Đẩy mạnh công tác phối hợp kiểm tra, hướng dẫn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ

Qua các cuộc về thanh tra, kiểm tra chuyên ngành về sở hữu công nghiệp (SHCN), TĐC, ATBXHN đã phát hiện hành vi vi phạm của các cơ sở như làm mất nguồn phóng xạ; nhân viên bức xạ không thực hiện đầy đủ quy trình làm việc; sử dụng nguồn phóng xạ, thiết bị bức xạ, máy gia tốc mà không có giấy phép tiến hành công việc bức xạ; bố trí người không có chứng chỉ nhân viên bức xạ đảm nhiệm công việc vận hành máy gia tốc; vi phạm điều kiện ghi trong giấy phép tiến hành công việc bức xạ...

Ngoài ra, phát hiện hành vi vi phạm của các cơ sở nhập khẩu dầu nhờn động cơ đốt trong có chất lượng không phù hợp quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; kinh doanh vàng trang sức mỹ nghệ sử dụng phương tiện đo có chứng chỉ kiểm định hết hiệu lực và thực hiện hiệu chuẩn ngoài phạm vi đã đăng ký hoạt động. Đối với chuyên ngành ngành này, Ủy ban TĐC Quốc gia đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, đồng thời áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật.

Cho đến nay, Bộ KH&CN tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế và tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về công tác thanh tra, kiểm tra. Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác phối hợp kiểm tra, hướng dẫn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ và cấp thẻ thanh tra chuyên ngành.

Ngoài việc phối hợp thực hiện các cuộc thanh tra, kiểm tra giữa Thanh tra Bộ, Ủy ban TĐC Quốc gia, Cục ATBXHN, Bộ KH&CN còn quan tâm tới công tác bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ khi cử các cán bộ tham gia lớp bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra viên và lớp bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra viên cao cấp do Trường Cán bộ Thanh tra tổ chức.

Trước đó, hồi tháng 5, Thanh tra Bộ chủ trì tổ chức Hội nghị Thanh tra KH&CN toàn quốc năm 2024 cho công chức làm công tác thanh tra chuyên ngành và thanh tra viên của 63 sở KH&CN địa phương tại thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai với 400 đại biểu dự, mang lại hiệu quả tích cực cho công tác thanh tra ngành KH&CN.

Đảm bảo cạnh tranh lành mạnh, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp và người tiêu dùng

Thực hiện chức năng quản lý Nhà nước được Chính phủ giao, trong thời gian qua, công tác đấu tranh chống gian lận thương mại và hàng giả đã được Ban Chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả Bộ KH&CN (Ban Chỉ đạo 389 Bộ KH&CN) quan tâm, chỉ đạo triển khai và đã thu được kết quả tích cực.

Ban Chỉ đạo 389 Bộ KH&CN đã chỉ đạo các lực lượng chức năng thuộc Bộ tăng cường phối hợp đấu tranh, phát hiện, xử lý nhiều vụ việc vi phạm về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng sản phẩm, hàng hóa, xâm phạm quyền SHCN, góp phần tích cực trong công tác đấu tranh chống gian lận thương mại, hàng giả, đồng thời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng, các đơn vị kinh doanh chân chính, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và thúc đẩy phát triển kinh tế.

Về công tác báo cáo theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, Bộ KH&CN đã thực hiện đầy đủ, đúng thời hạn các báo cáo định kỳ và đột xuất.

Trong đó, đã nghiêm túc triển khai Chương trình Phối hợp hành động phòng và chống xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Hiện, Bộ KH&CN đang xây dựng báo cáo tình hình thực hiện Chương trình Phối hợp hành động phòng chống xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ giai đoạn III (2019-2023) gửi Thủ tướng Chính phủ và 9 bộ, ngành thành viên.

Trong thời gian tới, Bộ KH&CN tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật, cơ chế quản lý lĩnh vực KH&CN và đổi mới sáng tạo; phối hợp với các cơ quan liên quan xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, góp phần xử lý các vi phạm, đảm bảo cạnh tranh lành mạnh, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Ngoài việc tăng cường công tác kiểm tra nội bộ, chủ động rà soát để kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm nếu có, đồng thời đề xuất các giải pháp phòng ngừa rủi ro trong quản lý Nhà nước về lĩnh vực KH&CN.

Tuy nhiên, với các quy định mới chặt chẽ của Luật Thanh tra 2022 cùng hạn chế về số lượng biên chế đã gây rất nhiều khó khăn trong công tác triển khai các nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra thường xuyên và đột xuất. Việc chấp hành các quy định pháp luật của doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân trong lĩnh vực quản lý Nhà nước của ngành KH&CN còn có những diễn biến phức tạp, nhất là đối với những mặt hàng mà ngành KH&CN chịu trách nhiệm quản lý Nhà nước về TĐC sản phẩm, hàng hóa. Vi phạm pháp luật trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, ngày càng tinh vi, gây nhiều khó khăn trong việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của các chủ thể.

Tất cả những khó khăn nêu trên hiện đang được lãnh đạo Bộ KH&CN quan tâm, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn trực thuộc nghiên cứu và tìm ra các giải pháp để thực hiện tốt hơn trong thời gian tới.


Thanh Thanh