Báo cáo tình hình, kết quả thực hiện việc quản lý, sử dụng kinh phí trích từ thu hồi qua thanh tra thực nộp vào ngân sách Nhà nước (NSNN) giai đoạn 2018-2022, tại cuộc họp, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tổng hợp Trần Đăng Vinh cho biết, đối tượng được trích một phần số tiền từ các khoản thu hồi phát hiện qua thanh tra thực nộp vào NSNN được quy định tại Khoản 2, Điều 1, Thông tư 327 của Bộ Tài chính quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng kinh phí được trích từ các khoản thu hồi phát hiện qua công tác thanh tra đã thực nộp vào NSNN, bao gồm: Thanh tra Chính phủ (TTCP); thanh tra bộ, cơ quan ngang bộ; thanh tra tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; thanh tra sở; thanh tra huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.

Về tài chính, TTCP, thanh tra một số bộ, thanh tra tỉnh là đơn vị dự toán độc lập. Phần lớn thanh tra bộ, thanh tra sở, thanh tra huyện không phải là đơn vị dự toán độc lập, kinh phí hoạt động được cấp chung với khối văn phòng bộ, sở, huyện.

Về nguồn kinh phí được trích, trong giai đoạn 2018-2022, thông qua hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC), phòng, chống tham nhũng (PCTN), các cơ quan thanh tra đã phát hiện, xử lý vi phạm, thu hồi khoản tiền sai phạm về NSNN với tổng số tiền 15.960.551 triệu đồng; được trích 1.902.631 triệu đồng, chiếm 12% trên tổng số tiền thu hồi qua thanh tra đã thực nộp NSNN.

Nguồn kinh phí NSNN cấp cho các cơ quan thanh tra là 9.329.160 triệu đồng, bình quân 1.865.832 triệu đồng/năm để chi hoạt động thường xuyên, chủ yếu tiền lương, bảo đảm chi hành chính, mua sắm thiết bị làm việc, sửa chữa tài sản.

So sánh với nguồn kinh phí trích với nguồn NSNN cấp, cho thấy nguồn kinh phí trích chiếm khoảng 20,39% nguồn kinh phí ngân sách cấp cho các cơ quan thanh tra để chi hoạt động thường xuyên. Nếu không có nguồn kinh phí trích thì cơ quan thanh tra gặp nhiều khó khăn trong việc bảo đảm tài chính cho hoạt động của cơ quan thanh tra, nhất là các hoạt động mang tính đặc thù và có tính chất phức tạp trong công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết KNTC, PCTN.

leftcenterrightdel
 Toàn cảnh cuộc họp. Ảnh: TH

“Nói chung, việc quản lý, sử dụng nguồn kinh phí trích từ khoản thu hồi thực nộp NSNN trong 5 năm qua đã được các cơ quan thanh tra triển khai thực hiện theo quy định của pháp luật. Hàng năm, cơ quan thanh tra đều lập dự toán, thanh toán, quyết toán theo quy định, có sự giám sát, kiểm tra, kiểm toán của cơ quan tài chính và Kiểm toán Nhà nước” - báo cáo khẳng định.

Bên cạnh đó, nguồn kinh phí trích có tác dụng hỗ trợ, bù đắp cho sự thiếu hụt của nguồn NSNN cấp chi thường xuyên.

Tuy vậy, số tiền thu hồi qua thanh tra của các cơ quan thanh tra không ổn định và có xu hướng giảm qua các năm, không đồng đều trong các cơ quan thanh tra. Trong năm 2021, 2022, nguồn thu giảm do nền kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề của Covid-19. Nguồn thu chỉ tập trung ở TTCP, Thanh tra Bộ Tài chính, thanh tra tỉnh; còn lại ở một số bộ và nhiều cơ quan thanh tra sở không có hoặc có nguồn thu hồi rất thấp.

Số tiền xử phạt vi phạm hành chính chưa được quy định vào nguồn trích. Trên thực tế, các cơ quan thanh tra cần được sử dụng kinh phí từ nguồn này để phục vụ cho nhiệm vụ này. Mặc dù phát hiện được nhiều vi phạm về tài chính qua thanh tra, nhưng số tiền đủ điều kiện để xác định nguồn trích còn thấp.

Tổng Thanh tra làm Trưởng Ban Soạn thảo xây dựng nghị quyết sử dụng kinh phí được trích từ các khoản thu hồi phát hiện qua thanh tra

Ngày 29/5, Tổng Thanh tra Đoàn Hồng Phong đã ký ban hành Quyết định 199/QĐ-TTCP về việc thành lập Ban Soạn thảo, Tổ Biên tập Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về việc trích một phần từ các khoản tiền thu hồi phát hiện quan thanh tra.

