng góp từ khai thác khoáng sản để đảm bảo hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh Lào Cai giai đoạn năm 2013 - 2015.

Theo tính toán của UBND tỉnh Lào Cai, số tiền Lilama phải nộp là 8,8 tỷ đồng, thấp hơn so với kết luận của Thanh tra Chính phủ là 35,7 tỷ đồng.

leftcenterrightdel
 Sau rà soát, số tiền thấp hơn so với kiến nghị là 35,7 tỷ đồng... Ảnh: ĐQ

Bộ Tài chính đã có văn bản lấy ý kiến Bộ TNMT và Thanh tra Chính phủ về nội dung này; Bộ TNMT đã có văn bản tham gia ý kiến.

Trên cơ sở ý kiến của UBND tỉnh Lào Cai và Bộ TNMT, Bộ Tài chính có Văn bản số 807 ngày 21/01/2020 báo cáo Thủ tướng Chính phủ, cho rằng, khoản phí đảm bảo hạ tầng giao thông không thuộc danh mục phí, lệ phí thuộc ngân sách Nhà nước theo quy định của pháp luật về phí, lệ phí. Tại Điều 27 Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 06/6/2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách Nhà nước thì Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định một số chế độ thu phí và các khoản đóng góp của nhân dân theo quy định của pháp luật. UBND cấp tỉnh lập phương án huy động và sử dụng nguồn thu từ các khoản đóng góp của nhân dân theo quy định của pháp luật, báo cáo Hội đồng nhân dân xem xét, quyết định.

Như vậy, thẩm quyền thu khoản đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân ở trong và ngoài nước, trong đó có khoản phí đảm bảo hạ tầng giao thông thuộc thẩm quyền của Hội đông nhân dân cấp tỉnh. Bộ Tài chính đã có Công văn số 1147 ngày 23/01/2009 gửi UBND tỉnh Lào Cai hướng dẫn địa phương về vấn đề này.

Các qui hoạch Bộ Công Thương đã trình Chính phủ 

Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng bôxit, quặng cromit, mangan giai đoạn 2007 - 2015, định hướng đến năm 2025; quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng nước khoáng, nước nóng thiên nhiên Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035; quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng nhóm khoáng chất công nghiệp (serpentin, barit, grafit, fluorit, bentonit, diatomit và talc) đến năm 2015, có xét đến năm 2025; quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng đá quý, đất hiếm và urani giai đoạn 2015, có xét đến năm 2025; quy hoạch thăm dò, khai thác và chế biến khoáng chất mica, pyrit, quarzit, thạch anh, silimanit, sericit, Vermiculit giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng titan, quặng apatit, quặng sắt, quặng chì, kẽm giai đoạn đến năm 2020, có xét đến năm 2030; quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng nhóm khoáng chất nguyên liệu đá vôi trắng (đá hoa), felspat, cao lanh và magnezit đến năm 2015, có xét đến năm 2025; quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng thiếc, vonfram và antimon giai đoạn đến năm 2025, có xét đến năm 2035; quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng vàng, đồng, niken, molipđen Việt Nam đến năm 2025, có xét đến năm 2035.

Theo Bộ Tài chính, việc tính số tiền đóng góp đảm bảo hạ tầng giao thông của tỉnh Lào Cai do UBND tỉnh Lào Cai quy định phải đảm bảo quy định pháp luật. Phương pháp tính số tiền đóng góp này được xem xét trên cơ sở sử dụng đường giao thông của tỉnh, giao thông công cộng và đường nội bộ để xác định mức đóng góp cho phù hợp với thực tế. Cách tính của đoàn thanh tra là theo phương pháp áp dụng một mức thu đối với toàn bộ khối lượng khoáng sản khai thác. Do đó, phương pháp tính của UBND tỉnh Lào Cai có chênh lệch so với kiến nghị của Thanh tra Chính phủ, lý do chính là có sự khác biệt trong áp dụng mức thu và xác định tuyến đường vận chuyển thực tế.

Bộ Tài chính kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Lào Cai thực hiện kết luận của Thanh tra Chính phủ tại Văn bản số 3238 và báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét, quyết định mức thu phí đảm bảo hạ tầng giao thông từng thời kỳ, đảm bảo khách quan, minh bạch, chống thất thoát nguồn thu của ngân sách Nhà nước theo đúng thẩm quyền quy định của pháp luật.

Tại kết luận Thanh tra, Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công thương “rà soát, điều chỉnh quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản trình Thủ tướng phê duyệt cho phủ hợp với Luật Khoáng sản năm 2010, trên cơ sở gắn khai thác với chế biến khoáng sản, với nhà máy chế biến sâu, vùng nguyên liệu nhằm tránh lãng phí đầu tư, đảm bảo khai thác, chế biến với quy mô công nghiệp”.

Bộ Công Thương báo cáo đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch một số loại khoáng sản.

Thực hiện Quyết định số 995/QĐ-TTg ngày 09/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao nhiệm vụ cho các bộ tổ chức lập quy hoạch ngành quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ Công thương được giao lập quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Bộ Công Thương báo cáo đang phối hợp với các địa phương, các bộ, ngành liên quan trong việc rà soát và triển khai lập quy hoạch các loại khoáng sản để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt trong năm 2022.

Bài 3: Tiếp tục “nợ” nhiều nội dung liên quan đến tận thu quặng, cấp phép mỏ vàng Minh Lương

Đan Quế