Thanh tra Bộ LĐTB&XH cho biết, về cơ bản, Luật Thanh tra năm 2022 đã khắc phục được những hạn chế còn tồn tại của Luật Thanh tra năm 2010 và đã đưa được quan điểm của Đảng, pháp luật của Nhà nước vào quy định pháp luật thanh tra, cụ thể như Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khoá 12, Nghị quyết số 26-NQ/TW, đặc biệt Chỉ thị số 04-CT/TW ngày 2/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng, kinh tế; đặc biệt, hiện nay đang đặt ra yêu cầu đối với ngành Thanh tra phải thực hiện hiệu quả chức năng, nhiệm vụ về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần kiểm soát quyền lực Nhà nước, bảo vệ quyền con người, quyền công dân theo tinh thần Hiến pháp năm 2013.

Nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế, bất cập trong thực hiện kết luận thanh tra, Luật Thanh tra năm 2022 và Nghị định 43/2023/NĐ-CP quy định đầy đủ hơn về trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan trong đảm bảo thực hiện kết luận thanh tra, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ, bộ trưởng, chủ tịch UBND cấp tỉnh, chủ tịch UBND cấp huyện chịu trách nhiệm chỉ đạo việc thực hiện kết luận (khoản 1 Điều 103 Luật Thanh tra); thủ trưởng cơ quan thanh tra ban hành kết luận thanh tra có trách nhiệm tổ chức việc theo dõi, đôn đốc việc thực hiện kết luận thanh tra (Điều 51 Nghị định 43/2023/NĐ-CP); người ra quyết định thanh tra quyết định kiểm tra thực hiện kết luận thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra (Điều 55 Nghị định 43/2023/NĐ-CP).

Ngay sau khi luật chính thức có hiệu lực, Chánh Thanh tra Bộ LĐTBXH đã phổ biến toàn bộ nội dung của luật thông qua các buổi tập huấn, sinh hoạt chuyên đề của đơn vị để triển khai thực hiện.

Tại Luật Thanh tra năm 2022, việc công khai kết luận thanh tra đã có những quy định mới giúp cho các cơ quan, tổ chức, báo chí, công dân thực hiện và tiếp cận dễ dàng hơn so với Luật Thanh tra năm 2010.

Theo Điều 79 Luật Thanh tra năm 2022, quy định về công khai kết luận thanh tra: “Chậm nhất là 10 ngày kể từ ngày ký ban hành kết luận thanh tra, người ra quyết định thanh tra có trách nhiệm công khai kết luận thanh tra theo hình thức quy định tại điểm a khoản 3 điều này và một trong các hình thức quy định tại các điểm b, c và d khoản 3 điều này “trích quy định” và một trong các hình thức quy định tại các điểm b, c và d khoản 3 Điều này.

Cũng tại Điều 48, Điều 49 Nghị định số 43/NĐ-CP, ngày 30/6/2023 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thanh tra thể hiện: “Kết luận thanh tra phải được công khai toàn văn, trừ những nội dung trong kết luận thanh tra thuộc bí mật Nhà nước, bí mật ngân hàng, bí mật kinh doanh theo quy định của pháp luật không được công khai”.

Theo Thanh tra Bộ LĐTBXH, khi triển khai Luật Thanh tra năm 2022 và các nghị định hướng dẫn, đặc biệt là việc công khai kết luận thanh tra theo quy định tai Điều 49 của Luật và Điều 48, Điều 49 của Nghị định 43, Thanh tra Bộ LĐTBXH đã và đang thực hiện nghiêm túc việc công khai kết luận thanh tra.

Hầu hết các kết luận thanh tra được Thanh tra Bộ LĐTBXH đăng tải công khai toàn văn trên trang thông tin của Bộ LĐTBXH và đơn vị theo quy định, ngoài ra, tại từng kết luận thanh tra còn yêu cầu đối tượng thanh tra niêm yết tại trụ sở làm việc của đối tượng.

Có thể thấy rằng, những quy định của Luật Thanh tra năm 2022 về công khai kết luận thanh tra đã có tính khả thi cao, quy định đầy đủ, chi tiết từ việc quy định công khai nội dung, hình thức, phạm vi, thời hạn thanh tra đến quy định những nội dung mật không công khai. Qua đó, các cơ quan thanh tra, đơn vị dễ thực hiện, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu lực hoạt động thanh tra, bảo đảm giám sát hoạt động quản lý Nhà nước, phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Trong thời gian qua, với chức năng giúp Bộ trưởng Bộ LĐTBXH thực hiện các quy định của pháp luật về công tác thanh tra, Thanh tra Bộ LĐTBXH đã tăng cường chỉ đạo công tác thanh tra hành chính theo đúng định hướng của Thanh tra Chính phủ nhằm đảm bảo việc tuân thủ các quy định của pháp luật, quy chế của Bộ, kỷ cương, liêm chính, đạo đức công vụ; công tác thanh tra chuyên ngành được thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, theo chuyên đề, trong đó lựa chọn, tập trung các vấn đề, dư luận xã hội quan tâm và theo yêu cầu, định hướng quản lý Nhà nước của ngành.

Qua thanh tra đã cơ bản giải quyết được các vấn đề gây bức xúc, được dư luận xã hội quan tâm thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của ngành LĐTBXH (người có công, lao động, bảo trợ xã hội, trẻ em, bảo hiểm xã hội…), trên cơ sở đó cũng đã đề xuất sửa đổi, bổ sung hoàn thiện chính sách, pháp luật thuộc lĩnh vực của ngành LĐTBXH.

Bên cạnh công tác thanh tra, Thanh tra Bộ cũng đã dành nhiều thời gian cho công tác đào tạo, tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ, nâng cao bản đội ngũ thanh tra viên, công chức thanh tra chuyên ngành.

Để Luật Thanh tra 2022 thực sự đi vào đời sống, thời gian tới, Thanh tra Bộ LĐTBXH tiếp tục chỉ đạo các đơn vị tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc các nội dung của Luật Thanh tra năm 2022 và các văn bản hướng dẫn thi hành, đồng thời rà soát về tổ chức bộ máy các đơn vị, bảo đảm về cơ cấu tổ chức, biên chế, nhân lực; củng cố đội ngũ cán bộ thực hiện công tác chuyên môn, công tác quản lý, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ theo Luật Thanh tra năm 2022 và các quy định pháp luật có liên quan; hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai thực hiện Luật Thanh tra năm 2022 và các quy định pháp luật có liên quan đến phạm vi, lĩnh vực quản lý Nhà nước của ngành LĐTBXH, đồng thời, tổng hợp những vướng mắc, phát sinh và kiến nghị trong quá trình triển khai thực hiện Luật Thanh tra năm 2022 để báo cáo, tham mưu đề xuất Thanh tra Chính phủ.

Phương Anh