Ban Soạn thảo gồm 12 thành viên do ông Đoàn Hồng Phong, Tổng Thanh tra là Trưởng ban; ông Đặng Công Huẩn, Phó Tổng Thanh tra làm Phó Trưởng ban Thường trực; bà Đặng Hoàng Oanh, Thứ trưởng Bộ Tư pháp là Phó Trưởng ban.

Tổ Biên tập gồm 16 thành viên do ông Trần Đăng Vinh, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tổng hợp, Thanh tra Chính phủ làm Tổ trưởng.

Trên cơ sở đó, TTCP đề xuất bổ sung thêm số tiền xử lý vi phạm hành chính thực nộp NSNN thì cơ quan thanh tra cũng được sử dụng làm nguồn trích để bảo đảm cho hoạt động phát hiện, xử lý vi phạm hành chính qua thanh tra đạt hiệu quả.

Đề nghị quy định mức trích theo tổng số tiền thực nộp vào NSNN, giữ nguyên tỷ lệ được trích theo Thông tư 327 và có điều chỉnh khung bậc thang (số tiền thực nộp vào NSNN) cho phù hợp với thực tế, cụ thể:

TTCP được trích 30% trên tổng số tiền thực nộp vào NSNN đối với số tiền thực nộp dưới 100 tỷ đồng/năm; được trích thêm 20% trên tổng số tiền thực nộp vào NSNN đối với số tiền thực nộp từ 100 tỷ đồng đến 200 tỷ đồng/năm; được trích thêm 10% trên tổng số tiền thực nộp vào NSNN đối với số tiền thực nộp từ trên 200 tỷ đồng.

Thanh tra bộ, tỉnh được trích 30% trên tổng số tiền thực nộp vào NSNN đối với số tiền thực nộp dưới 20 tỷ đồng/năm; được trích thêm 20% trên tổng số tiền thực nộp vào NSNN đối với số tiền thực nộp từ 20 tỷ đồng đến 30 tỷ đồng/năm; được trích thêm 10% trên tổng số tiền thực nộp vào NSNN đối với số tiền thực nộp từ trên 30 tỷ đồng.

Thanh tra sở, huyện được trích 30% trên tổng số tiền thực nộp vào NSNN đối với số tiền thực nộp đến 3 tỷ đồng/năm; được trích thêm 20% trên tổng số tiền thực nộp vào NSNN đối với số tiền thực nộp từ 3 tỷ đồng đến 5 tỷ đồng/năm; được trích thêm 10% trên tổng số tiền thực nộp vào NSNN đối với số tiền thực nộp từ trên 5 tỷ đồng. 

Về hạch toán phân bổ, quản lý, sử dụng nguồn kinh phí trích, TTCP đề nghị “kinh phí được trích từ khoản tiền thu hồi phát hiện qua thanh tra thực nộp NSNN đã được phân bổ, nếu trong năm chưa sử dụng hết được chuyển sang năm sau để tiếp tục sử dụng”.

Tại cuộc họp, đa số các đại biểu tham dự đều chia sẻ và cơ bản nhất trí với bản báo cáo về việc quản lý, sử dụng kinh phí trích từ thu hồi qua thanh tra thực nộp vào NSNN cũng như các kiến nghị của TTCP.

Tuy nhiên, báo cáo cần đánh giá thêm về khó khăn khi xu thế nguồn thu ngày càng giảm. Tờ trình cần bổ sung về cơ sở thực tiễn, lý do cụ thể cần có để đề xuất trích nguồn từ thu hồi qua thanh tra; về khoản được trích sẽ nghiên cứu lại làm sao gọn hơn. Đồng thời, đề nghị TTCP cần tiến hành các thủ tục cần thiết để ban hành Nghị quyết cùng với thời gian khi Luật Thanh tra có hiệu lực.

Phát biểu kết luận, Tổng Thanh tra Đoàn Hồng Phong đánh giá cao ý kiến góp ý của các đại biểu. Theo Tổng Thanh tra, cần xem xét lại vấn đề xử phạt hành chính có thu hồi sau thanh tra không. Đồng thời, đề nghị Ban Soạn thảo, Tổ Biên tập tiếp thu toàn bộ ý kiến để hoàn thiện báo cáo, dự thảo tờ trình, dự thảo nghị quyết và sớm chỉnh sửa, gửi các bộ, ngành, địa phương xin ý kiến; đề nghị Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính sớm cho ý kiến vào bản tờ trình, cũng như dự thảo nghị quyết để đảm bảo thời gian ban hành theo quy định.

Thái Hải